Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Không tạo thêm áp lực cho học sinh bởi IQ, EQ

Ngân Hạ| 21/04/2015 16:40

(HNMO)- Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định, những trường THCS có lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh chỉ là con số nhỏ và hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về tuyển sinh bởi không ai am hiểu trường đó bằng chính họ.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội có mặt tại buổi họp báo


Dự kiến tuyển trên 102.000 HS vào lớp 6

Tại buổi giao ban thông tin báo chí Thành uỷ chiều 21-4, đại diện Sở GDĐT đã chính thức thông tin về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2015 và tuyển sinh vào các lớp đầu cấp học năm học 2015-2016.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ Sở GĐ- ĐT Hà Nội cho biết, về tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1 và lớp 6, Sở đã tổ chức hội nghị hướng dẫn, kiên quyết không để xảy ra các điểm nóng về công tác tuyển sinh, phân tuyến hợp lý, bảo đảm đủ chỗ học cho HS...

Thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ, của UBND TP Hà Nội, Sở GD-ĐT Hà Nội về công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2015-2016, tất cả các trường THCS trên địa bàn TP tuyến sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển. Các trường tuyệt đối không tổ chức khảo sát HS đầu năm học, không tổ chức tuyển sinh vào lớp 6 năm học 2015-2016.

Với tuyển sinh vào lớp 10 THPT về cơ bản vẫn giữ nguyên nhân năm học trước. Lớp 10 không chuyên tiếp tục thực hiện phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Với lớp 10 chuyên, HS dự tuyển phải qua 2 vòng tuyển và thi tuyển.

Số lượng tuyển sinh vào lớp 1 dự kiến trên 135.000 HS và lớp 6 là 102.500 HS.

Lịch tuyển sinh vào mầm non, lớp 1 và lớp 6 diễn ra từ 1/7 đến 15/7, tuyển bổ sung từ 17/7 đến 19/7. Tuyển sinh vào lớp 10 THPT với lớp 10 không chuyên sẽ thi tuyển vào ngày 11/6, nhập học từ 27/6 đến 29/6, tuyển bổ sung từ 5/7 đến 6/7. Với lớp 10 chuyên sẽ thi tuyển trong các ngày 11, 12, 13/6; nhập học từ 25/6 đến 27/6, tuyển bổ sung từ 29/6 đến 30/6

Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015, ông Thống cũng cho biết, Sở đã tổ chức họp với 8 cụm thi do ĐH chủ trì vào ngày 15/4 để thống nhất kế hoạch phối hợp tổ chức kỳ thi này. Dự kiến số thí sinh dự thi tại 9 cụm thi trên địa bàn TP Hà Nội là 120.311 thí sinh (trong đó số HS Hà Nội khoảng 74.000 thí sinh hệ THPT và 5.000 thí sinh GDTX)

"Số nhỏ" lại làm khó


Ông Nguyễn Hiệp Thống, PGĐ Sở GD-ĐT. Ảnh theo VNN


Những ngày gần đây, sau khi có văn bản “hỏa tốc” của UBND TP Hà Nội và Sở GD-ĐT, những trường THCS có số lượng hồ sơ lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh tỏ ra lo lắng, lúng túng không biết phương án tuyển sinh năm nay sẽ như thế nào khi mà mùa tuyển sinh đang đến gần. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều phụ huynh và học sinh cũng như dư luận nói chung.

Tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi chỉ tập trung về hướng tháo gỡ công tác xét tuyển cho 3 trường có lượng hồ sơ dự tuyển lớn như Marie Quire, Hà Nội Amsterdam và Nguyễn Tất Thành.

Ông Phạm Văn Đại, PGĐ Sở cho biết, sau khi Bộ ban hành công văn 1258, yêu cầu tất cả các nhà trường THCS thực hiện nghiêm túc không tuyển sinh vào lớp 6, Sở đã đề nghị trường có số lượng HS đăng ký vượt qua nhiều chỉ tiêu phải xây dựng đề án khả thi về tuyển sinh cho phù hợp với đặc điểm trường mình. Căn cứ vào đó, Sở đã mời các chuyên gia, nhà khoa học và dư luận, nhân dân, cha mẹ HS tham khảo ý kiến

"Chúng tôi nhận thấy có 3 trường có khả năng thử thí điểm. Thứ nhất là trường Nguyễn Tất Thành với đề xuất phương án xét tuyển kết hợp đánh giá năng lực người học. Trường Lương Thế Vinh và Marie Cuire đề xuất phương án đánh giá năng lực người học và xét tuyển trên cơ sở các bài test IQ, EQ. Sau khi xem xét nhận thấy các trường nếu đưa ra phương án này có thể là điểm đột phá cho ngành, cũng có thể thay đổi cách đang giảng dạy từ kiến thức đơn môn sang đa môn, tính đến năng lực tư duy, ngôn ngữ, sáng tạo của HS.

Tuy nhiên, cũng có một luồng dư luận cho rằng muốn đánh giá được IQ, EQ phải có cơ sở trung tâm bên ngoài nhà trường thì mới đủ khách quan. Trong khi tại các trường đội ngũ chuyên gia còn thiếu, câu hỏi đặt ra chưa đủ phù hợp với lứa tuổi.

