Theo dõi Báo Hànộimới trên

Triệu Thị Hà trở thành Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2011

Hoàng Lân| 11/12/2011 01:49

(HNMO) - Cô gái dân tộc Nùng - Triệu Thị Hà (SBD 13) đã vượt qua 59 thí sinh để đăng quang ngôi vị Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 2.

3 ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Từ trái qua phải: Á hậu 2 Sơn Thị DuRa, hoa hậu Triệu Thị Hà, Á hậu 1 Phạm Thị Thanh Tuyền


* 3 ngôi vị đều xứng đáng

Ở đêm chung kết, các thí sinh trải qua 3 phần thi: Trang phục áo dài, Trang phục dân tộc, trang phục bikini. Sau đó BTC chọn ra top 15 thi trang phục dạ hội, và top 6 thi ứng xử.

Ngay từ những ngày đầu vòng chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ 2 diễn ra, Triệu Thị Hà đã khá nổi bật trong rừng nhan sắc đến từ các tỉnh thành. Nét dịu dàng trên khuôn mặt và sự thật thà của cô gái dân tộc Nùng đã lập tức ghi điểm. Nếu như chứng kiến những vòng thi trước đó có thể thấy Triệu Thị Hà thay đổi khá nhanh. Từ một cô gái còn dè dặt lần đầu tiên đi thi nhan sắc, cô đã dần lấy được sự tự tin khi trình diễn trước đám đông.

Giây phút đăng quang của Triệu Thị Hà. Cô được Trưởng BTC Đoàn Thị Kim Hồng và Hoa hậu Dân tộc 2007 Hoàng Thị Nhung trao vương miện


Đêm chung kết Triệu Thị Hà tỏa sáng và có phần ứng xử khác biệt khi hát một đoạn bài hát trong dân ca của dân tộc mình. Ở phần thi này, các thí sinh trả lời 1 câu hỏi chung của BGK: “Giới thiệu nét đặc sắc về bản sắc văn hoá dân tộc mình”. Triệu Thị Hà trình bày ngay một bài hát của dân tộc mình và nói rằng cô muôn giới thiệu làn điệu truyền thống này đến tất cả mọi người. Chọn cách trả lời khác lạ, thông minh, Triệu Thị Hà xứng đáng đăng quang ngôi vị Hoa hậu. Tân Hoa hậu Dân tộc năm nay 19 tuổi, hiện đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh Thái Nguyên.

Á hậu 1 là cô gái Phạm Thị Thanh Tuyền, cô sinh viên trường Cao đẳng Cộng đồng Hải Phòng, người đã vẽ rất đẹp bức tranh bằng than củi rất tuyệt vời trong phần thi tài năng vừa qua. Ở phần thi ứng xử, Thanh Tuyền đã nói về Lễ hội chọi trâu nổi tiếng của quê hương mình. Danh hiệu Á hậu II thuộc về cô gái Sơn Thị DuRa, dân tộc Khơ me, người có chiều cao rất đáng chú ý là 1m73,5. Ở phần thi ứng xử, DuRa giới thiệu về hệ thống chùa của phum sóc, cách nói chuyện bằng tiếng dân tộc trong phum sóc, phong tục đi chùa thường xuyên của dân tộc Khơ me.

Triệu Thị Hà khi đăng quang Hoa hậu Dân tộc VN 2011


3 cô gái còn lại trong top 6 ứng xử gồm có: Đặng Thị Thuỳ Dung (SBD 07), Phạm Thị Minh Nguyệt (SBD 40), H’ Ăng Niê (SBD 42). Trong số này, tiếc cho H’ Ăng Niê, cô gái được giải có thân hình đẹp nhất đã không gặp may mắn. Tuy nhiên, với kết quả chung cuộc, top 3 của cuộc thi phần nào cũng khiến người xem hài lòng.

Top 15 của cuộc thi gồm: H’ Ngăc Byă (SBD 05) dân tộc Ê Đê, Đặng Thị Thuỳ Dung (SBD 07) dân tộc Kinh, Sơn Thị DuRa (SBD 09) dân tộc Khơ me, Nguyễn Thị Thu Hà (SBD 11) dân tộc Kinh, Triệu Thị Hà (SBD 13) dân tộc Nùng, Huỳnh Thị Ngọc Hân (SBD 14) dân tộc Kinh, Kră Jăn Loen (SBD 32) dân tộc Cơ Ho, Mai Hà Ngân (SBD 37) dân tộc Tày, Phạm Thị Minh Nguyệt (SBD 40) dân tộc Kinh, H’ Ăng Niê (SBD 42) dân tộc Ê Đê, Lê Thị Như Quỳnh (SBD 48) dân tộc Mường, Nguyễn Phạm Ly Sang (SBD 49) dân tộc Kinh, Hà Thị Minh Thu (SBD 51) dân tộc Thái, Phạm Thị Thanh Tuyền (SBD 58) dân tộc Kinh và Trương Thị Hải Vân (SBD 59) dân tộc Bana.

Các giải phụ của cuộc thi


* Rực rỡ sắc màu văn hóa

Phải thừa nhận, đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam lần thứ 2 được thiết kế khá đẹp mắt và khoa học với hiệu ứng ánh sáng, hình ảnh chiếu trên màn hình và các tiết mục văn nghệ đều diễn ra khá hài hòa.

