Theo dõi Báo Hànộimới trên

...Chờ xem chế tài xử lý

Hà Phong| 02/08/2015 07:27

(HNM) - Đã đến hạn hoàn thiện 155 văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh có hiệu lực, nhưng đến thời điểm này các bộ, ngành mới thực hiện được 53 văn bản (đạt 34,19%).


Điển hình, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2015, nhưng vẫn chờ văn bản hướng dẫn, khiến doanh nghiệp đứng ngồi không yên.

Không lường trước được...

Nếu đúng kế hoạch, trong 6 tháng đầu năm 2015, các bộ, cơ quan ngang bộ có nhiệm vụ xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 178 văn bản (74 nghị định, 6 quyết định, 84 thông tư, 14 thông tư liên tịch), bao gồm: 155 văn bản nợ đọng quy định chi tiết 34 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực; 23 văn bản quy định chi tiết 4 luật sắp có hiệu lực. Song tính đến cuối tháng 7, đối với 155 văn bản nợ đọng, quy định chi tiết các luật đã có hiệu lực, mới ban hành được 53 văn bản (28 nghị định, 3 quyết định, 22 thông tư).

Nghị định hướng dẫn thi hành luật chậm ra đời ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.Ảnh: Bá Hoạt


Đối với 23 văn bản quy định chi tiết Luật Hộ tịch, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Căn cước công dân, các bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Công an và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu xây dựng để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền bảo đảm chất lượng, tiến độ, có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật (1-1-2016).

Trao đổi với phóng viên về việc "nợ đọng" văn bản pháp luật ngày càng lớn, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Hồng Tuyến khẳng định, đây là vấn đề gây bức xúc trong xã hội. Việc này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất sát sao, nên việc nợ đọng văn bản từng giảm rất nhiều. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều luật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành thì số lượng nợ đọng văn bản lại có xu hướng tăng lên so với cùng kỳ năm trước. "Đến thời điểm này, con số nợ đọng đã lên tới trên 100 văn bản, rất đáng báo động" - ông Tuyến cho biết. Lấy ngẫu nhiên 2 trong số các luật có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa qua là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014 nhưng vẫn "chờ" văn bản hướng dẫn, theo ông Tuyến nguyên nhân chậm chễ là việc xây dựng các văn bản hướng dẫn không đơn giản, lại liên quan đến nhiều bộ, ngành mà trước đó các cơ quan liên quan không "lường" trước được.

Ngoài ra, các nghiên cứu của Bộ Tư pháp cũng cho rằng, có trường hợp còn thiếu sự định hướng rõ ràng về chính sách khi xây dựng luật do chưa làm tốt công tác tổng kết thực tiễn nên việc quy định chi tiết là khó, phức tạp, có nhiều ý kiến khác nhau. Lại có nội dung giao quy định chi tiết nhưng chưa có cơ sở thực tiễn cho việc quy định chi tiết. Đội ngũ công chức làm công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật còn ít, thiếu tính chuyên nghiệp.

Quy rõ trách nhiệm

Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư đã khiến những quy định tiến bộ của nhiều văn bản luật chậm đi vào cuộc sống, có khi bị... chết lâm sàng. Theo luật gia Lê Quang Vững, ngay khi Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực, ngày 1-7-2015, có một vài nhà đầu tư nước ngoài đã tìm đến ông nhờ tư vấn - tìm cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản nhưng ông không thể làm họ hài lòng vì nhiều điều khoản của luật mới này chưa cụ thể.

Cũng vì thiếu hướng dẫn chi tiết, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp cho dù đã cải cách mạnh mẽ cũng chưa thể hoàn thành mục tiêu khơi thông các rào cản đối với môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp nhà đầu tư như Chính phủ kỳ vọng, vì doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư cũng như doanh nghiệp mới ra đời... muốn hoạt động cũng phải chờ thông tư hoặc nghị định quy định chi tiết. Có lẽ nhận thấy được tổn thất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải ban hành văn bản tạm thời hướng dẫn luật (Doanh nghiệp và Đầu tư). Tuy nhiên, phải thấy một thực tế là, động thái kịp thời của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ là hiện tượng cá biệt.

Theo ông Nguyễn Hồng Tuyến, từ ngày 1-7, thời điểm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi luật năm 2008 có hiệu lực, các tổ chức, người đứng đầu nào để xảy ra tình trạng nợ đọng sẽ bị xem xét xử lý về trách nhiệm nhiều mức. Theo đó, không xem xét chế độ khen thưởng đối với các cá nhân, tập thể, không hoàn thành nhiệm vụ. Cũng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới nhất, dự thảo văn bản quy định chi tiết phải trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Đây là một trong những điểm sẽ góp phần khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn luật.

"Tính khả thi, hiệu lực như thế nào, chúng ta hãy chờ xem. Về phía Bộ Tư pháp, Bộ sẽ chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác thẩm định, thẩm tra và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra; nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp chỉ đạo việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh bảo đảm tiến độ và chất lượng" - Ông Tuyến nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
...Chờ xem chế tài xử lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.