Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mừng và lo về một phim truyền hình lịch sử

HONGHAI| 04/10/2004 10:52

Những tập cuối của Ngọn nến hoàng cung đang khép lại quãng đời đầy sóng gió của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam, lần đầu tiên được thể hiện trong một phim truyền hình lịch sử dài tập.

Một cảnh trong phim

Những tập cuối của Ngọn nến hoàng cung đang khép lại quãng đời đầy sóng gió của Bảo Đại - vị vua cuối cùng của Việt Nam, lần đầu tiên được thể hiện trong một phim truyền hình lịch sử dài tập.

Mặc dù Quốc Hưng từng khẳng định "làm phim về đề tài lịch sử chứ không thể hiện lịch sử bằng phim", song có thể thấy sự nghiêm túc, cẩn trọng trong tìm kiếm, nghiên cứu tư liệu cũng như cân nhắc đưa lên phim những con người, sự kiện lịch sử của người đạo diễn trẻ này. Sự nghiêm túc ấy thể hiện trong rất nhiều khâu, từ những khâu hay bị khán giả "bắt giò" trong các phim lịch sử, dã sử trước đây như phục trang (là phim đầu tiên có nhà thiết kế phục trang riêng), cảnh trí, đạo cụ, lồng tiếng (nhân vật thuộc vùng nào thì nói tiếng của vùng ấy)... đến xây dựng hình tượng nhân vật.Bộ phim có một hệ thống nhân vật vừa đông đảo, vừa phức tạp. Xoay quanh nhân vật chính Bảo Đại có hoàng hậu, hoàng thái hậu, tình nhân, cận thần, cận vệ, đại thần, đại sứ, chính khách buôn vua, sĩ quan Tây, người của Việt Minh... Các nhân vật này lại có những mối liên hệ riêng chằng chịt khác. Quản lý được tất cả các nhân vật đó, tạo cho chúng những mối liên hệ logic thật không dễ chút nào. Vậy mà Ngọn nến hoàng cung đã làm được. Không chỉ tập trung thể hiện chân dung Bảo Đại - ông vua "thừa đa cảm nhưng thiếu bản lĩnh" như nhận xét của Thượng thư Đặng Huỳnh - bị xô đẩy giữa bao biến động của thời cuộc; một Nam Phương hoàng hậu đoan chính, sâu sắc; bà Từ Cung nghiêm khắc, xét nét nhưng nhân từ... phim còn dõi theo những thân phận nhỏ nhoi khác. Đó là thái giám Bùi Quý với khao khát hạnh phúc đời thường, là cung nữ Diệu Liên nhẫn nhịn, là anh Hiền - người hầu trung thành của Từ Cung, là cô ca kỹ Bạch Nhạn đáo để nhưng tốt bụng... Tất cả những nhân vật ấy đã góp phần phản ánh sinh động bộ mặt chính trị - xã hội một thời. Đặc biệt, nhà làm phim cũng đã thể hiện cái nhìn đầy cảm thông đối với Thượng thư Đặng Huỳnh (vốn dựa trên tư liệu về nhân vật có thật) với những toan tính riêng, nhưng đến lúc bị bắt giải đi trên đường dài, với những tâm sự cuối cùng, ông vẫn tỏ rõ cốt cách của một bậc đại trí thức. Và sự "biệt đãi" dành cho Nam Phương hoàng hậu cũng có thể thấy được khi càng về sau, Nam Phương không chỉ là cặp mắt cam chịu nhìn ông chồng "bội tín" sau bức rèm, mà thực sự như một tấm gương, một tiếng nói nội tâm hướng Bảo Đại về "con đường sáng".

