Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngưỡng điểm xét tuyển vào Đại học: Không bất ngờ

Quỳnh Phạm| 29/07/2015 06:31

(HNM) - Chiều 28-7, Bộ GD-ĐT đã công bố ngưỡng điểm xét tuyển vào ĐH đối với tất cả các tổ hợp xét tuyển (khối thi) là 15; ngưỡng xét vào CĐ là 12 điểm.

"Mức 15 điểm là phù hợp"

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo Bùi Văn Ga, khác với mọi năm, năm nay thí sinh chọn được nhiều môn thi để thành khoảng 15 tổ hợp xét tuyển. Trên cơ sở đó, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng đã dùng biện pháp kỹ thuật loại bỏ thí sinh ảo, xét định lượng thí sinh thật và đưa ra ngưỡng xét tuyển đầu vào. Việc công bố ngưỡng dựa trên chất lượng điểm thi, chất lượng đào tạo, dựa vào nguồn tuyển của các trường, làm sao không quá khó khăn trong nguồn tuyển. Hội đồng đã phân tích kết quả thi của thí sinh, có tính tới các điểm ưu tiên, khả năng dịch chuyển của thí sinh. Với các trường ở xa trung tâm, yếu tố ưu tiên theo khu vực đã được tính tới. Thí sinh ở khu vực khó khăn có chế độ điểm ưu tiên. "Mức 15 điểm là phù hợp cho các trường xét tuyển", Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh.

Sau ngày 1-8, khi thí sinh bắt đầu đăng ký vào các khoa, các trường mới xác định được điểm chuẩn cụ thể. Ảnh: Viết Thành


Năm 2015, số thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH, CĐ thi đủ ba môn của khối A là 320 nghìn thí sinh; khối B là 187 nghìn thí sinh, khối C 111 nghìn thí sinh và khối D là 543 nghìn thí sinh. Trong đó, khối A có điểm trung bình là 18, có nguồn thí sinh dồi dào nhất. 243 nghìn thí sinh đạt từ ngưỡng 15 điểm trở lên, 110 nghìn thí sinh đạt từ 20 điểm trở lên. Khối B có 121 nghìn thí sinh đạt từ 15 điểm, 45 nghìn thí sinh đạt từ 20 điểm. Các khối thi khác và các tổ hợp môn thi, mức điểm trung bình trong khoảng 16 - 18 điểm. Các tổ hợp gồm môn toán kết hợp với các môn xã hội hoặc môn ngoại ngữ điểm thi trung bình ở mức 13 - 15 điểm.

Hệ số dư dôi được xác định là 1,52% so với chỉ tiêu các trường, tức là so với chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, số thí sinh đạt điểm trên ngưỡng cao gấp 1,52 lần. Theo tính toán, có 531.182 thí sinh có ít nhất một tổ hợp với tổng điểm bằng hoặc cao hơn 15. Năm nay, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH khoảng 400 nghìn. Trong đó, có khoảng 350 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các trường sử dụng kết quả thi THPT quốc gia để xét tuyển và khoảng 50.000 chỉ tiêu dành cho các trường có phương án tuyển sinh riêng, xét tuyển bằng kết quả học tập ở THPT.

Tránh phức tạp, rắc rối...

Giải thích về việc chỉ có duy nhất một ngưỡng điểm và điểm sàn năm nay cao hơn so với những năm thi "3 chung", Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng: Những kỳ thi 3 chung mọi năm tương tự như nhau. Nhưng năm nay cấu trúc đề thi có sự thay đổi để phù hợp với kỳ thi 2 mục đích nên kết quả làm bài của thí sinh cao hơn so với mọi năm. Đó cũng là căn cứ để xét điểm ngưỡng. Mặc dù có nhiều tổ hợp môn thi song hội đồng vẫn quyết định chọn 1 mức điểm sàn để tránh phức tạp, gây rắc rối không cần thiết.

Ngưỡng điểm 15 cũng không phải là điều bất ngờ với nhiều trường. Trao đổi với Báo Hànộimới, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông-Vận tải Nguyễn Ngọc Long nhận định: Điểm sàn được xác định dựa trên những dữ liệu mà Bộ GD-ĐT có đầy đủ, như tổng chỉ tiêu, phổ điểm của thí sinh, vậy nên ngưỡng 15 được xác định là có căn cứ và phù hợp với thực tế. Về cảm quan, điểm thi năm nay chênh cao so với năm ngoái từ 1 đến 1,5 điểm nên điểm sàn 15 so với mức 13-14 điểm của năm ngoái là hợp với quy luật. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn Nguyễn Đức Tĩnh cũng cho biết đã trù liệu trước ngưỡng điểm xét tuyển năm nay. Tuy chưa nói rõ mức điểm nhận hồ sơ vào trường nhưng mọi năm các khoa của ĐH Công đoàn có điểm chuẩn trải rộng từ 14 đến 19, năm nay điểm sàn cao lên thì điểm chuẩn các khoa cũng sẽ cao lên tương ứng. Ông Bùi Trần Anh Đào, Trưởng ban Quản lý đào tạo, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thì cho biết ngưỡng điểm tối thiểu được Bộ GD-ĐT xác định mỗi năm mỗi khác tùy vào tình hình thực tế và mang tính chất "cao cả làng, thấp cả làng". Học viện, như đã công bố từ trước, sẽ nhận hồ sơ từ điểm sàn và lấy từ cao xuống cho tới đủ chỉ tiêu. Phải đợi tới sau ngày 1-8, khi thí sinh bắt đầu đăng ký vào các khoa thì nhà trường mới có đủ căn cứ để xác định mức điểm chuẩn cụ thể.

Gia hạn nhận đơn phúc khảo kỳ thi THPT quốc gia

(HNM) - Ngày 28-7, tin từ Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Sở GD-ĐT vừa nhận được thông báo của Bộ GD-ĐT hướng dẫn cụ thể về việc phúc khảo kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Theo như kế hoạch của Bộ GD-ĐT gửi các Sở GD-ĐT trước khi diễn ra kỳ thi, thì ngay sau khi công bố kết quả thi, các đơn vị bắt đầu tổ chức nhận đơn phúc khảo, hạn cuối vào ngày 30-7. Thời gian công bố kết quả phúc khảo cho thí sinh vào trước ngày 6-8.

Theo hướng dẫn mới của Bộ GD-ĐT, các thí sinh được gia hạn hai ngày để nộp đơn phúc khảo, tức là hạn cuối vào ngày 1-8. Thời gian trả kết quả phúc khảo chậm nhất vào ngày 15-8. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng quyết định không thu lệ phí phúc khảo của thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay, thay vì mức 30 nghìn đồng/môn thi như những năm trước.

Thống Nhất




Nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1-8

Theo kế hoạch, từ ngày 1-8, các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển. Thí sinh cần theo dõi thường xuyên thông tin của các trường cập nhật 3 ngày/lần các thông tin liên quan đến xét tuyển, để nếu thấy không có khả năng trúng tuyển thì rút hồ sơ. Tất cả các trường đều có trang web và đã có quy định về việc cập nhật thông tin. Thí sinh nào thấy trường không thực hiện đúng cần phản ánh với Bộ.

Thí sinh nên nhớ, nguyện vọng 1 các trường tuyển 70-75% chỉ tiêu. Các đợt sau chỉ còn khoảng 30% chỉ tiêu trong khi tỷ lệ hồ sơ ảo rất lớn. Vì vậy, phải tính toán kỹ để chọn đúng nguyện vọng 1, bảo đảm cơ hội để trúng tuyển cao nhất.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngưỡng điểm xét tuyển vào Đại học: Không bất ngờ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.