Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vương miện lưu đày - Một cuốn truyện lịch sử đầy hấp dẫn

THUHANG| 17/03/2004 10:51

Vương miện lưu đày là cuốn truyện lịch sử xoay quanh những biến cố chính trị của những triều đại phong kiến Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, khi Thực dân Pháp xâm lược đất nước, đặc biệt là thân phận hai cha con - hai ông vua Thành Thái và Duy Tân. Tuy thời gian lên ngôi không dài, lại gặp lúc vận nước trong cơn binh đao khói lửa do cuộc chiến tranh xâm lược của Thực dân Pháp, nhưng hai ông vua - hai cha con Thành Thái và Duy Tân đã làm sáng lên tinh thần yêu nước, độc lập tự cường dân tộc của người dân Việt Nam tự cổ chí kim.

Vốn say mê con người, văn hóa, phong cảnh Huế và những vấn đề lịch sử triều đại cuối cùng ở Việt Nam mà Nhà văn - Nhà báo Mai Thục, nguyên Tổng biên tập báo Phụ nữ Thủ đô, cựu phóng viên báo Hànộimới đã dày công nghiên cứu những chứng nhân, chứng tích lịch sử để viết nên cuốn "Vương miện lưu đày".

Vương miện lưu đày là cuốn truyện lịch sử xoay quanh những biến cố chính trị của những triều đại phong kiến Việt Nam những năm cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, khi Thực dân Pháp xâm lược đất nước, đặc biệt là thân phận hai cha con - hai ông vua  Thành Thái và Duy Tân.  Tuy thời gian lên ngôi không dài, lại gặp lúc vận nước trong cơn binh đao khói lửa do cuộc chiến tranh xâm lược của Thực dân Pháp, nhưng hai ông vua - hai cha con Thành Thái và Duy Tân đã làm sáng lên tinh thần yêu nước, độc lập tự cường dân tộc của người dân Việt Nam tự cổ chí kim.

"Tám ngày trôi qua kể từ ngày vua Thành Thái bị phế truất. Cung đình trống rỗng. Quần thần lơ láo. Đám hoạn quan, cung tần mỹ nữ khiếp sợ. Nỗi sợ câm lặng không thoát thành lời. Số phận của họ sắp bay vèo trong cơn bão. Ai sẽ lên ngôi kế vị?…" cứ thế, cứ thế, tình tiết câu chuyện lúc dồn dập, lúc nhẹ nhàng, trầm lắng tâm sự, nhà văn - nhà báo Mai Thục đã cuốn hút người đọc ngay từ những trang đầu của Vương miện lưu đày.

Thời khắc lịch sử của câu chuyện mở ra vào khoảng tháng 9/1907, khi ấy Vĩnh San chỉ là một cậu bé nhỏ thó, gầy còmchưa đầy 8 tuổi được Thực dân Pháp chọn để lên ngôi vua sau khi vua cha Thành Thái bị phế truất, những vị vua trước đó như Dục Đức (Ưng Chân), cũng đều bị tống giam, đầu độc, bị hành hạ đến chết... Trong bối cảnh ấy, những tưởng cậu bé Vĩnh San (sau khi lên ngôi vua lấy niên hiệu là Duy Tân) sẽ trở thành bù nhìn, thành con rối thực thi những mệnh lệnh của Thực dân Pháp, theo đúng ý đồ của chúng, thế nhưng, đăng quang được 1 năm, ông vua nhỏ Duy Tân đã tỏ rõ chí khí, sự thông minh mẫn tiệp của mình. Với ý chí "Con người mất tự do là mất tất cả" (trang 37), ông vua trẻ tuổi đã biết coi rẻ ngai vàng với những vinh hoa phú quý giả tạo, cảm thông với đồng bào trong niềm xót xa, tủi nhục của nỗi hờn vong quốc. Ngài đã mật ban chiếu chỉ kêu gọi tầng lớp sĩ phu yêu nước cùng đứng dậy khởi nghĩa chống Thực dân Pháp xâm lược. Bị sa cơ, ngài vẫn không chịu khuất phục, khẳng khái nói: "Nếu tao muốn làm vua với khăn vàng, lọng vàng thì tao đã ở luôn trong hoàng cung, chớ việc gì tao phải đi đến đây làm gì? Tao chỉ muốn làm vua khi nào trên đất nước này không còn bóng một thằng tây nào nữa cả"... và chấp nhận cuộc sống lưu đày như đức vua cha Thành Thái...

Trải qua bao năm tháng, đến bây giờ, có một điệu hò trên dòng Hương Giang vẫn còn da diết lòng người:

               Chiều chiều trước bến Văn Lâu

               Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm

               Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?

               Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non!

là nhắc đến vua Duy Tân với khối sầu quốc sự.

... Vương miện lưu đày không chỉ là cứ liệu lịch sử về vua Thành Thái, Duy Tân, mà còn những số phận trong vương triều Nguyễn như các bậc quân vương như Thiệu Trị, Hàm Nghi, bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ, các phi tần mỹ nữ cùng cuộc đời nhiềuthân sĩ khác... mỗi người mỗi vẻ tạo nên một bức tranh sống động bối cảnh lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Với sự nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghiêm túc, cùng với tư duy logic, dẫn dắt câu chuyện hấp dẫn mà khoa học của một nhà báo kỳ cựu, nhà văn - nhà báo Mai Thục đã gửi tình yêu với Huế, với những vấn đề lịch sử triều đại cuối cùng ở Việt Nam qua gần 600 trang sách của Vương miện lưu đầy. Đây cũng là tác phẩm của bà trân trọng kính dâng lên cõi tâm linh nhân 50 năm ngày giỗ của đức vua Thành Thái (Mùa xuân 1954 - 2004).

Thu Hằng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vương miện lưu đày - Một cuốn truyện lịch sử đầy hấp dẫn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.