Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Siết chặt kỷ luật phòng thi

Thống Nhất| 15/03/2016 06:58

(HNM) - Sau hơn hai tuần công bố để lấy ý kiến góp ý, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia, áp dụng từ năm 2016.

Kỷ luật phòng thi sẽ được siết chặt hơn tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 .Ảnh: Viết Thành


Các điều chỉnh trong quy chế được kỳ vọng sẽ khắc phục triệt để những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia, tạo thuận lợi cho thí sinh (TS), nhưng cũng siết chặt hơn khâu coi thi, chấm thi nhằm tạo sự công bằng, nghiêm túc trong việc sử dụng kết quả thi.

Nghiêm túc, công bằng

Lãnh đạo nhiều trường đại học và phổ thông nhận định, quy chế thi được sửa đổi, bổ sung lần này của Bộ GD-ĐT đã được chắt lọc những ý kiến đóng góp của toàn xã hội, nhằm hoàn thiện hơn công tác tổ chức thi. Có thể thấy rõ, quy chế thi năm nay được điều chỉnh, bổ sung theo hướng tăng cường tính nghiêm túc, công bằng, tạo "sân chơi" bình đẳng cho mọi TS. Coi thi, vốn được coi là khâu trọng yếu, tiếp tục được Bộ GD-ĐT lưu tâm bằng việc ban hành các quy định siết chặt kỷ luật phòng thi, tăng cường lực lượng giám sát.

Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016, mỗi cán bộ giám sát được giao trọng trách giám sát tối đa 7 phòng thi, thay vì 10 phòng thi trước đây. Nhiệm vụ của cán bộ giám sát cũng nặng hơn, đó là không chỉ giám sát việc thực hiện chức trách của các cán bộ tại điểm thi và tuân thủ quy chế của TS, mà còn giám sát cả những TS được cán bộ coi thi cho phép ra ngoài phòng thi. Bà Lê Thị Diệu Hoa, Phó Chánh Thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Ngay ở kỳ thi THPT quốc gia năm ngoái, tại tất cả các hội đồng thi của Sở GD-ĐT, Hà Nội đều bố trí số lượng cán bộ giám sát ở mức mỗi người đảm nhận tối đa 7 phòng thi.

Một quy định khác liên quan đến kỷ luật phòng thi năm nay mà TS cần phải lưu ý, tránh sai sót không đáng có, ảnh hưởng đến quyền lợi, công sức chuẩn bị cho kỳ thi. Cụ thể, trong phần quy định các chế tài xử phạt, nếu như ở kỳ thi năm trước, TS mắc khuyết điểm bị xử lý kỷ luật ở mức đình chỉ thi môn nào, sẽ nhận điểm 0 môn thi đó.

Còn tại kỳ thi năm nay, ngoài việc bị điểm 0 môn thi bị đình chỉ, TS sẽ không được tiếp tục dự thi các môn tiếp theo, cũng không được sử dụng kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Em Lê Thị Nga, Trường THPT Thạch Bàn cho biết: Em và nhiều bạn trong lớp đồng tình với việc bổ sung quy định này vào quy chế thi. Khi có được "sân chơi" nghiêm túc, khách quan, chúng em sẽ càng yên tâm, tự tin làm bài, không lo lắng sẽ bị thiệt thòi.

Chưa hết băn khoăn 

Một điểm mới đáng chú ý tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là mỗi TS sẽ chỉ được nhận một giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất để đăng ký xét tuyển trong các đợt xét tuyển (năm ngoái mỗi TS được nhận 4 giấy chứng nhận). Liên quan đến việc xét tuyển, vấn đề khiến nhiều phụ huynh, HS băn khoăn, lo lắng là, tại thông báo ngày 3-2-2016, Bộ GD-ĐT chỉ quy định hai hình thức xét tuyển: Qua bưu điện và trực tuyến.

Việc đăng ký theo hai hình thức này có thể được hiểu là nhằm tránh tình trạng phụ huynh, TS đổ về trường quá nhiều ở cùng một thời điểm gây lộn xộn, quá tải như đã từng xảy ra tại kỳ thi năm trước. Bà Nguyễn Thị Vân Anh (phụ huynh HS Trường THPT Lê Quý Đôn) băn khoăn: Ngoài hai hình thức trên, các em có thể đến nộp phiếu đăng ký xét tuyển trực tiếp tại trường hay không? TS ở Hà Nội, đăng ký xét tuyển tại trường ĐH trên địa bàn Hà Nội mà buộc các em phải gửi qua đường bưu điện, e rằng không phù hợp. Các em sẽ nộp lệ phí đăng ký xét tuyển ra sao? Nếu xảy ra tình trạng nghẽn mạng khi đăng ký trực tuyến, hoặc thất lạc khi gửi bưu điện thì ai chịu trách nhiệm?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, vấn đề cần quan tâm là phải có cách để TS có thể kiểm tra xem mình đã đăng ký xét tuyển thành công chưa? Hồ sơ đăng ký của mình có đến đúng địa chỉ không? Việc đăng ký đã đúng với yêu cầu quy định? Trong trường hợp các em phát hiện có sai sót, có nguyện vọng bổ sung, điều chỉnh thì liên hệ với ai, ở đâu, bằng cách nào? Nếu giải quyết được điều này thì chắc chắn các TS sẽ bớt đi nhiều lo lắng không đáng có vào thời điểm này để tập trung ôn tập đạt kết quả tốt nhất.

Em Nguyễn Hoàng Nam, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ chia sẻ: Dù đã được phổ biến là nội dung đề thi năm nay về cơ bản vẫn như năm trước, nhưng em rất mong muốn được tham khảo đề thi mẫu để có thể hình dung phần nào cấu trúc đề thi. Được biết, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường câu hỏi mở, câu hỏi vận dụng trong đề thi, em lo lắng không biết yêu cầu này sẽ ở mức độ như thế nào để chuẩn bị cho tốt.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc ban hành đề thi minh họa là cần thiết trong thời điểm này. Thầy và trò nhà trường đang rất trông đợi Bộ GD-ĐT sớm công bố đề thi mẫu để có thể kịp thời điều chỉnh cách dạy, cách học, đáp ứng với yêu cầu của kỳ thi về cách ra đề theo hướng mở, tăng cường yêu cầu vận dụng kiến thức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016: Siết chặt kỷ luật phòng thi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.