Không có được không gian tự nhiên của mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng- thành phố Đà Lạt- như ở cuộc thi lần trước, thiếu vắng đi hơi lạnh của nước Hồ Xuân Hương, của thác Pren… nhưng không gian của núi rừng, cảm giác đậm đặc của văn hoá truyền thống Tây Nguyên dường như vẫn không thiếu đi trong đêm chung kết, với sự hiện diện của ngôi nhà Rông, những ngọn núi trập trùng và ba chiếc gùi lớn với những đoá hoa rực rỡ đủ sắc màu.

Hình ảnh trong đêm chung kết khi các thí sinh trình diễn trang phục dạ hội


Trong một không gian khá hẹp, nhưng đạo diễn đã có sự sắp xếp, thiết kế hợp lý để đưa vào những hình ảnh rất đặc trưng của các dân tộc Việt Nam. Sân khấu đêm chung kết được thay đổi liên tục và đẹp mắt với hàng loạt hình ảnh về quê hương, đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc đến Nam được giới thiệu lần lượt trên màn hình.

Khi thì khán giả được xem cảnh dòng thác nước, những thuở ruộng bậc thang của núi rừng Tây Bắc, lúc lại là một hồ sen thơ mộng, lãng mạn; có khi lại thấy sự sôi động, hiện đại của thành phố Hồ Chí Minh. Một điều thú vị là toàn bộ sân khấu cũng được thiết kế như những thuở ruộng bậc thang để các thí sinh trình diễn trên đó, tạo nên hiệu ứng khá bắt mắt cho người xem.

Triệu Thị Hà trong phần trình diễn bikini


Các màn biểu diễn của thí sinh cũng được căn ke hợp lý, đủ để thí sinh có thời gian trình diễn trang phục áo dài, khoe những bộ trang phục độc đáo dân tộc mình, trình diễn những bộ bikini bốc lửa và thể hiện nét dịu dàng, sang trọng trong bộ đồ dạ hội.

Những tiết mục văn nghệ biểu diễn xen kẽ trong chương trình cũng được tính toán khá kỹ, hợp lý mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc, truyền thống xen lẫn hiện đại. Màn múa Lạc Long Quân- Âu Cơ mở đầu chương trình để chào đón 60 thí sinh trong trang phục áo dài và áo truyền thống. Sự góp mặt của ca sĩ Thu Minh trong ca khúc sôi động và gợi cảm – “Đường cong” cũng hợp lý ở màn trình diễn bikini của thí sinh. Hay sự xuất hiện sau đó của ca sĩ Hồ Trung Dũng cùng vũ đoàn và ca sĩ Quang Linh trong làn điệu dân ca đã mang đến một không gian nghệ thuật nhiều màu sắc cho người xem. Nếu xét về yếu tố nghệ thuật, thì đêm chung kết và đăng quang cuộc thi phần nào khiến khán giả mãn nhãn và hài lòng.

Phần thi trang phục truyền thống


Cuộc thi nào diễn ra cũng khó lòng đáp ứng được hết mong mỏi của tất cả khán giả, bởi suy cho cùng sở thích, thẩm mỹ của từng đối tượng công chúng là khác nhau. Ở cuộc thi Hoa hậu các Dân tộc Việt Nam, điều lớn nhất mà cuộc thi mang lại, đó là tạo một không gian văn hóa đa màu sắc để các người đẹp dân tộc có cơ hội thể hiện, quảng bá nét đẹp của dân tộc mình. Công chúng qua đó cũng có thêm hiểu biết về cuộc sống, nét sinh hoạt của 54 dân tộc anh em đang sinh sống. Ý nghĩa thắt chặt tình đoàn kết dân tộc đã khiến cuộc thi trở nên đặc biệt và thu hút sự quan tâm của công chúng ngày một nhiều hơn.

Các danh hiệu và giải thưởng của cuộc thi

Triệu Thị Hà (SBD 13) dân tộc Nùng- Hoa hậu
Phạm Thị Thanh Tuyền (SBD 58) dân tộc Kinh- Á hậu I
Sơn Thị DuRa (SBD 09) dân tộc Khơ me- Á hậu II

- Phạm Thị Minh Nguyệt (SBD 40) dân tộc Kinh- Người đẹp TP.HCM
- Đặng Thị Thuỳ Dung (SBD 07) dân tộc Kinh- Người đẹp thân thiện
- H’ Ăng Niê (SBD 42) dân tộc Ê Đê- Người có thể hình đẹp nhất
- H’ Ngăc Byă (SBD 05) dân tộc Ê Đê- Người có mái tóc đẹp nhất.
- Nguyễn Thị Thu Hà (SBD 11) dân tộc Kinh- Người có gương mặt đẹp nhất
- Huỳnh Thị Ngọc Hân (SBD 14) dân tộc Kinh- Người đẹp du lịch
- Kră Jăn Loen (SBD 32) dân tộc Cơ Ho- Người đẹp có giọng hát hay nhất
- Mai Hà Ngân (SBD 37) dân tộc Tày- Người có làn da đẹp nhất
- Lê Thị Như Quỳnh (SBD 48) dân tộc Mường- Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất.
- Nguyễn Phạm Ly Sang (SBD 49) dân tộc Kinh- Người đẹp tài năng nhất
- Hà Thị Minh Thu (SBD 51) dân tộc Thái- Người đẹp Áo dài
- Trương Thị Hải Vân (SBD 59) dân tộc Bana- Người có nụ cười đẹp nhất
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Triệu Thị Hà trở thành Hoa hậu Dân tộc Việt Nam 2011

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.