Có thể nói, với Ngọn nến hoàng cung, các nghệ sĩ đã chọn cho mình lối làm phim lịch sử "kiểu Việt Nam", nghĩa là chấp nhận và tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất những sai sót, nhược điểm gây ra bởi điều kiện làm phim thiếu thốn. Phần lớn các cảnh trong phim là nội cảnh (trong cung, trong biệt điện, quán cà phê, phòng ngủ khách sạn...). Ngoại cảnh không nhiều, nếu có thì là những cảnh có thể tận dụng bối cảnh sẵn có hoặc không quá tốn kém tu sửa, dựng mới (kinh thành Huế, vườn thượng uyển ở Đà Lạt, rừng Tây Nguyên, du thuyền trên biển...). Bù lại, họ cố gắng tạo sự hấp dẫn bằng đối thoại sắc nét, những tình tiết thể hiện mâu thuẫn, kịch tính trong nội tâm nhân vật và giữa các nhân vật với nhau, xen giữa những sự kiện lịch sử khô khan là mảng đời tình ái của Bảo Đại... Hiểu như thế thì có thể nói, đoàn làm phim đã cố gắng hết sức mình để Ngọn nến hoàng cung đến được với người xem trong bộ dạng đàng hoàng, chỉn chu như đã thấy. Thế nhưng nếu ai có lạc quan mà cho rằng, từ Ngọn nến hoàng cung trở đi, chúng ta nhất định có những phim truyền hình lịch sử hay, hấp dẫn thì... còn phải cân nhắc. Bởi vì, nói thế nào thì nói, một phim lịch sử trải dài trên không gian (Huế, Đà Lạt, Hà Nội, Hồng Kông, Pháp...) và thời gian (từ khi Nhật đảo chính Pháp tháng 3/1945 đến khi Bảo Đại bị lật đổ bởi cuộc trưng cầu dân ý năm 1955 của Ngô Đình Diệm) rộng như Ngọn nến hoàng cung mà các nhân vật cứ loanh quanh ở trong phòng với ngoài vườn mãi, người xem chẳng mấy khi được nhìn thấy họ ở ngoại cảnh trong những tình huống có tính quyết định (chứ chưa nói tới đại cảnh) thì phim cũng giảm đi sự hấp dẫn. Điều này đặc biệt có thể thấy rõ qua giai đoạn Bảo Đại sống lưu vong ở Hồng Kông - hầu như không có ngoại cảnh nào cho thấy đây là đất Hồng Kông, mọi sự kiện lớn thúc đẩy diễn biến bộ phim không được thể hiện bằng hình ảnh mà chỉ được thông báo đến người xem qua đối thoại của các nhân vật, và qua rất nhiều tập khán giả cứ phải thấy bộ ba của cụ Nguyễn Hải đi đi lại lại trong căn phòng bé tẹo mà bàn chuyện quốc gia đại sự! Tất nhiên, đây không phải là lỗi của những người làm phim, nhưng... thật tiếc.

Sau Ngọn nến hoàng cung, được biết TFS đang tiếp tục đẩy mạnh làm phim lịch sử - dã sử. Đây là quyết tâm đáng quý nhằm đáp ứng nhu cầu người xem, nhưng thực sự, phim lịch sử chỉ trông chờ vào sự nghiêm túc của người làm phim thì chưa đủ, mà rất cần có sự đầu tư nâng cao khả năng tài chính cùng điều kiện làm phim cho những nghệ sĩ thực sự có tài và tâm huyết. Nếu không chúng ta chỉ có thể có những phim lịch sử - dã sử chỉn chu và thận trọng theo kiểu "bày trận nơi trướng gấm" hoặc dũng cảm và... giả tạo đến đáng ngại trong những cảnh gươm đao giáo mác.

“Ngọn nến hoàng cung thực sự gây ấn tượng, từ diễn xuất, phục trang, các chi tiết lịch sử đến cảnh trí, lồng tiếng... Tôi rất thích một số câu thoại mang đầy tính triết lý và đoạn mở đầu các tập phim với hình ảnh cậu bé có đôi mắt tròn xoe đang thả những chiếc lồng đèn trôi đi như nhắn gửi: hãy nhìn những gì đã qua của lịch sử với đôi mắt trẻ thơ bình thản, không so bì, định kiến... Trong tình hình đa số học sinh quen thuộc với những Tần Thủy Hoàng, Càn Long của Trung Quốc (qua phim lịch sử, dã sử nước này) hơn là biết lịch sử dân tộc thì Ngọn nến hoàng cung ra đời thật đúng lúc. Hy vọng đây là tiền đề để chúng ta sẽ có nhiều phim lịch sử, dã sử "made in Việt Nam" hay hơn". (huydarkangel@yahoo.com - Phan Thiết)

Phạm Thu Nga (TN)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mừng và lo về một phim truyền hình lịch sử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.