Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày Gia đình Việt Nam: Thắp lửa yêu thương

Minh Ngọc| 26/06/2011 06:13

(HNM) - Sau 10 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định lấy ngày 28-6 hằng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, có thể thấy mỗi "tế bào" của xã hội đã khỏe khoắn hơn, văn minh hơn. Nhưng đâu đó vẫn có cảnh cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt, những đứa trẻ bị bỏ rơi... đòi hỏi mỗi người "bằng các hành động thiết thực để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững" như thông điệp của Ngày Gia đình Việt Nam năm nay.

Nói không với bạo lực gia đình (GĐ)

Kết quả điều tra về GĐ của Bộ VH,TT&DL cho thấy ở Việt Nam có tới 21,2% số cặp vợ chồng đã từng trải qua một dạng BLGĐ nào đó như đánh đập, nhục mạ hay cưỡng ép tình dục. Khi Hội LHPN Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu, ai cũng phải giật mình trước số liệu cho thấy 85,4% trẻ chưa thành niên chứng kiến cảnh BLGĐ có biểu hiện chán nản, lo lắng; 20% cảm thấy sợ hãi; 8,5% không hiểu nổi bố mẹ mình; 4,2% mất đi sự tôn trọng bố mẹ; 5,5% muốn chạy trốn hoặc bỏ nhà ra đi.

Hạnh phúc gia đình. Ảnh: Quỳnh Hoa

Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác nghiên cứu, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân số và công tác xã hội tổng kết: Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, trong đó phổ biến và đáng lên án nhất là tư tưởng trọng nam khinh nữ. Vì quan niệm này mà nhiều người đàn ông Việt tự cho mình cái quyền quyết định mọi việc, còn phụ nữ phải tề gia nội trợ, chăm sóc con cái, phải phục tùng; người đàn ông được quyền năm thê bảy thiếp, còn người phụ nữ phải "chính chuyên một chồng". Nặng nề hơn, nhiều phụ nữ không sinh được con trai nối dõi sẽ phải, hoặc là vi phạm Luật Hôn nhân GĐ để sinh cho được con trai, hoặc là phải chấp nhận kiếp chồng chung. Nếu người phụ nữ phản kháng, BLGĐ có thể xảy ra.

"Hành động thiết thực để xây dựng GĐ hạnh phúc không nhất thiết là phải kiếm nhiều tiền, xây nhà to, mua xe đẹp, cho con đi du học... Đôi khi, tùy vào mỗi nhà, sự quan tâm, chia sẻ, tôn trọng lẫn nhau, cùng nói không với bạo lực gia đình (BLGĐ)" quan trọng hơn tiền tài - chị Lê Thị Phương Thúy, Trưởng phòng Tư vấn "Ngôi nhà bình yên" dành cho phụ nữ bị BLGĐ thuộc Trung tâm Phụ nữ và phát triển nhận định. Chị Thúy cho biết thêm, mỗi năm, "Ngôi nhà bình yên" đón hàng nghìn lượt nạn nhân đến tham vấn và hàng trăm người đến trú ngụ do không thể chịu đựng hơn được nữa hành vi bạo lực của người thân.

"Đầu bảng" là GĐ có hai con gái

Trong quá trình thâm nhập thực tế, PGS-TS Hoàng Bá Thịnh đã chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện BLGĐ khiến ông không khỏi rơi nước mắt. Trường hợp của chị H. ở huyện Vụ Bản (Nam Định) là một ví dụ điển hình. Chị H. xây dựng GĐ với anh Đ. từ năm 1985 và có với nhau 7 mặt con (5 gái, 2 trai) nhưng không may hai đứa con trai của anh chị bị chết yểu. Mất con trai, khao khát có người nối dõi tông đường khiến anh Đ. quẫn chí, đổ cho vợ tội sát chồng, sát con trai và tra tấn vợ như thời trung cổ. Anh ta đổ than nóng, đổ dầu lên người vợ và đốt. Người vợ nhiều lần chết đi sống lại nhưng anh chồng vũ phu vẫn chưa thỏa mãn, anh ta bắt chị H. phải ký vào giấy cam kết từ mặt bố mẹ đẻ, anh chị em ruột, không cho gặp con...

