Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đôi điều về duyệt phim

Người Lái Đò| 12/02/2012 07:55

(HNM) - Tính đến ngày 30-1-2012, nhà sản xuất phim Phước Sang đã công bố doanh thu  phim "Hello cô Ba" do hãng này sản xuất đạt 25 tỷ đồng, đứng đầu các phim chiếu trong dịp Tết Nhâm Thìn 2012. Không biết đây là con số thực hay là chiêu PR thu hút khán giả cho những ngày chiếu tiếp theo. Tuy nhiên, nếu đúng như vậy thì nhà sản xuất đã thành công, song ngược lại phải đặt ra vấn đề điện ảnh với thị hiếu khán giả và câu chuyện duyệt phim.

"Hello cô Ba" được nhiều báo đánh giá là phim "hài nhảm" bởi nó là sự ghép nối các màn tấu hài trên một cốt truyện sơ sài. Để thu hút khán giả, nhà sản xuất đã mời hàng loạt các diễn viên "có tiếng" tham gia như một bảo đảm phim không lỗ. Trên báo điện tử Vnexpress ngày 21-1-2012 đã dẫn lại lời nhà sản xuất Phước Sang khi ông từng khẳng định: "Làm phim hài, nhất là phim mùa Tết, chúng tôi đã xác định ngay từ đầu đối tượng khán giả của mình là đại chúng. Vì vậy, nếu có một vị giáo sư hoặc một nhà phê bình nào lỡ mua vé vào rạp rồi sau đó thấy phim nhảm, mì ăn liền thì đó là việc ngoài tiên liệu của chúng tôi". Như thế nghĩa là điện ảnh được sử dụng chỉ để làm phương tiện kinh doanh? Phim không cần có giá trị nội dung hay nghệ thuật?

Lại nhớ đến nhiều phim giải trí khác, sở dĩ nó kéo được một lượng khán giả bình dân vì người ta đến rạp để xem "đào, kép" mà họ thích chứ không phải đi xem phim. Nhà sản xuất có quyền làm ra những sản phẩm như vậy nhưng nó được phép ra rạp hay không là do hội đồng duyệt.

Từ nhiều năm nay, việc duyệt phim truyện nhựa trong nước luôn làm đau đầu nhà sản xuất. Vì sự "an toàn" cho họ, từng có phim phải quay lại nhiều cảnh. Chính vì thế các hãng phim tư nhân không chọn các đề tài "nhạy cảm" dù họ có trong tay kịch bản hay, họ chỉ chọn các đề tài với nội dung giải trí, không cần ý nghĩa xã hội, giá trị nghệ thuật để không phải quay lại và dễ dàng được cấp giấy phép phát hành.

Việc khắt khe khi duyệt các phim chuyển tải các vấn đề của đời sống xã hội hôm nay và ở chừng mực nào đó đang dễ dãi với các phim giải trí có phải sẽ gián tiếp ảnh hưởng tới thị hiếu người xem? Và như thế, bao giờ điện ảnh Việt sẽ thực hiện giấc mơ có tên trên bản đồ điện ảnh thế giới?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đôi điều về duyệt phim

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.