Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội với ngành mới mở

Quỳnh Phạm| 24/05/2016 07:41

(HNM) - Để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động cũng như của thí sinh, mùa tuyển sinh năm 2016, nhiều trường đại học, cao đẳng đã mở thêm một số ngành đào tạo mới. Vì còn mới nên các ngành có thể chưa thu hút được nhiều thí sinh ngay từ năm tuyển sinh đầu tiên, song đây lại chính là cơ hội đỗ đại học của nhiều thí sinh khi chọn những ngành mới này.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học FPT.Ảnh: Thanh Hải


Kinh tế vẫn được yêu thích

Từ thông tin tuyển sinh của các trường, không khó để nhận thấy khối ngành kinh tế đang tiếp tục được mở rộng đào tạo bởi vẫn là sự lựa chọn yêu thích của nhiều thí sinh.

Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh năm 2016, ông Trần Ngọc Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH FPT cho biết, nhà trường mở thêm 2 ngành đào tạo hiện đang có nhu cầu nhân lực cao là Kinh doanh quốc tế và Công nghệ thông tin. Sinh viên ngành Kinh doanh quốc tế sẽ được trang bị kiến thức về những lĩnh vực liên quan tới phát triển kinh tế thế giới trong xu hướng toàn cầu hóa, những vấn đề về hội nhập kinh tế và đầu tư quốc tế tại Việt Nam. Vốn có thế mạnh về đào tạo công nghệ thông tin, Trường ĐH FPT chú trọng trang bị phương pháp làm việc cũng như các kỹ năng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại. Nhà trường khẳng định việc được trải nghiệm trong các dự án sẽ giúp sinh viên tự tin làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế ngay sau khi tốt nghiệp.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính đang dự kiến mở các ngành thuộc khối kinh tế như Quản trị khách sạn, Quản trị nhân sự, Quan hệ công chúng, Thương mại điện tử. Mới đây Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức thẩm định chương trình, năng lực để trình Bộ GD-ĐT xem xét quyết định cho phép mở 2 ngành đào tạo Công nghệ vật liệu dệt, may; Kinh doanh thời trang và dệt may. Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết năm 2016 trường có 13 chuyên ngành đào tạo mới, đó là Kinh tế học, Kinh tế nông nghiệp, Kinh tế quốc tế, Quản trị khởi nghiệp, Kinh doanh thương mại, Quản trị truyền thông, Kế toán công, Thương mại điện tử, Luật và quản trị địa phương, Quản lý nhà nước, Tiếng Anh thương mại, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn.

Lĩnh vực truyền thông, tổ chức sự kiện cũng được cho là có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực. Thống kê của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho thấy nước ta hiện nay có khoảng 7.000 công ty quảng cáo với nhu cầu nhân lực cho ngành này ít nhất là 70.000 lao động. Song các công ty đều đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu với chất lượng cao và đã qua đào tạo. Nắm bắt tình hình này, ngành Quan hệ công chúng đã được mở ở nhiều trường. Ngoài các cơ sở đã nêu, còn có Trường Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic đã xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành Quan hệ công chúng - Truyền thông và Tổ chức sự kiện để tuyển sinh trong năm 2016.

Đào tạo theo nhu cầu xã hội

Bên cạnh xu hướng mở ra những ngành đào tạo "thời thượng" để hút thí sinh, một số trường đại học lại tập trung vào các ngành "độc" nhưng là thế mạnh đào tạo của mình và đáp ứng trúng nhu cầu xã hội.

Những vấn đề thu hút sự quan tâm như môi trường, biển đảo và ý thức của xã hội trước tình trạng biến đổi khí hậu cũng góp phần tạo nên nhu cầu cho một số ngành đào tạo. Năm nay Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội có thêm 2 ngành là Khoa học đất và Quản lý tài nguyên nước trong tổng số 16 ngành đào tạo. 2 ngành này trang bị chuyên sâu kiến thức nhằm phát triển nông, lâm nghiệp và môi trường trên quan điểm sinh thái và phát triển bền vững, đánh giá tác động đến tài nguyên và môi trường từ hoạt động sản xuất và đời sống con người. Ở phía Nam, Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cũng mở ra 5 ngành mới gồm: Kỹ thuật tài nguyên nước, Quản lý tài nguyên biển và môi trường biển đảo, Hệ thống thông tin, Kỹ thuật chế biến khoáng sản, Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Trong số này có hai ngành mới hoàn toàn, chưa có trường đại học nào tại Việt Nam đào tạo là Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Quản lý tài nguyên và môi trường biển đảo.

Từ năm 2015, ngành Truyền thông đa phương tiện bắt đầu được đào tạo ở Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Còn ngành Bưu chính, mặc dù xuất hiện trong tên gọi của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, song chưa bao giờ được đào tạo tại đây. Nhưng trong năm học 2016-2017, được biết Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có kế hoạch đăng ký mở thêm ngành này cùng với các ngành Logictics và Phát thanh-Truyền hình. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội với ngành mới mở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.