Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế Thủ đô giai đoạn 2015-2020

Hưng Thịnh| 26/11/2014 15:53

(HNMO)- UBND thành phố Hà Nội vừa thông qua và tổ chức thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2015-2020.

Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, GRDP bình quân giai đoạn 2011-2014 trên địa bàn Thủ đô ước tăng 9,17% (giá so sánh năm 2010), luôn giữ mức tăng gấp khoảng 1,5 lần so với tốc độ tăng chung của cả nước; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, trong khi tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng giữ mức ổn định... Việc tái cơ cấu kinh tế đã đạt được những kết quả bước đầu, quan trọng, góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng và năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế mặc dù vẫn giữ ở mức tương đối cao nhưng chất lượng tăng trưởng còn chưa tương xứng với tiềm năng, như: Tăng trưởng kinh tế vẫn thiên về chiều rộng, chủ yếu dựa vào gia tăng số lượng vốn đầu tư, hiệu quả sử dụng các nguồn lực (vốn, tài nguyên thiên nhiên, đất đai); năng suất lao động còn thấp; sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn. Trong khi đó, nhìn chung, tái cơ cấu đầu tư công còn dàn trải, hiệu quả chưa cao; tái cơ cấu, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước còn chậm so với yêu cầu, chưa tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động; bên cạnh đó, tái cơ cấu ngành còn chậm, chưa động bộ; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng còn nhiều khó khăn, vướng mắc.


Xuất phát từ thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội đã thông qua đề án “Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả và năng lực cạnh tranh trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020”.

UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND 30 quận, huyện, thị xã và các tổng công ty trực thuộc thành phố cần quán triệt đầy đủ các mục tiêu, quan điểm, nội dung của đề án; đồng thời triển khai hiệu quả đề án trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và văn kiện đại hội đảng các cấp, các ngành.

Đáng lưu ý, khẩn trương xây dựng nội dung, chương trương xây dựng các nội dung, chương trình tái cơ cấu trong nửa đầu năm 2015 và triển khai chương trình hành động tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành, địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, chương trình hành động phải thể hiện đầy đủ các nội dung: mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng, nội dung và các giải pháp cụ thê, lộ trình và thời hạn thực hiện, đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện.

Tăng cường sự phối hợp triển khai thực hiện giữa các sở, ban, ngành, cơ quan đoàn thể và 30 quận, huyện, thị xã, các tổng công ty trực thuộc thành phố. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đảng, mặt trận tổ quốc các cấp, hội đồng nhân dân, các đoàn thể để tạo nên sự đồng thuận, sức mạnh tổng hợp trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng;...

UBND thành phố Hà Nội đã giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị. Trong đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội là cơ quan tham mưu, thường trực của UBND thành phố về triển khai thực hiện đề án; Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ban Đổi mới và Phát triển các doanh nghiệp thành phố, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện khẩn trương, hiệu quả đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước;...

UBND thành phố Hà Nội cũng yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND 30 quận, huyện, thị xã, các doanh nghiệp nhà nước định kỳ 6 tháng, hàng năm phải báo cáo về tình hình triển khai thực hiện tái cơ cấu kinh tế trên phạm vi ngành và địa phương, lồng ghép vào báo cáo kinh tế - xã hội để báo cáo UBND thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế Thủ đô giai đoạn 2015-2020

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.