Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những “bô lão” của phim truyện truyền hình

ANHTHU| 18/01/2004 08:14

Câu nói dân gian “Tuổi cao ý chí càng cao” dường như càng đúng với những người cao tuổi đi đóng phim. Không chỉ là “niềm vui tuổi già” như có lần họ khiêm tốn nói, mà họ đang lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc. Nhân dịp tất niên, phóng viên Hànộimới phác họa đôi nét chân dung ba vị “bô lão” trong khá nhiều diễn viên cao tuổi đóng phim TH hiện nay:...

Nghệ sĩ Hữu Độ trong phim "Ngược dòng cái chết"
Ảnh: HGS

Câu nói dân gian “Tuổi cao ý chí càng cao” dường như càng đúng với những người cao tuổi đi đóng phim. Không chỉ là “niềm vui tuổi già” như có lần họ khiêm tốn nói, mà họ đang lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc. Trong điều kiện làm phim TH rất chật vật, KB lại chưa thật sự có “đất” dành cho họ, nhưng những vai diễn của họ, dù hầu hết là vai phụ, đều rất đáng ghi nhận. Và ở một khía cạnh nào đó, thái độ làm việc nghiêm túc cùng với kinh nghiệm nghề nghiệp của họ đã ảnh hưởng không ít đến lớp trẻ. Nhân dịp tất niên, phóng viên Hànộimới phác họa đôi nét chân dung ba vị “bô lão” trong khá nhiều diễn viên cao tuổi đóng phim TH hiện nay:

NSƯT Thu An: “Tuổi này vào vai vẫn “ngon lành” là hạnh phúc lắm”

Khác với nét mặt khắc khổ, điệu bộ chậm rãi trên phim, ngoài đời, NSƯT Thu An trò chuyện thật sôi nổi. Giọng vang to, có lẽ bà quen trò chuyện với khách trong một hàng nước bên đường giữa còi xe inh ỏi trong “vai” bà chủ quán nước. Bà còn vung nắm đấm lên cao khi nhấn mạnh điều gì, đặc biệt, vẻ hồ hởi, nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt phúc hậu khiến bà lão ngót nghét 80này đẹp như bà tiên trong truyện cổ...

Bà không hề nhầm lẫn tên phim, tên nhân vật, tên ĐD và cả số tập phim bà cũng nhớ rất chuẩn. Thậm chí, bà còn đọc thuộc một đoạn thoại khá dài một cách đầy biểu cảm trong một bộ phim đóng hồi đầu năm. Có lẽ xuất phát từ quan niệm, mỗi vai diễn, mỗi lần đi làm phim, nhất là đi xa, là một chuyến du lịch, được sống những giây phút hạnh phúc, được làm nghề và được... bay bổng nên bà kể về những bộ phim đã làm với đầy vẻ hào hứng.

Bà không giấu niềm sung sướng, tự hào là một trong ít diễn viên tham gia bộ phim đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng VN Chung một dòng sông mà đến nay vẫn tiếp tục nghiệp diễn. Quảthật, trong số nhiều diễn viên nữ của Xưởng Phim truyện VN (nay là Hãng Phim truyện VN) ngày ấy, đến nay chỉ còn bà cùng với Hoàng Yến là vẫn còn duyên với phim ảnh suốt mấy chục năm qua.

Gần 80 tuổi đời, 50 năm tuổi nghề, không học qua trường lớp diễn xuất nào, bà đến với điện ảnh từ năng khiếu và tích lũy những kinh nghiệm để hoàn thiện mình qua từng vai diễn. Nhưng có lẽ, thái độ làm việc nghiêm túc của một thế hệ diễn viên như bà, cùng với công sức lao động nghệ thuật miệt mài, ở nhiều dạng vai, nhiều hoàn cảnh và lòng yêu nghề giúp họ trưởng thành rất nhanh và cống hiến nhiều vai diễn cho điện ảnh, cho cuộc sống. Một thế hệ diễn viên như bà từng đi thực tế, lăn vào cuộc sống cùng lao động, sản xuất với bà con nên đến lúc lên phim cứ tươi nguyên vẻ đẹp mộc mạc, chất phác của người lao động. Vì thế, đến nay, đóng vai “nhà quê”, thì dường như vẫn chưa ai vượt qua Hoàng Yến và Thu An.

