Theo dõi Báo Hànộimới trên

Băn khoăn quyền lợi thí sinh

Khánh Vũ| 19/12/2014 06:35

(HNM) - Ngày 18-12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo công bố dự thảo Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, trong đó có nhiều điểm mới được dư luận hết sức quan tâm.

Thay đổi khối thi phải báo trước 3 năm

Theo Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Mai Văn Trinh, quy chế mới hướng tới việc đổi mới tuyển sinh, bảo đảm quyền lợi cho thí sinh (TS). Đáng chú ý là quy định sau khi có kết quả thi, TS mới đăng ký vào các ngành của trường ĐH, CĐ (sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiếu và các môn thi tự chọn khác theo nguyện vọng). Việc này giúp TS được tuyển vào học các trường ĐH, CĐ phù hợp với kết quả thi của mình và các trường tuyển được những TS phù hợp với yêu cầu của ngành đào tạo, tránh sự rủi ro như những năm trước đây đã có trường hợp TS thi đạt điểm cao nhưng vẫn trượt ĐH.

Thí sinh làm thủ tục trước khi vào phòng thi. Ảnh: Viết Thành


Lãnh đạo Bộ tin rằng, quy trình xét tuyển mới không chỉ mở ra các cơ hội trúng tuyển cho TS mà còn giúp giảm tình trạng TS ảo tồn tại nhiều năm qua. Mặc dù tại một thời điểm, TS chỉ được đăng ký xét tuyển vào một trường, nhưng với việc cho phép TS chọn tối đa 4 ngành trong một trường đã tăng khả năng trúng tuyển của TS vào trường. Ngoài ra, TS luôn có đủ thông tin để dự báo khả năng trúng tuyển của mình; đồng thời, trong thời gian xét tuyển TS vẫn được phép rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để nộp vào trường khác. Để kiểm soát việc thực hiện đúng quy định chỉ dùng 1 giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký xét tuyển trong mỗi đợt, trên mỗi giấy đều ghi rõ đợt xét tuyển và có in mã vạch để nhận dạng từng đợt xét tuyển. Như vậy nếu TS nộp nhầm giấy chứng nhận xét tuyển của đợt xét tuyển khác thì phần mềm xét tuyển sẽ không nhận.

Theo quy chế mới, các trường ĐH, CĐ có quyền lựa chọn các môn thi để tuyển thay cho các môn thi theo khối mà Bộ GD-ĐT quy định chung cho tất cả các trường như trước đây. Lãnh đạo Bộ cho rằng xu thế thay đổi này là khách quan, phù hợp với yêu cầu ngày càng cao về đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, để tránh những thay đổi đột ngột không có lợi cho TS, Bộ cũng yêu cầu, nếu thay đổi các khối thi truyền thống, các tổ hợp môn thi đã sử dụng để xét tuyển, các trường phải báo cáo với Bộ và thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của trường, các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 3 năm. Những trường sử dụng nhiều tổ hợp môn thi để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển cho các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi trước đây, 25% chỉ tiêu còn lại dành cho các khối thi mới.

Liệu có thiệt thòi?

Theo quy chế mới, để bảo đảm quy trình xét tuyển được hiệu quả, việc cập nhật và công khai thông tin đăng ký xét tuyển là khâu hết sức quan trọng. Bởi, chỉ khi trường cập nhật đăng ký xét tuyển thì hệ thống mới chuyển dữ liệu của TS về trường và khóa không cho tiếp tục đăng ký xét tuyển. Khi TS có nguyện vọng rút hồ sơ, một mặt các trường phải trả hồ sơ cho TS, mặt khác phải hủy trên hệ thống đăng ký vào trường mình của TS và khi đó TS mới có thể đăng ký vào trường khác. Sau khi có danh sách TS trúng tuyển, trường phải cập nhật vào hệ thống để hệ thống xác định chính xác danh sách các TS tham gia xét tuyển ở vòng tiếp theo. Mặc dù Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường nghiêm túc thực hiện việc quy định về thông tin, tuy nhiên với tình trạng cập nhật dữ liệu xét tuyển như những kỳ tuyển sinh vừa qua, không ít người lo ngại rằng quyền lợi của TS sẽ bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, một số tình huống cụ thể sẽ còn cần Bộ GD-ĐT nghiên cứu giải đáp. Ví dụ như những TS lựa chọn đồng thời nhiều tổ hợp môn thi hoặc khối thi, như cùng thi khối A và khối D, nhưng lại chỉ được chọn một trường, tức là một khối trong một đợt xét tuyển, trong khi trước đây, các em có thể có 2 sự lựa chọn vào 2 trường của 2 khối thi. Như vậy phải chăng quy chế mới sẽ khiến các em thiệt thòi hơn?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Băn khoăn quyền lợi thí sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.