Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc lập, Tự do: Sợi chỉ hồng trong thơ Bác

Lê Xuân Đức| 02/09/2012 07:26

(HNM) - Những năm tháng Bác Hồ hoạt động ở nước ngoài, tìm đường cứu nước, những chữ Độc lập, Tự do xuất hiện trong nhiều bài thơ, bài ca của Bác đã thể hiện một khát vọng thật lớn lao, một ước mơ thật cháy bỏng của Người…

Độc lập, Tự do đối với Bác là cả một quá trình nhận thức, một quá trình thực hiện. Tại hội nghị Đảng Xã hội Pháp, sau khi bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế, ông Nguyễn đã nói với người đảng viên, nữ chiến sĩ Rônơ, chuyên ghi tốc ký trong các hội nghị của Đảng: Tôi không hiểu chị nói thế nào là chiến lược, chiến thuật và nhiều điểm khác. Nhưng tôi hiểu rõ một điều Đệ tam Quốc tế rất chú ý đến vấn đề giải phóng thuộc địa. Đệ tam Quốc tế sẽ giúp đỡ các dân tộc bị áp bức giành tự do và độc lập. Còn Đệ nhị Quốc tế không hề nhắc đến vận mạng các thuộc địa. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành Đệ tam Quốc tế. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu.

Khi đã có hướng đi, Bác tìm cách sang Liên Xô, rồi về Quảng Châu (Trung Quốc) và lần về Tổ quốc. Trước khi rời Paris đi Mátcơva, Bác để lại một bức thư dài cho các đồng chí làm việc với Bác trong tòa báo Người cùng khổ, cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp thuộc địa tại Pháp: Mặc dù chúng ta là những người khác giống, khác nước, khác tôn giáo, chúng ta đã thân yêu nhau như anh em, chúng ta chung một nỗi đau khổ: Sự bạo ngược của chế độ thực dân, chúng ta tranh đấu cho lý tưởng chung: Giải phóng đồng bào chúng ta và giành độc lập cho Tổ quốc chúng ta. Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng: Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do, độc lập.

Về nước, Bác đã làm đúng như đã nói. Ngoài những Lời hiệu triệu, Thư gửi đồng bào, Bác viết một loạt bài ca: Khuyên thanh niên học quân sự, Ca dân cày, Ca phụ nữ, Kêu gọi thiếu nhi, Ca công nhân, Ca binh lính, Ca tự vệ, Ca sợi chỉ, Mười chính sách của Việt Minh, Bài ca du kích nhằm giải thích, cắt nghĩa nguyên nhân vì sao nô lệ, lầm than; động viên, cổ vũ mọi người, mọi tầng lớp quyết tâm thực hiện mục đích cao cả đã được xác định. Bài Thơ đề tranh báo Việt Nam độc lập vang lên lời kêu gọi khẩn thiết Việt Nam độc lập thổi kèn loa / Kêu gọi dân ta trẻ lẫn già / Đoàn kết vững bền như khối sắt / Để cùng nhau cứu nước Nam ta. Nghĩa là không còn dừng ở khát vọng mà thực sự bắt tay thực hiện khát vọng. Độc lập, Tự do đang đứng trước vận hội lớn gắn liền với Tổ quốc hiện tại, với mỗi nhà, với mọi người, trở thành lý tưởng chung của thời đại Lửa cách mạng sáng choang bờ cõi, Chiếu lên cờ độc lập, tự do (Nhóm lửa). Toàn dân tộc ta đã vùng lên làm cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi và ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Khát vọng đã thành hiện thực, một kỷ nguyên mới của nước ta đã mở ra - kỷ nguyên độc lập, tự do. Bác mừng, cả dân tộc vui mừng nhưng không chủ quan. Bởi thế, những bài thơ Bác viết ở thời điểm này lời mừng rất kín đáo, Bác dùng Lời chúc vừa truyền thống, vừa có ý nhắc nhở mà lại rất tự nhiên: Độc lập đầy vơi ba chén rượu,/ Tự do vàng đỏ một rừng hoa./ Muôn nhà chúc tết xuân dân chủ,/ Cả nước hoan nghênh phúc cộng hòa./ Ta chúc nhau rồi ta nhớ chúc,/ Những người chiến sĩ ở phương xa./ (Tặng Báo Quốc gia).

Chẳng bao lâu, chỉ sau khi Nam bộ giành chính quyền chưa đầy 30 ngày, toàn dân tộc ta buộc phải tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, rồi tiếp đến kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đằng đẵng suốt 30 năm. Trong những năm kháng chiến, xây dựng và đấu tranh thống nhất đất nước, cứ mỗi năm mới đến, Bác đều có thơ chúc Tết đồng bào cả nước. Tinh thần chủ đạo của những bài thơ chúc Tết là kêu gọi: Toàn dân đại đoàn kết,/ Cả nước dốc một lòng;/ Thống nhất chắc chắn được,/ Độc lập quyết thành công./ (Thơ chúc Tết Mậu Tý - 1948).

Những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vào giai đoạn quyết định, thơ Bác như lời hịch thiêng liêng cổ vũ quân và dân ta xốc tới giành thắng lợi hoàn toàn: Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào./ Tiến lên! chiến sĩ, đồng bào!/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn.

Thơ Bác là biểu hiện sinh động tư tưởng độc lập, tự do. Tự do trong thơ Bác có nhiều hàm nghĩa, Tổ quốc tự do, dân tộc tự do và tự do của mỗi người. Đằng sau hai chữ tự do là cả một quá trình, ẩn tàng một sức nặng, một sự nhạy cảm và thiêng liêng. Mất tự do là mất tất cả. Từ những trải nghiệm, chứng kiến nỗi đau của những người cùng khổ ở khắp các châu lục đến nỗi đau riêng của bản thân, Bác tự rút ra, tự đúc kết như châm ngôn trong những câu thơ: Trên đời nghìn vạn điều cay đắng,/ Cay đắng chi bằng mất tự do./ (Cảnh binh khiêng lợn cùng đi). Đau khổ chi bằng mất tự do. (Bị hạn chế).

Muốn độc lập, tự do chỉ có con đường đấu tranh và chiến thắng các lực lượng bạo tàn. Bác là người tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh quyết liệt vì mục tiêu đó với cái nhìn biện chứng. Trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, Bác gói gọn trong một câu giản dị Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Câu nói đó đã trở thành chân lý, cổ vũ cho mọi hành động cách mạng của mỗi người, của toàn dân tộc, của những lực lượng, của các dân tộc đấu tranh cho độc lập, tự do.

Rõ ràng, Vì độc lập, vì tự do - từ khát vọng, đến lý tưởng đã trở thành chân lý phổ biến. Đó cũng là sợi chỉ hồng xuyên suốt trong toàn bộ thơ ca của Bác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Độc lập, Tự do: Sợi chỉ hồng trong thơ Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.