Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều thay đổi quan trọng, nhưng vẫn chưa hợp lý

Quỳnh Phạm - Mai Vân| 27/02/2015 06:26

(HNM) - Ngày 26-2, Quy chế thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy đã được Bộ GD-ĐT công bố khi đã quá thời hạn 45 ngày lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo.

Quy chế có nhiều điểm mới so với dự thảo, với tinh thần hạn chế nhiều thay đổi gây xáo trộn, tạo thuận lợi cho thí sinh…

Tuy nhiên, quy định những trường sử dụng tổ hợp môn thi ngoài khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống cho thấy Bộ GD-ĐT đang đặt ra một quy định vừa thiếu khoa học vừa vi phạm quyền tự chủ trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Quy chế thi do Bộ GD-ĐT vừa công bố có rất nhiều điểm mới. Ảnh: Viết Thành


Sử dụng thang điểm 10, đăng ký dự thi trước ngày 30-4

Trong Quy chế thi THPT quốc gia chính thức, thông tin về các môn thi vẫn được khẳng định: Tổ chức thi 8 môn toán, ngữ văn, lịch sử, địa lí, vật lí, hóa học, sinh học, ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại. Thí sinh không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng được Giám đốc sở GD-ĐT xem xét, quyết định cho phép chọn môn thi thay thế.

Quy chế chính thức đã quy định trở lại dùng thang điểm 10 như đề nghị của nhiều chuyên gia khi góp ý cho dự thảo. Với thang điểm 10, bài thi được chấm tới điểm lẻ 0,25, không quy tròn điểm. Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận, về bản chất thì thang điểm 10 hay 20 không khác biệt song nếu dùng thang điểm 20 sẽ khiến giáo viên và học sinh bỡ ngỡ nên sẽ tiếp tục dùng thang điểm 10 để vừa tránh sự xáo trộn không cần thiết cho thí sinh và giáo viên chấm thi vừa giữ được sự ổn định về tâm lý cho thí sinh. Việc trở lại thang điểm 10 kéo theo sự điều chỉnh việc xét công nhận tốt nghiệp: Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, không có bài thi nào từ 1 điểm trở xuống và có điểm xét tốt nghiệp quy định cho từng diện được công nhận tốt nghiệp. Về các cụm thi, theo Quy chế, Bộ GD-ÐT tổ chức 2 cụm thi gồm: Cụm thi liên tỉnh cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, là thí sinh sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ; cụm thi cho thí sinh đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển. Cụm thi cho các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT có thể tổ chức thi tại các trường THPT do Sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH. Cụm thi này chỉ được thành lập trong trường hợp có đề nghị của UBND tỉnh. Đối với những vùng đặc biệt khó khăn, Bộ sẽ thống nhất với UBND tỉnh để đặt địa điểm thi phù hợp, tạo thuận lợi nhất cho các thí sinh.

Dự thảo Quy chế mới nhất đã đề xuất thời hạn đăng ký dự thi là ngày 15-4, tuy nhiên trong Quy chế chính thức, thời hạn này là trước ngày 30-4, tức là thí sinh có thêm 15 ngày để cân nhắc. Khi hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo kịp thời cho thủ trưởng trường phổ thông hoặc nơi đăng ký dự thi hoặc cho Hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung. Các trường hợp đặc biệt được phép bổ sung các loại giấy chứng nhận để được hưởng chế độ ưu tiên, hưởng cộng điểm khuyến khích phải thực hiện trước ngày tổ chức kỳ thi mới có giá trị. Năm nay, các thí sinh sẽ tiếp tục được sử dụng Atlas khi thi môn địa lý.

Về điều kiện tham gia tuyển sinh, Quy chế yêu cầu đối tượng là người tốt nghiệp trung cấp nhưng chưa có bằng tốt nghiệp THPT phải học và được công nhận hoàn thành các môn văn hóa trong chương trình giáo dục THPT theo quy định của Bộ GD-ĐT.

Xét tuyển vừa thiếu khoa học, vừa vi phạm luật?

Trong công tác xét tuyển, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ nêu rõ những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với các khối thi truyền thống. Quy định này thể hiện sự thiếu khoa học, không thực tế, thậm chí vi phạm quyền tự chủ về tuyển sinh của các cơ sở đào tạo?

