Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phố cổ lên tranh ốc

HONGHAI| 15/04/2005 08:47

Từ một ý tưởng mới, ông Lữ Ngọc Năm (Hội An) đã sáng tạo nhiều bức tranh từ vỏ ốc ruốc. Gia tài nghệ thuật của ông hiện đã có gần 60 tác phẩm. Loại ốc ruốc chủ yếu tập trung ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng - chỉ nhỏ bằng cúc áo là một món ăn dân dã và phổ biến của người dân phố cổ Hội An...

Bức Hương vị xưa về
ông lão bán chè xí mà.

Từ một ý tưởng mới, ông Lữ Ngọc Năm (Hội An) đã sáng tạo nhiều bức tranh từ vỏ ốc ruốc. Gia tài nghệ thuật của ông hiện đã có gần 60 tác phẩm.

Nghề chơi cũng lắm công phu


Loại ốc ruốc chủ yếu tập trung ở Thừa Thiên - Huế và Quảng Nam, Đà Nẵng - chỉ nhỏ bằng cúc áo là một món ăn dân dã và phổ biến của người dân phố cổ Hội An.

Những lần thấy vợ con ngồi ăn ốc, ông Lữ Ngọc Năm cứ ngắm mãi những vỏ ốc bé tí đủ mầu sắc rồi xếp chúng lên nền đất một cách ngẫu hứng, rồi trong giây phút bất chợt ông nghĩ: "Tại sao mình không dùng những con ốc này tạo nên những bức tranh?".


Ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm mang số 53/10 Phan Châu Trinh, Hội An của ông đã trở thành điểm đến của nhiều người yêu nghệ thuật và du khách. Họ tới đây để chiêm ngưỡng những bức tranh về Chùa Cầu, về Hội An được làm từ những vỏ ốc.


Ông Năm kể: Bức tranh đầu tiên là bức Chùa Cầu được làm hoàn toàn bằng số vỏ ốc của gia đình. Bức tranh hoàn thành với khổ 100x70cm, mất gần hai ang vỏ ốc (khoảng 60 lon sữa bò) mới lựa đủ số ốc có mầu sắc cần thiết và làm miệt mài trong 10 ngày liền".

Mọi người đến xem thấy đẹp và động viên ông làm thêm những bức tranh khác. Ông rất phấn chấn, nhưng tìm đủ số lượng ốc để làm tranh là cả một vấn đề ông Năm phải thu gom mua vỏ ốc ruốc, sau đó đem ra sông ngâm một ngày một đêm để tẩy rửa. Tiếp theo là phơi khô khoảng 2-3 ngày, cho vào bao cột chặt để cho hết mùi nồng của vỏ ốc rồi đem ra chọn riêng theo từng mầu, từng cỡ lớn nhỏ rồi mới có thể lên tranh. Chất liệu chính để làm tranh chủ yếu là vỏ ốc ruốc và keo dán. Cái khó nữa là các mầu chủ đạo của vỏ ốc ruốc như đen, vàng, trắng, đỏ, hồng... rất ít nên khi phối mầu phải thật tỉ mẩn, công phu, có óc sáng tạo mới có thể làm cho ra một tác phẩm.Những bức tranh ốc ông Năm làm sau này đạt đến độ tinh xảo, vừa có cái tĩnh lặng của thời gian, vừa có cái động của không gian. Đây là điều ông Năm đạt được trong quá trình làm tranh khi ông xoay ngược con ốc trong một mảng mầu sắc và đưa thêm ốc hương (loại ốc nhỏ như ốc ruốc nhưng mình dài hơn, mầu vàng, trôn xoáy nhọn) vào tranh để thể hiện những bông lúa trên cánh đồng đang trĩu nặng (bức Mùa gặt) và cành cây đang đung đưa trong gió (bức Chùa Một Cột). Cái khó của tranh ốc còn ở việc tính toán xoay chiều con ốc như thế nào cho phù hợp để tạo được sự tinh tế và cái hồn cho bức tranh. Đúng là "nghề chơi cũng lắm công phu"!

Trong số hơn 60 bức tranh ốc ông Năm đã làm, có tới 2/3 thể hiện đề tài về cuộc sống, con người phố cổ Hội An. Nhìn các bức tranh Chùa Cầu, Hẻm phố, Phố rêu, Lối xưa ... được ông thể hiện sắc nét trong từng hoạ tiết, ta không thể không cảm thấy cái tình của một người đã gắn bó gần trọn cuộc đời với nơi đây. Ông Năm cho biết: "Mầu sắc của sơn dầu, bột phấn... "ăn đứt" mầu sắc của vỏ ốc ruốc về sự đa dạng phong phú, vì điểm hạn chế của vỏ ốc là không có nhiều mầu, các mầu thẫm, tối nhiều hơn những mầu sáng". Nhưng dường như đó lại là may mắn với một người yêu phố cổ tới mức chỉ cần nhắm mắt cũng có thể hình dung rất rõ về từng góc phố, con hẻm, mái nhà.

Không chỉ thể hiện Chùa Cầu ông Năm còn đem biết bao nét riêng khác và độc đáo của Hội An vào tranh của mình. Mỗi tác phẩm chính là sự ghi lại một phần quá khứ đầy ắp kỷ niệm trong đời ông: từ gánh chè xí mà của ông già mặc đồ đen nơi góc đường, những con hẻm đầy rêu... Chính "hạn chế" của mầu vỏ ốc cùng với những ân tình của ông với phố cổ đã tạo được nét thâm trầm, chất hoài cổ, độ sâu lắng, giàu chất suy tư trong từng bức tranh.


Trong số những bức tranh của ông, bức Chùa Cầu đầu tay tuy chưa đạt tới độ nhuyễn như những bức ông làm sau này, nhưng câu chuyện về nó lại có sức hấp dẫn đặc biệt. Khi ông đã làm dược 20 bức tranh ốc, trong đó có ba bức Chùa Cầu (kể cả bức Chùa Cầu đầu tay), chủ một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Gò Vấp ra thăm Hội An và nằng nặc đòi mua bằng được bức tranh Chùa Cầu đầu tay. Ông Năm bảo rằng đây là kỷ niệm trong sự nghiệp sáng tác nên không muốn bán, vả lại trên thực tế thì hai bức Chùa Cầu làm sau đẹp hơn. Nhưng người mua thuyết phục chủ nhân nên ông đã xiêu lòng. Nhưng trong sáu tháng trời, kể từ khi bán bức tranh Chùa Cầu đầu tay, ông Năm thấy người hụt hẫng, trống vắng. Ông quyết định "hành phương nam" tìm gặp người mua bức tranh theo địa chỉ để lại để năn nỉ họ cho đổi lại bức tranh. Vậy là, sau lộ trình đầy ân tình, bức tranh Chùa Cầu đầu tay được trở về với ông Năm trong căn nhà nhỏ cuối con hẻm.


Hy vọng dự định "mở một phòng tranh riêng để trưng bày tranh ốc" của ông Lữ Ngọc Năm sớm được thực hiện để những bức tranh với chất liệu độc đáo của ông đến được với nhiều người yêu nghệ thuật và du khách trong nước, quốc tế hơn nữa!

SGTT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phố cổ lên tranh ốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.