Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bắt đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Sẽ thuận lợi hơn đợt đầu?

Vũ Khánh| 26/08/2015 06:21

(HNM) - Khi dư âm của đợt xét tuyển thứ nhất đã lắng xuống và đợt xét tuyển thứ hai bắt đầu cùng những số liệu thống kê mới được công bố, dư luận lại thêm nhiều ý kiến.


Điều đó cũng giúp có thêm những góc nhìn khác về công tác tuyển sinh thời gian qua cũng như rút ra những kinh nghiệm cho các đợt xét tuyển sau và kỳ thi năm tới.

Số lượng tăng, chất lượng cũng tăng

Ngày 25-8, Bộ GD-ĐT đã công bố toàn cảnh tuyển sinh cập nhật đến 17h cùng ngày. Những thống kê ban đầu cho thấy, số lượng trường tuyển trong đợt đầu khá lớn (còn 88 trường đang tiếp tục cập nhật số liệu). Theo số liệu của 127 trường đã được thống kê, số thí sinh trúng tuyển chiếm xấp xỉ 80% tổng chỉ tiêu. Có 9 trường CĐ và 34 trường ĐH có hệ CĐ cũng đã tuyển được thí sinh, trong đó 6 trường đã tuyển đủ chỉ tiêu cho hệ CĐ ngay từ đợt đầu tiên. Đây là điều khác biệt so với các năm trước. Xem lại toàn cảnh chỉ tiêu nguyện vọng 2 của kỳ thi năm 2014 có thể thấy, ngay cả những trường tốp đầu như ĐH Bách Khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân... đều phải tuyển sinh nguyện vọng 2 ở một số ngành khó tuyển.

Thí sinh làm thủ tục nộp hồ sơ vào Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông.Ảnh: Bá Hoạt


Trong khi đó, năm nay, hiện đã có 41 trường báo cáo về Bộ đã tuyển đủ chỉ tiêu đợt I. Trong đó, trường có chỉ tiêu lớn nhất là Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội với 9.600 chỉ tiêu cho cả hệ ĐH và CĐ nhưng đã tuyển được 10.068 hồ sơ. ĐH Cần Thơ đứng thứ 2 khi công bố tuyển được 9.364 thí sinh trên tổng chỉ tiêu là 9.000. Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh tuyển được 8.389 trên tổng chỉ tiêu 7.474. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển được 6.350 trên 6.000 chỉ tiêu. Những trường tốp đầu đều tuyển vượt chỉ tiêu như ĐH Y Hà Nội 1.027/1.000, ĐH Ngoại thương: 3.490/3.450, ĐH Kinh tế quốc dân: 4.802/4.800... Điểm đáng lưu ý là, số lượng tuyển vượt chỉ tiêu không nhiều bởi các trường hầu như không phải trừ đi lượng thí sinh ảo.

Trong thống kê cũng thể hiện rõ chất lượng của các trường, khi các trường ở từng tầng có mức điểm khác nhau. Các trường ngoài công lập có thương hiệu vẫn tuyển được nhiều thí sinh. Trường ĐH Võ Trường Toản (77%), Trường ĐH Buôn Ma Thuột (96%), Trường ĐH Hoa Sen (91%), Trường ĐH Văn Lang (89%), Trường ĐH Công nghệ TP Hồ Chí Minh (63,2%), Trường ĐH Thăng Long (60%)…

Còn hàng chục nghìn chỉ tiêu cho đợt tuyển bổ sung


Bộ GD-ĐT cũng công bố danh sách 38 trường còn chỉ tiêu tuyển sinh đợt 2, tính đến 17 giờ ngày 25-8. Trong đó, ĐH Mỏ địa chất còn 1.453 chỉ tiêu ĐH trên 3.850 và 566 chỉ tiêu hệ CĐ. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội còn thiếu 3.850 chỉ tiêu ĐH trên tổng số 5.000 chỉ tiêu và 416 chỉ tiêu CĐ. ĐH Lâm nghiệp cũng còn tới 2.804/3.400 chỉ tiêu ĐH và 52 chỉ tiêu CĐ. ĐH Tây Bắc còn tới 3.415/4.000 chỉ tiêu ĐH và 468 chỉ tiêu hệ CĐ. Trường ĐH Tài chính - Quản trị kinh doanh còn 765/1.120 chỉ tiêu ĐH. ĐH Hải Phòng còn 1.332/3.300 chỉ tiêu ĐH và 112 chỉ tiêu CĐ. ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên còn 844/2.500 chỉ tiêu ĐH và 618 chỉ tiêu CĐ. ĐH Sư phạm Kỹ thuật Nam Định còn 848/1.000 chỉ tiêu ĐH, 449 chỉ tiêu CĐ. Học viện Quản lý giáo dục cũng còn 344/720 chỉ tiêu ĐH. Như vậy, đến tối 25-8 đã có 127 trường cung cấp số liệu thống kê xét tuyển đợt I cũng như chỉ tiêu cần tuyển trong đợt xét tuyển bổ sung.