Về hưu hơn hai chục năm nay, bà mang niềm say mê, hồn hậu của lối làm phim thời bao cấp để đến với truyền hình, khắc họa đậm nét hình ảnh những người bà, người mẹ sống nghĩa tình, thủy chung và đầy trách nhiệm với cháu con, như trong các phim: Mẹ chồng tôi (ĐD Khải Hưng), Ranh giới (ĐD Vũ Hồng Sơn - HCV Liên hoan TH toàn quốc 2003)... Bà tâm sự: “Mình có nghề mà bỏ không làm nghề thì buồn quá. Đi đóng phim, quên đi những chuyện lặt vặt, tuổi này vào vai vẫn “ngon lành” là hạnh phúc lắm... Có lẽ vì thế mà tôi được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba”.

Nghệ sĩ Hữu Độ:“Còn nhận được những tình cảm tốt đẹp của khán giả là hạnh phúc lắm rồi”

Những ngày giáp Tết, nghệ sỹ Hữu Độ khá bận rộn với 2 bộ phim quay song song, đó là 9 tập phim Biển đắng,vai Tổng biên tập báo Tương Lai và Bên ngoài cuộc đời, vai một cán bộ ngoại giao nghỉ hưu. Khuôn mặt vuông vức, đường nét toát lên vẻ cương trực và nghiêm nghị cùng với phong thái đường bệ, uy nghi khiến ông cứ complet, caravát từ xe con bước xuống... là người xem thoáng thấy ngay một cán bộ cấp cao hay giám đốc doanh nghiệp...

Hữu Độ sinh tại Hà Nội, là người say mê sân khấu từ hồi học sinh. Những năm 50 của thế kỷ trước, ông khá “nổi” trên sân khấu Côn Sơn của Trường Trung học Nguyễn Trãi. Ông từng tham gia những đoàn kịch nổi tiếng của Hà Nội, như: Sông Hồng kịch xã, đoàn kịch Mùa Thu, đoàn Đông Phương... cùng các bạn diễn đã thành danh như Ngô Cừ, Chu Xuân Hoan, Dương Quảng... Từ năm1960, ông về Đoàn kịch nói Hà Nội, đảm nhận nhiều vai diễn ấn tượng trong các vở kịch: Cái máy chém, Những người du kích, kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa... Trước khi trở thành diễn viên Nhà hát kịch VN, ông là Trưởng đoàn nghệ thuật Tổng cục Đường sắt,phụ trách một đoàn ca múa và một đoàn kịch mang phong cách chuyên nghiệp.

Về nghỉ hưu từ năm 1990, ông đến với phim ảnh trong cái mê mải của người được làm nghề tự do nhưng luôn có trách nhiệm với vai diễn. Vai “nặng ký” đầu tiên của ông là Giám đốc Hoàng Tô trong phim truyền hình dài tập Ngọt ngào và man trá. Từ đó, ông trở thành một gương mặt quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ. Mới đây, ông vào vai một ông Viện trưởng thất bại trong cuộc đấu đá ở cơ quan và gặp nhiều bi kịch trong cuộc sống riêng trong phim dài tập Cảnh sát điều tra - Phía sau một cái chết. Ông cũng vừa hoàn thành vai Giám đốc Trần Đại Hoạch trong phim truyện nhựa Trò đùa của Thiên Lôi - một giám đốc coi thường người tài, hám tiền và làm nghèo đất nước.