Xét thấy đây là phương pháp tốt nhưng còn mới, chưa được phổ biến rộng rãi trong dư luận cũng như phụ huynh HS, tạo áp lực mới cho HS khi thay vì học toán, văn, ngoại ngữ lại đi học để làm sao làm được các bài test IQ, EQ" - ông Đại lý giải nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của công văn “hỏa tốc” yêu cầu tất cả các trường THCS trên địa bàn thành phố tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển, tuyệt đối không được tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học.

"Vậy nếu không được thi tuyển thì việc xét tuyển sẽ diễn ra như thế nào với những trường có lượng hồ sơ lớn? Liệu Sở GD-ĐT có đang bế tắc như chính các trường. Ngoài ra việc xét tuyển sẽ diễn ra như thế nào để tránh tiêu cực? " - Trước hàng loạt câu hỏi "tái chất vấn" lãnh đạo sở khi phần trả lời trước đó dường như không làm thoả mãn được nhu cầu thông tin từ báo giới, ông Đại khẳng định, việc tuyển sinh đầu cấp được chuẩn bị kỹ lương. Số lượng trường có số lượng hồ sơ đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu chỉ là con số nhỏ trong tổng số 623 trường THCS của Thủ đô.

"Trước đây Hà Nội có khoảng 9 trường THCS thực hiện thi tuyển nhưng sau khi thực hiện quy định của Bộ GD trong chỉ thị 5105, các trường đã tự xây dựng phương án tuyển sinh như trường Cầu Giấy, Lê Lợi (Hà Đông), Nam Từ Liêm... Do vậy, hiện nay chỉ còn những trường như Marie Cuire, Lương Thế Vinh, Nguyễn Tất Thành, Amsterdam... gặp lúng túng trng tuyển sinh. Trước hết hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm về tuyển sinh bởi không ai am hiểu trường đó bằng chính lãnh đạo nhà trường. Việc đầu tiên, lãnh đạo trường phải xây dựng phương án báo cáo lãnh đạo có quận huyện xem xét có phù hợp với khoa học giaos dục không, có làm lợi cho họcc sinh không... Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ xem xét và có ý kiến" - ông Đại khẳng định.

Lãnh đạo Sở và một số trường THCS xét tuyển đều cam kết sẽ bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác và minh bạch


Hé mở tiêu chí nào để xét tuyển từ tiểu học lên THCS

Ông Nguyễn Trí Dũng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học cho biết, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT trong Thông tư 30 về đánh giá HS tiểu học bằng nhận xét đã quy định rõ, hồ sơ của một HS gồm học bạ, phiếu hoặc sổ liên lạc, sổ ghi nhận xét của giáo viên đánh giá đối với HS, sổ theo dõi thi đua khen thưởng... Như vậy trong bộ hồ sơ của một HS để xét chuyển cấp dựa trên 3 cơ sở: HS thực hiện đạt chuẩn kiến thức chương trình của Bộ quy đinh đối với từng môn hoàn thành hay chưa; quá trình hình thành và phát triển năng lực của HS đạt hay chưa đạt; quá trình hình thành phát triển phẩm chất của HS đạt hay chưa đạt. Các yếu tố này bao quát được cả về trí lực, học lực, đạo đức của mỗi HS.

Cũng tại buổi họp báo, ông Quốc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, Hà Đông cũng chia sẻ về phương thức xét tuyển khi áp lực tuyển sinh với trường khá lớn. "Chúng tôi dựa trên kết quả học tập 5 năm ở bậc tiểu học của HS và tích điểm. Bên cạnh đó còn có nhiều cuộc thi khác như Olympic Tiếng anh, giải toán trên mạng Interrnet, thi văn nghệ, thể dục thể thao.... đều sẽ tích điểm, tính điểm. Sau đó trường lấy từ cao xuống thấp và công bố cho người dân biết. Tất cả đều rõ ràng, minh bạch. Tôi nghĩ điều cần nhất là dân được biết. HĐTS nhà trường sẽ làm việc theo đúng lộ trình Sở chỉ đạo xuống phòng, phòng chỉ đạo xuống trường" - ông Quốc Anh nói.

Đồng tình với quan điểm của ông Quốc Anh, bà Kim Anh, Hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy cho biết, 4 năm trước, trường tổ chức thi tuyển do gặp phải áp lực lớn. Chẳng hạn như năm 2014, số lượng phụ huynh có nhu cầu cho con em vào trường là hơn 2000 trong khi chỉ tiêu là 240 HS. Năm nay, trước quy định của Bộ, trường đã quan triệt nghiêm túc là chỉ thực hiện phương pháp xét tuyển

"Nguyên tắc tuyển sinh là bảo đảm công bằng, khách quan, chính xác và minh bạch. Chúng tôi sẽ xét trên học bạ của HS, không xét định tính, cảm tính mà quy đổi ra điểm. Khi xét tuyển sẽ lấy từ trên cao xuống thấp khi hết chỉ tiêu. Phương án quy đổi như thế nào thì trường đang xây dựng phương án cụ thể để trình Phòng GD quận, UBND quận phê duyệt., sau đó sẽ công khai minh bạch để nhân dân và xã hội biết. Về phạm vi xét tuyển, sẽ chờ văn bản chỉ đạo của Sở"

Về phạm vi xét tuyển, ngay tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hiệp Thống cũng đã chỉ đạo "nóng" là trước hết ưu tiên HS trên địa bàn. Sau đó nếu còn chỉ tiêu thì có thể mở rộng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Không tạo thêm áp lực cho học sinh bởi IQ, EQ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.