Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem vở Công chúa Lí Nguyệt Sinh

ANHTHU| 08/02/2004 09:18

Sau khá nhiều truân chuyên, vở diễn Công chúa Lý Nguyệt Sinh  của Nhà hát Tuồng TƯ đã ra mắt công chúng trong những ngày cuối năm Quý Mùi. Câu chuyện tình của cặp trai tài gái sắc trong dã sử thời Lý đã được tác giả Nguyễn Hữu Thiệp và đạo diễn Đặng Bá Tài đưa lên sân khấu Tuồng khá nhuyễn và dễ...được đông đảo khán giả yêu thích...

Sau khá nhiều truân chuyên, vở diễn Công chúa Lý Nguyệt Sinhcủa Nhà hát Tuồng TƯ đã ra mắt công chúng trong những ngày cuối năm Quý Mùi. Câu chuyện tình của cặp trai tài gái sắc trong dã sử thời Lý đã được tác giả Nguyễn Hữu Thiệp và đạo diễn Đặng Bá Tài đưa lên sân khấu Tuồng khá nhuyễn và dễ...được đông đảo khán giả yêu thích.

Tương truyền, nàng công chúa đời Lý này thường về đất Tổ Kinh Bắc, miền đất Quan họ, du xuân. Năm đó, đất nước đứng trước họa ngoại xâm, vua cha không cho nàng du xuân trảy hội. Nàng công chúa thích đọc binh thư, múa kiếm cung hơn thêu thùa vá may đã trốn cha về lại đất Kinh Bắc. Tham dự cuộc thi võ đầu xuân trong ngày hội làng rộn ràng, cô công chúa đã gặp được chàng trai họ Chu tài ba thao lược. Mối lương duyên mới chớm thì Chu Đình Dự được lệnh ra tiền tuyến chống giặc. Vượt qua mọi trở ngại về địa vị xã hội, sự ngăn cản của những luật lệ mang tính giáo điều thường tình, họ đã sát cánh bên nhau trên trận tuyến chống thù. Đôi trai tài gái sắc ấy đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh khi chưa tròn câu nguyện ước kết thành vợ chồng...Lời ước nguyện âm thầm mà mãnh liệt đó đã được vua cha và dân làng thực hiện khi làm lễ tơ hồng cho linh hồn đôi trẻ.

Các diễn viên gạo cội của nhà hát đã sử dụng thứ ngôn ngữ thuần chất Tuồng cho một câu chuyện tình giản dị, trong sáng, đôi chỗ nhuốm chất hài hước nhẹ nhàng của Chèo trong các màn hội làng, sinh hoạt làng quê...thêm vào đó chút ấm áp giao duyên của các làn điệu Quan họ quen thuộc. Chính sự đan xen khá hài hòa, nhuần nhụy này đã đem lại cái nhìn thiện cảm hơn của đông đảo công chúng đối với nghệ thuật Tuồng truyền thống. Đối với không ít người, Tuồng thực sự khó tiếp nhận do tính hàn lâm, tính ước lệ cao, nhất là với các vở Tuồng cổ. Những vở Tuồng gần đây, các nghệ sĩ đã cố gắng kéo nghệ thuật này gần hơn với người xem mà một trong những cố gắng thành công đó chính là vở diễn mới này của Nhà hát Tuồng. Các nghệ sĩ Minh Gái (vai Lý Nguyệt Sinh), Anh Dương (vai Chu Đình Dự) đã diễn tả tốt vai diễn của mình, xứng đáng là những nghệ sĩ kế tục tin cậy của bộ môn này. Đặc biệt phần xử lý những lòng bản quen thuộc của nhạc Tuồng đã được nhạc sĩ Trọng Đài đẩy nhanh tiết tấu, sáng tạo thêm những âm hưởng mới, trên nền đó đưa làn điệu Quan họ vào Tuồng khá “êm”...

Đây là một câu chuyện tình lãng mạn, giàu chất dân dã quen thuộc của Chèo mà vào Tuồng ngọt ngào, mở rộng thêm những mảnh đề tài cho nghệ thuật được xem là thích hợp nhiều với chất bạo liệt, bi hùng. Đây cũng chính là lý do khiến cho vở diễn gặp những khó khăn nhất định khi ra mắt công chúng, do cách đánh giá, nhìn nhận một tác phẩm sân khấu dân tộc mới, đặc biệt là với thể loại sân khấu vốn luôn được coi là “khó tính” như nghệ thuật Tuồng. Ta đã chạm đến phần nhạy cảm, phần lý luận gây tranh cãi khá nhiều trong giới sân khấu. Không ít người trong giới đến bây giờ vẫn không chấp nhận có những đổi thay cho bộ môn này. Tất cả những cố gắng nhằm làm cho Tuồng dễ tiếp nhận hơn với đông đảo công chúng đều bị quan điểm bảo tồn nguyên vẹn nghệ thuật truyền thống lên án khá gay gắt. Vô hình trung, không ít những luận điểm đó đã trói buộc sự sáng tạo của người nghệ sĩ. Người ta dễ đồng thuận khi cho rằng, phải phát huy vốn cổ phục vụ cho khán giả hôm nay, nhưng phát huy như thế nào thì lại mỗi người một ý, từ đó dẫn đến mỗi người có một cách nhìn nhận đánh giá khác nhau khá xa đối với một vở diễn cụ thể. Có thể những vở diễn mới hôm nay chưa phải là mẫu mực khi không khó khăn gì nhận ra những thiếu sót của vở Công chúa Lý Nguyệt Sinh như: Dung lượng kịch còn mỏng, cao trào kịch chưa được xử lý thật tốt, một vài “miếng” của đạo diễn còn nặng về chất làm đẹp mà giá trị biểu hiện nội dung chưa cao, có diễn viên chưa khai thác hết vai diễn...nhưng phải thừa nhận những đổi mới đáng ghi nhận của tác giả, đạo diễn, nhạc sĩ...khi đã làm được một vở diễn gọn gàng, nhẹ nhàng trong sáng như bản thân câu chuyện tình giản dị - thứ triết lý dân dã của dã sử về sự bình đẳng trong nghĩa vụ công dân...Hãy chấp nhận thực tế sáng tác phong phú, có được cách nhìn cảm thông hơn với người nghệ sĩ trong lao động nghệ thuật trước khi khe khắt đánh giá trên lĩnh vực học thuật.

Trên những tiêu chí đó, vở diễn thực sự là một thử nghiệm nghiêm túc của tập thể nhà hát khi đưa thêm những yếu tố khác của nghệ thuật biểu diễn vào Tuồng, giúp Tuồng thêm phong phú, dễ tiếp nhận hơn với tầng lớp khán giả hiện đại.

HNM
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xem vở Công chúa Lí Nguyệt Sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.