Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chung một dòng sông” sống cùng thời gian

Hà Thu| 15/03/2011 06:50

(HNM) - "Chung một dòng sông" là bộ phim truyện nhựa đầu tiên của điện ảnh nước nhà. Nhân Ngày Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2011), Hànộimới xin ghi lại hồi ức trân trọng và xúc động về "Chung một dòng sông" của các nghệ sĩ điện ảnh những ngày đầu ấy như NSƯT Thu An, NSƯT Trịnh Thịnh, NSND Trần Phương.

NSƯT Phi Nga vai Hoài trong phim “Chung một dòng sông”.

Nhắc đến "Chung một dòng sông", NSƯT Thu An nói: "50 năm đã qua, tôi vẫn không quên được mối tình đầu với điện ảnh đó. Ngày ấy không thi tuyển diễn viên như bây giờ, mà nhìn mặt bắt hình dong, thấy giống nhân vật là được gọi vào đóng. Đóng cứ như không vậy!". "Chung một dòng sông" là câu chuyện của vợ chồng anh Vận, chị Hoài ở hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải sau Hiệp định Giơnevơ 1954, cách nhau có mấy cây số mà không được gặp nhau.

Tháng 3 năm 1959, cả đoàn làm phim từ Hà Nội vào Quảng Bình, qua sông Nhật Lệ, sang bán đảo Bảo Ninh, Đồng Hới để quay cho giống với bối cảnh đôi bờ Bến Hải. Bốn tháng quay là bốn tháng cùng ăn, ngủ, cùng đi đánh cá và sống với người dân ở xứ gió Lào cát trắng. Thiếu thốn nhưng vui! Mọi cảnh quay đều phải phụ thuộc vào thời tiết. Có những cảnh quay xong thì trời đã quá trưa, cát nóng, tạt vào mặt, vào người bỏng rát. Nhiều khi, mọi người phải cởi áo bọc chân chạy trên cát. Bà cười "Đi đâu học đấy, tôi và ông Huy Công học cách đi của người dân, cứ men theo mép biển, chỗ nước tạt lên cát".

Nghệ sĩ Thu An giờ không bán nước chè như mấy năm trước, cũng chẳng đi đóng phim nhiều nữa. Nhưng hình ảnh bà cụ với mái tóc bạc phơ ngồi giữa hàng cây mướt lá luôn gợi nhắc về một thời đầy khó khăn và tự hào của nền điện ảnh cách mạng.

NSND Trần Phương khi ấy chỉ góp mặt trong vai anh thanh niên trong đoàn người bờ Bắc đấu tranh cho dân hai bên bờ Bến Hải được đoàn tụ. Khi được hỏi về "Chung một dòng sông", đạo diễn NSND Trần Phương ngạc nhiên và hóm hỉnh đùa: "Hóa ra tôi cao số, được sống để kể về một thời làm phim hồn nhiên". Phim quay ở đôi bờ Nhật Lệ, máy móc làm phim thì dùng đò chở, còn anh em bơi theo sau. Diễn viên thì chưa qua trường lớp đào tạo, nhiều khi còn đứng quay lưng vào máy quay.

Nhắc đến NSƯT Phi Nga, đạo diễn Trần Phương rưng rưng nước mắt: "Phi Nga là diễn viên chính, vào vai chị Hoài. Cô là người con gái miền Nam có duyên, hay cười, nhỏ nhẹ, đáng yêu, diễn xuất thì vô cùng giản dị, truyền cảm, mang đậm tâm hồn phụ nữ Việt Nam".

10 năm nay, NSƯT Trịnh Thịnh không đóng phim nữa, ngày ngày thong thả đi dạo... Ông nhớ lại: Ngày đó chưa có việc làm, anh em ở xưởng đi lao động xã hội chủ nghĩa ở các nơi. Đang ở Thanh Hóa, đạo diễn Kỳ Nam gọi về đóng vai thư ký Điêu. Vậy là khăn gói vào Lệ Thủy, Quảng Bình. Đi làm phim bị địch kiểm soát, nhòm ngó nhưng vẫn thích. "Vất vả nhất là đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Không chỉ quay, ông còn phải tính toán trước bối cảnh, không gian, chỗ đặt máy, vị trí của diễn viên để hạn chế tối đa việc quay lại. Diễn viên hầu hết xuất thân từ các lĩnh vực khác, thiếu kinh nghiệm nên càng khó khăn", NSƯT Trịnh Thịnh nói.

Lớp diễn viên ngày ấy giờ có nhiều người đã ra đi như NSƯT Phi Nga đóng vai Hoài, diễn viên Ngô Nam đóng lính ngụy, ông Văn Phức đóng bố vợ bên bờ Bắc, ông Khang Hi đóng bồi bàn... Nhưng tác phẩm của họ thì vẫn sống mãi với thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chung một dòng sông” sống cùng thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.