Bộ GD-ĐT cũng đã rút kinh nghiệm về những vướng mắc trong quá trình triển khai đợt xét tuyển nguyện vọng 1 để có những điều chỉnh, chỉ đạo các sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ làm tốt hơn cho những đợt xét tuyển bổ sung sắp tới… Mục tiêu Bộ GD-ĐT đưa ra là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội. Do đó, Bộ GD-ĐT đã giảm thời gian đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung từ 20 ngày xuống còn 10 ngày.

Những điều chỉnh nhanh chóng theo hướng có lợi cho thí sinh đã được nhiều người ghi nhận. Ngay cả những lúng túng của Bộ GD-ĐT trong đợt xét tuyển vừa qua cũng đã nhận được nhiều sự chia sẻ. Trên trang cá nhân của mình, GS Ngô Bảo Châu cho rằng cần thêm thời gian để có thể đánh giá khách quan về sự thành công hay thất bại của kỳ thi quốc gia năm nay cũng như quá trình tuyển sinh.

Không công bằng nếu đánh giá một việc ở tầm quốc gia, liên quan đến triệu con người, dựa trên một sự kiện mang tính cá nhân, như việc một phụ huynh thuê xe cứu thương để kịp rút (hay nộp) hồ sơ cho con. GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: Khi Bộ GD-ĐT quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, tôi đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế. Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn, nhưng tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ GD-ĐT trong việc bảo đảm cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể.

Trước đó, nhìn lại đợt xét tuyển ồn ào, GS Nguyễn Quang Dong, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng đã nêu ra 4 điểm mà ông cho rằng phương thức xét tuyển này đã làm được: Thí sinh có nhiều cơ hội để thể hiện nguyện vọng; các thí sinh điểm cao có nhiều khả năng đậu vào những trường uy tín; thí sinh và phụ huynh có một bức tranh toàn cảnh về điểm số tại các trường; hệ thống online đã giúp ích nhiều cho công tác xét tuyển. PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng cho rằng, ưu điểm của phương thức xét tuyển này là giảm rủi ro cho các thí sinh bởi khi đã biết điểm, các em có thể chủ động tìm kiếm trường phù hợp với điểm số của mình.

Tuy nhiên, PGS Hoàng Minh Sơn cũng nêu nhược điểm của phương thức này là có quá nhiều sự lựa chọn khiến thí sinh và phụ huynh buộc phải cân nhắc, tính toán. Nhiều thí sinh đến những ngày cuối, khi đã biết phổ điểm, mới đăng ký. Điều này dẫn đến sự thiệt thòi cho một số thí sinh khác. Giải pháp ông Sơn đưa ra là để giảm sự vất vả của các thí sinh, phụ huynh khi đi nộp hoặc rút hồ sơ liên tục là áp dụng công nghệ thông tin. Mỗi thí sinh chỉ cần có một tài khoản, mật khẩu là hoàn toàn có thể nộp và rút hồ sơ trên mạng.

Còn GS Đinh Xuân Khoa, Giám đốc ĐH Vinh cũng nhận xét rằng kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã đạt được những mục tiêu cơ bản trong đổi mới thi cử. Việc dùng kết quả kỳ thi để xét tuyển ĐH, CĐ giúp giảm tải áp lực cho thí sinh và cả xã hội. Thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành theo ý mình. Với ĐH Vinh, ông Khoa cho biết năm nay công tác tuyển sinh đã đơn giản hơn rất nhiều. Nhà trường đã quyết định dành 20% chỉ tiêu cho nguyện vọng bổ sung, dù có thể tuyển đủ chỉ tiêu ngay trong đợt đầu. Bởi nhờ cách xét tuyển năm nay mà trường có thể đón nhận những thí sinh điểm cao trượt nhóm trường trên, đây chính là cơ hội để trường nâng cao chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, GS Đinh Xuân Khoa cũng cho rằng công tác tuyển sinh năm nay cần rút kinh nghiệm về cơ sở hạ tầng và làm tốt hơn công tác tư vấn, tuyên truyền.

Với các thí sinh, cơ hội để bước vào giảng đường ĐH, CĐ vẫn đang ở phía trước, chỉ cần các em bình tĩnh và tỉnh táo để có một lựa chọn đúng đắn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bắt đầu xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Sẽ thuận lợi hơn đợt đầu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.