Khối thi truyền thống được Bộ GD-ĐT "định nghĩa" tại Điều 11: Nguyên tắc lựa chọn tổ hợp các môn thi để xét tuyển (Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy). Cụ thể, Bộ yêu cầu "Duy trì tổ hợp các môn thi tương ứng với các khối thi mà trường đã sử dụng trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2014 và các năm trước (sau đây gọi là khối thi truyền thống) để xét tuyển. Bộ cũng quy định những trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho một ngành hoặc nhóm ngành cần dành ít nhất 75% chỉ tiêu của các ngành hoặc nhóm ngành đó để xét tuyển theo các tổ hợp môn thi tương ứng với khối thi truyền thống. Quy định này được đưa ra nhằm bảo đảm "sự công bằng" cho các thí sinh lựa chọn khối thi truyền thống, như lời một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT từng khẳng định với báo giới. Tuy nhiên, con số 75% trên thực tế không dựa trên một căn cứ khoa học nào để nói rằng như thế là công bằng. Bởi, nếu một ngành tuyển sinh theo 4 tổ hợp môn thi, trong đó có 3 tổ hợp theo khối thi truyền thống và một tổ hợp mới thì con số này có thể bảo đảm sự công bằng tương đối. Nói là "tương đối" là vì, tỷ lệ này mới chỉ tính đến số tổ hợp môn thi, chưa nói đến số lượng thí sinh đăng ký dự thi theo từng tổ hợp. Nhưng có lẽ, cho đến thời điểm hiện nay, chưa có ngành nào của bất kỳ trường nào rơi vào trường hợp này. Nhiều nhất cũng chỉ là 2 hoặc 3 tổ hợp, trong đó có một hoặc 2 tổ hợp theo khối thi truyền thống. Với trường hợp này, rõ ràng tỷ lệ 75% dành cho khối thi truyền thống không thể gọi là "bảo đảm sự công bằng". Thêm nữa, việc Bộ GD-ĐT quy định tỷ lệ "cứng" này khiến các trường không thực hiện được đầy đủ quyền tự chủ trong tuyển sinh của mình. Nhiều trường xây dựng tổ hợp môn thi mới cho phù hợp với ngành đào tạo, cuối cùng với quy định này của Bộ GD-ĐT, cũng sẽ chỉ tuyển được một phần nhỏ thí sinh có năng lực phù hợp với ngành nghề. Lẽ ra, Bộ GD-ĐT chỉ nên quy định rằng, các trường ĐH phải dành tỷ lệ thích hợp cho tổ hợp môn thi theo khối thi truyền thống, còn thế nào là thích hợp thì phải để các trường tự quyết, căn cứ trên nhu cầu đào tạo, số tổ hợp môn thi, thậm chí là số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển theo từng tổ hợp.

Đối với thí sinh của kỳ thi năm 2015, với Quy chế mới này họ chính thức trở thành "chuột thí nghiệm". Bởi, đến ngày 15-10-2014, thời hạn Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải công khai phương án tuyển sinh, trong đó có tổ hợp môn thi, rất nhiều cơ sở đào tạo đã công bố tổ hợp môn thi mới. Thí sinh lựa chọn tổ hợp môn thi mới với mong muốn chuẩn bị kiến thức phù hợp nhất với ngành đào tạo mà mình sẽ theo học đã đầu tư thời gian và công sức cho các môn thi này. Nay, chỉ tiêu dành cho tổ hợp môn thi không theo khối thi truyền thống chỉ còn 25%, trong khi các thí sinh lựa chọn khối thi truyền thống có 75% chỉ tiêu (nếu ngành đó có 2 tổ hợp môn thi), tức là gấp 3 lần. Bộ GD-ĐT muốn "công bằng" với thí sinh thi theo khối thi truyền thống bằng cái giá quá đắt đối với những học sinh ủng hộ một chủ trương đúng là thay đổi môn thi cho phù hợp với ngành nghề đào tạo mà chính Bộ đã cho phép, thậm chí khuyến khích các cơ sở đào tạo đổi mới.

Thêm nữa, với quy định này, dự báo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy hứa hẹn sẽ sớm phải sửa đổi bởi sẽ là vô lý khi tổ hợp môn thi mới được sử dụng năm 2015 không được trở thành khối thi truyền thống vào các năm sau, trong khi tổ hợp môn thi không theo khối thi truyền thống mà các trường vừa đưa vào áp dụng năm 2014 đã nghiễm nhiên trở thành "truyền thống" theo "định nghĩa" của Bộ GD-ĐT.

Thí sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi để dùng cho xét tuyển

Khi xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi thứ nhất để đăng ký. Thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1, không được đăng ký xét tuyển ở các đợt xét tuyển tiếp theo. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ ĐKXT để nộp vào trường khác. Để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh dùng 3 bản chính. Giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển các nguyện vọng bổ sung để đăng ký; kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Theo Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ GD-ĐT, như vậy cơ hội đỗ của thí sinh tăng lên so với các dự thảo trước đó.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thay đổi quan trọng, nhưng vẫn chưa hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.