Câu chuyện trên là một ví dụ cho thấy tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn nặng nề trong nhiều GĐ Việt Nam, nhất là ở vùng nông thôn. Chẳng ai cấm đoán mơ ước có con trai nối dõi, nhưng mơ ước thái quá dẫn đến BLGĐ, dẫn đến mức chênh tỷ số giới tính khi sinh 111 bé trai/100 bé gái như hiện nay là nguyên nhân khiến hàng triệu đàn ông Việt Nam khó tìm vợ trong tương lai không xa.

Theo một nghiên cứu đối với 2.116 GĐ có hai con nhỏ trở lên, do các nhà khoa học Anh thực hiện, được công bố trên trang web "bounty.com" vào tháng 4 vừa qua thì mô hình GĐ hạnh phúc nhất lại là GĐ có hai con gái. Những GĐ có hai con gái rất ít khi xảy ra sự to tiếng, cãi lộn do con gái sớm hiểu lý lẽ, biết giúp đỡ bố mẹ việc nhà, biết tự bảo ban, giúp đỡ lẫn nhau từ nhỏ cho tới lớn. Cơ cấu 1 trai 1 gái và 2 trai lần lượt xếp thứ 2 và 3 trong "bảng xếp hạng" GĐ hạnh phúc. Càng nhiều con, hạnh phúc GĐ càng giảm.

Xây dựng văn hóa GĐ

GĐ hạnh phúc hay không phụ thuộc vào nhận thức, hành động của mỗi thành viên. Sự nhận thức có thể được trao truyền từ đời này sang đời khác, do học hỏi, tích lũy, nhưng dù bằng cách nào thì sách, báo cũng góp phần quan trọng. Bởi vậy, nhân Ngày GĐ Việt Nam năm nay, Bộ VH,TT&DL phát động chương trình xây dựng tủ sách GĐ để cả xã hội cùng học tập, nâng cao tri thức, điều chỉnh hành vi.

Thực tế đã chứng minh, tủ sách GĐ của Phạm Đức Dương (Hà Nội) với 10.398 cuốn, hay tủ sách nhà ông Bùi Đình Thăng (Hưng Yên) với hơn 9.014 đầu sách được hình thành hàng chục năm nay không chỉ góp phần cung cấp tri thức cho các thành viên GĐ mà còn giúp ích cho cộng đồng. Nhà nghiên cứu và dịch thuật Bùi Văn Nam Sơn nói, ông mang ơn tủ sách của GĐ. Nhờ có nó, năm 12 tuổi ông mới có cơ hội khám phá cuốn sách viết về triết học Decartes và hiểu ra ở đời còn có một thế giới khác vô cùng bí hiểm. Để rồi hơn 50 năm sau, Bùi Văn Nam Sơn là người đầu tiên dịch thành công trọn vẹn bộ "Phê phán" nổi tiếng của Kant - một trong những bộ sách quan trọng nhất trong gia tài tri thức của nhân loại.

Cùng với việc định hướng cho các GĐ nuôi dưỡng tâm hồn các thành viên bằng việc làm đơn giản nhưng thiết thực như xây dựng tủ sách, ngành văn hóa còn tiếp tục xây dựng mô hình GĐ văn hóa với các tiêu chí ngày càng khắt khe nhằm hướng tới hạnh phúc bền vững của các GĐ. Hiện cả nước có trên 80% số hộ GĐ đạt danh hiệu GĐ văn hóa…

Nhà nước đã, đang và sẽ có những hành động thiết thực để chăm lo cho hạnh phúc từng GĐ, song ngọn lửa yêu thương có sáng lên trong mỗi GĐ hay không trước hết phụ thuộc vào bản thân mỗi người trong GĐ đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày Gia đình Việt Nam: Thắp lửa yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.