Với lợi thế về ngoại hình, nhiều người cứ nghĩ chỉ cần ông mang nguyên bộ dạng lên phim là nhân vật đã hiện ra, nhưng ông tâm sự: “Mỗi KB một khác, mỗi nhân vật có hoàn cảnh khác nhau. Cũng là trí thức nhưng phải tìm ra được những nét khác biệt, nếu không sẽ gây nhàm chán, đơn điệu. Diễn viên có trách nhiệm với vai, thì khi diễn phải xem xét mối quan hệ của mình với các nhân vật, quan tâm nhiều đến hành động nội tâm của nhân vật để tìm được cách thể hiện không lặp lại... Tôi nghĩ nếu mình còn sức lực, còn được làm nghề, còn được các ĐD tin tưởng, còn nhận được những tình cảm tốt đẹp ưu ái của khán giả - những giám khảo cuối cùng, thế là hạnh phúc lắm rồi”

Nghệ sĩ Thành An:Còn “món nợ” với người nông dân”

Tình yêu nghệ thuật đến với Thành An khá sớm. Chàng lính trẻ trong Lữ đoàn Công binh tham gia văn nghệ sôi nổi, rồi được về Đoàn kịch nói Tổng cục Chính trị. Có mặt trong vở kịch đầu tiên được phát sóng qua màn ảnh nhỏ Trang sổ tay của người chiến sỹ (KB Đào Hồng Cẩm, ĐD Vũ Minh) từ đó, Thành An tham gia diễn kịch ở nhiều dạng vai, cùng với anh em nghệ sỹ trong đoàn đi phục vụ nhân dân, chiến sỹ ở khắp mọi miền đất nước. Về hưu, ông bị cuốn vào công việc mới. Kể từ bộ phim đầu tiên (Bến đợi, ĐD Khải Hưng), ông ngày càng được nhiều người biết đến như một gương mặt quen thuộc của màn ảnh nhỏ. Những vai diễn thể hiện nỗi đau, sự dày vò về nội tâm được ông thể hiện rất thuyết phục: người cha của cô bé câm trong phim Giọt nắng của cha, người chiến sỹ đã cống hiến cho cách mạng nhưng bị lãng quên trong Người dưng, người chồng đau khổ và tuyệt vọng trong Bức tường lửa... Diễn xuất thể hiện trên khuôn mặt đầy đau khổ khiến nhân vật của ông trở thành nỗi ám ảnh về số phận những người đàn ông phải gánh chịu những đau đớn, mất mát lớn trong cuộc đời. Dường như mất mát, thiệt thòiphải gánh chịu trong tuổi thơ bất hạnh đã in dấu trong ông vàđến với phim ảnh ông mới có dịp bộc lộ rõ. Chính những vai diễn này của ông đã khiến không ít người xem rơi nước mắt.

Gần đây, Thành An hay đóng những vai giám đốc, trí thức... nhưng mong ước lớn nhất của ông lại là một vai nông dân thật hay để thể hiện được suy nghĩ của họ, để xã hội thông cảm và chia sẻ. “Tôi sẵn sàng làm tất cả để một hình ảnh đẹp và sâu sắc về người nông dân đến được với mọi người” - Thành An tâm sự. Ông cứ đau đáu mãi về món nợ của phim ảnh với người nông dân, khi chưa lột tả được số phận và nỗi niềm của họ. Chưa bao giờ cầm cày, vác cuốc, nhưng ông bảo “cái số” sinh ra đã vất vả, từ điệu bộ đến dáng hình, nên ông thấy gần gũi và thân thiện với những người nông dân chân lấm tay bùn. Chẳng cần hóa trang phục trang gì cả, đi giữa đường quê, ông đã trở thành nông dân “chính hiệu”. Có lẽ những tháng ngày tranh thủ nghỉ diễn ở đoàn, bươn chải trên Lạng Sơn đi buôn xe máy hay ngồi ở vỉa hè Mai Dịch sửa xe hồi bao cấp và cả những việc khác mà ông từng làm để mưu sinh khiến ông thấm thía và đồng cảm những cảnh đời, những số phận của những người lao động nghèo, nên bây giờ ông cứ luôn phải trăn trở, day dứt.

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những “bô lão” của phim truyện truyền hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.