Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không lặp lại điệp khúc “lỡ hẹn”

Hà Phong| 01/09/2015 06:41

(HNM) - Tới đây, người dân nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Hà Nội có thể đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp qua đường bưu điện với thủ tục rất đơn giản.


Đó là cam kết của nhiều địa phương. Song thực tế cho thấy, chương trình có triển khai thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào khâu tuyên truyền và cơ chế phối hợp liên ngành.

Tuyên truyền có ý nghĩa quyết định

Trước đó, từ tháng 8-2013, việc ứng dụng dịch vụ chuyển phát nhanh trả kết quả thủ tục hành chính lĩnh vực này đã được Sở Tư pháp Hà Nội thực hiện. Tuy nhiên, kết quả còn hạn chế. Phần đông người dân vẫn muốn đến tận nơi nộp hồ sơ, nhận kết quả. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Phạm Thanh Cao nhận định, để người dân hưởng ứng dịch vụ chuyển thủ tục hành chính qua bưu điện, phải cải cách hơn nữa và khâu tuyên truyền là yếu tố quyết định. Trước mắt, Sở Tư pháp sẽ đẩy mạnh các chương trình truyền thông; niêm yết công khai phương thức cấp phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính tại trụ sở Sở Tư pháp, các bưu cục, điểm phục vụ bưu chính trên địa bàn thành phố. Đồng thời biên soạn, phát hành các tờ gấp pháp luật với thông điệp rõ ràng, ngắn gọn, dễ hiểu.

Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Bá Hoạt


Dự kiến từ quý IV năm 2015, tất cả các tổ chức, cá nhân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ… có nhu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp có thể gửi hồ sơ yêu cầu và nhận kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp tại các bưu cục, điểm phục vụ của bưu điện; nộp hồ sơ trực tiếp và nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính; nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu qua dịch vụ bưu chính và nhận kết quả trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền cấp phiếu lý lịch tư pháp… Ngoài ra, bưu điện cũng có thể thu hộ lệ phí nếu khách hàng muốn. Tương tự, khách hàng có thể đăng ký nhận kết quả tại nhà. Khi có kết quả, bưu điện có trách nhiệm chuyển phát đến tận tay khách hàng.

Cần nhân rộng dịch vụ tiện ích

Giám đốc Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia Hoàng Quốc Hùng nhận định, cấp phiếu lý lịch tư pháp đang là một trong những thủ tục "nóng" hiện nay ở nhiều địa phương, bởi người dân vẫn còn phải mất nhiều thời gian đi lại để thực hiện. Việc đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp qua đường bưu điện do Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Bưu điện Việt Nam đang triển khai sẽ giảm bớt khó khăn cho người dân, giúp các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhất việc tiếp nhận hồ sơ, chuyển phát trả đến tay tổ chức, cá nhân theo yêu cầu một cách an toàn, chính xác, kịp thời. Phạm vi thực hiện thí điểm cũng rất mở, ngoài Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và 11 tỉnh, thành phố được quy định thì các sở tư pháp khác sẽ căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế tại địa phương để đề xuất, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Tư pháp nếu đủ điều kiện thực hiện.

Về phía Bưu điện Việt Nam, Tổng Giám đốc Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, đơn vị có lợi thế hiện có về nguồn nhân lực lên tới 40.000 cán bộ công nhân viên và người lao động, cùng mạng lưới bưu cục đến tận các xã, phường. Đây không phải là lần đầu tiên Bưu điện Việt Nam tham gia vào thực hiện các dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính. Bưu điện Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia cùng các đơn vị liên quan thực hiện tốt nhất việc tiếp nhận hồ sơ, chuyển phát trả kết quả cấp phiếu lý lịch tư pháp đến tay công dân, tổ chức theo yêu cầu một cách an toàn, chính xác và kịp thời.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít ý kiến tỏ ra nghi ngại về kết quả đạt được. Thống kê cho thấy tại nhiều địa phương, tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp còn chiếm tới hơn 20% so với thời hạn luật định. Một trong những lý do chính là vì lực lượng CA chưa có kết quả trả lời tra cứu xác minh về án tích, tình trạng thi hành án, việc thi hành các nghĩa vụ dân sự nên cơ quan tư pháp chưa thể ký ban hành được phiếu. Vì thế, một bộ phận người dân đặt ra câu hỏi họ trực tiếp đến nhiều lần vẫn không được cấp phiếu đúng thời hạn, nếu gửi qua bưu điện thì tính khả thi sẽ ra sao? Rõ ràng, việc cấp phiếu lý lịch tư pháp không thể thành công nếu chỉ Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia và Bưu điện Việt Nam phối hợp với nhau, mà cần phải có hạ tầng công nghệ thông tin tốt và sự nhập cuộc đồng bộ giữa các ngành chức năng mới gỡ được nút thắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không lặp lại điệp khúc “lỡ hẹn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.