Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng minh bạch, giảm áp lực cho học sinh

Thống Nhất| 03/05/2018 06:57

(HNM) - Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép các trường có số lượng học sinh đăng ký nhiều hơn so với chỉ tiêu được tổ chức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực học sinh để tuyển sinh lớp 6.

Trước ý kiến của một số trường ngoài công lập cho rằng việc này gây khó khăn cho cơ sở và học sinh, ông Phạm Quốc Toản, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục - Đào tạo) đã trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới nhằm giúp các trường và phụ huynh hiểu rõ thêm nội dung này.

Năm nay, các trường THCS tại Hà Nội vẫn duy trì phương thức tuyển sinh theo tuyến. Ảnh: Nhật Nam


- Năm đầu tiên áp dụng quy chế sửa đổi, bổ sung về tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT), trong đó có việc cho phép các trường có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu có thể tổ chức xét tuyển kết hợp kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6. Việc này được triển khai ra sao tại Hà Nội, thưa ông?

- Trước hết, phải khẳng định hầu hết các trường THCS năm nay tại Hà Nội vẫn duy trì phương thức tuyển sinh theo tuyến, do UBND quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh, chỉ có một số trường có thể lựa chọn phương thức xét tuyển hoặc tổ chức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực để tuyển học sinh.

Tuy nhiên, ngoài quy định như của Bộ GD-ĐT là có số học sinh đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu, những trường thực hiện theo phương thức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực phải đáp ứng thêm một điều kiện khác, đó là tuyển học sinh không theo tuyến. Điều này nhằm bảo đảm mục tiêu phổ cập giáo dục cho học sinh trên địa bàn, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh.

- Vậy, phương thức thực hiện bài kiểm tra năng lực học sinh của các trường cụ thể ra sao?

- Để tổ chức kiểm tra năng lực học sinh, các nhà trường phải tổ chức cho học sinh thực hiện 2 bài kiểm tra: Bài tổ hợp khoa học và toán; bài tổ hợp tiếng Việt, tiếng Anh, lịch sử và địa lý, thời gian 60 phút/bài, nội dung thuộc chương trình giáo dục tiểu học, chủ yếu là chương trình lớp 5. Thời gian tuyển sinh của các trường, kể cả công lập và ngoài công lập đều thực hiện chung một lịch, từ ngày 10 đến hết 12-7-2018. Sở GD-ĐT nghiêm cấm các trường tuyển sinh trước thời gian quy định.

- Một số trường ngoài công lập đề xuất được tự chủ hoàn toàn về phương thức tuyển sinh, chứ không bắt buộc phải theo quy định. Tại sao không để các trường tự xây dựng phương án tổ chức bài kiểm tra này?

- Trước năm học 2015-2016, việc tuyển sinh đầu cấp của các trường được thực hiện vào thời điểm khác nhau, phương thức cũng khá đa dạng như kiểm tra chỉ số IQ, EQ, phỏng vấn, cho học sinh thuyết trình, tổ chức ngày hội... và có thu kinh phí tuyển sinh gây ra một số phản hồi thiếu tích cực và lộn xộn trong công tác tuyển sinh.

Năm nay, với những trường tổ chức xét tuyển kết hợp với kiểm tra năng lực để tuyển sinh lớp 6, Sở GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện kiểm tra năng lực học sinh theo cùng một cách thức là tổ chức 2 bài tổ hợp, gồm các môn khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, tiếng Anh nhằm đánh giá năng lực của học sinh ở các môn được học tập trong chương trình lớp 5, bảo đảm mục tiêu giáo dục tiểu học, tránh tình trạng dạy thêm, học thêm.

Quy định thực hiện thống nhất về cách thức tổ chức bài kiểm tra năng lực nhằm tránh tình trạng mỗi nơi tổ chức một kiểu kiểm tra và thời điểm tổ chức khác nhau, gây áp lực cho học sinh, đồng thời giúp cha mẹ các em dễ dàng nắm bắt thông tin tuyển sinh rõ ràng, tăng tính minh bạch và bảo đảm cho công tác tuyển sinh được ổn định, trật tự. Cách thức này cũng giúp học sinh, phụ huynh định hướng ngay từ thời điểm này về nội dung sẽ kiểm tra năng lực để có sự chuẩn bị chu đáo, giảm đi những áp lực không cần thiết khi tham gia dự tuyển.

- Việc các trường ngoài công lập phải lập đề án, báo cáo cơ quan quản lý về phương án tuyển sinh liệu có làm khó cho các trường?


- Việc yêu cầu các nhà trường (cả công lập và ngoài công lập) phải xây dựng kế hoạch tuyển sinh hằng năm là quy định của Sở GD-ĐT nhiều năm nay nhằm thực hiện nghiêm túc quy chế công khai trong giáo dục, bao gồm 3 nội dung: Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện bảo đảm chất lượng; công khai tài chính theo Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT. Việc này còn nhằm bảo đảm quyền lợi cho các trường hoạt động minh bạch, khẳng định uy tín với phụ huynh và tăng cường sự giám sát của xã hội đối với các hoạt động của trường.

Bên cạnh đó, Điều 5 Quy chế 13/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục đã quy định rõ về phân cấp quản lý như sau: “Trường phổ thông tư thục chịu sự quản lý nhà nước của UBND các cấp theo quy định của Luật Giáo dục và các quy định có liên quan khác; chịu sự quản lý trực tiếp của phòng GD-ĐT đối với trường tiểu học, trường THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THCS, của Sở GD-ĐT đối với trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học có cấp học cao nhất là THPT”.

Quy định này của Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải xây dựng và báo cáo kế hoạch tuyển sinh qua các cơ quan giáo dục quản lý trực tiếp. Các cơ quan giáo dục này sẽ lập kế hoạch tuyển sinh chung trên địa bàn, trình UBND các cấp phê duyệt, tạo sự ổn định, trật tự trong công tác tuyển sinh trên địa bàn và sự phát triển của các trường, bảo đảm quyền lợi cho học sinh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng minh bạch, giảm áp lực cho học sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.