Theo dõi Báo Hànộimới trên

Độc đáo một khu vườn

Đỗ Vượng| 09/09/2012 07:48

(HNM) - Giữa vùng đất mà mỗi khi nhắc tới, người ta chỉ nghĩ đến lúa gạo, cây trái (tỉnh Long An), lại có hàng loạt công trình kiến trúc nổi tiếng như chùa Một Cột, điện Kremlin, tháp Eiffel… được tái hiện.

Các phiên bản công trình kiến trúc thế giới trong vườn nhà ông Tâm.


Chùa Một Cột giữa miệt vườn

Long An là một tỉnh thuộc vựa lúa gạo, trái cây Đồng bằng sông Cửu Long, cách xa Hà Nội gần 2.000km. Nên khi nghe có chùa Một Cột ở đây, sự ngạc nhiên đã thôi thúc chúng tôi tìm đến khu vườn nhà ông Lê Thanh Tâm tại phường 4, TP Tân An ( tỉnh Long An). Chỉ một điều tiếc nuối, ông Tâm đã mất năm 2010. Tuy nhiên khi bước vào "khu vườn kỳ lạ" rộng khoảng 300m2, chúng tôi đã sững sờ bởi không chỉ có phiên bản chùa Một Cột mà còn hơn 200 công trình lớn nhỏ được tái hiện như thật đang được gia đình ông nâng niu gìn giữ.

Chùa Một Cột - biểu tượng ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội đã được ông Tâm xây dựng trang trọng ở phía đông của khu vườn. Phiên bản này nhỏ hơn nguyên bản, với chiều cao khoảng 1,5m, rộng hơn 1m, chân cột được đúc vĩnh cửu bằng bê tông… Con trai trưởng của ông Tâm là Nguyễn Thành Long cho hay, năm 1988, trong chuyến ra thăm Hà Nội, ông Tâm bị mê hoặc bởi chùa Một Cột. Trở về nhà, chỉ với tấm ảnh trong tay, ông Tâm đã quyết xây cho riêng mình biểu tượng đó ngay tại khu vườn của gia đình. Một tháng trời cặm cụi tích cóp mua từng chút xi măng, sắt thép, ngôi chùa đã hoàn chỉnh trước con mắt ngạc nhiên của con cháu cũng như hàng xóm. "Long An là vùng đất chiêm trũng, người dân còn nghèo. Trong khi đó gia đình mình có chút điều kiện, được đi đây đi đó, nên cha xây công trình này để những ai không có điều kiện ra thăm Hà Nội thấy được phần nào hình ảnh Thủ đô!". Ông Long thuật lại với chúng tôi lời người cha mình!

Phiên bản chùa Một Cột.

Tháp Eiffel, điện Kremlin nơi ruộng đồng…

Cũng với tâm niệm để người nghèo được mở mang, ông Tâm còn xây dựng trên khu vườn phiên bản Ngọ Môn của cố đô Huế, rồi tháp Chàm của Ninh Thuận, chợ Bến Thành… để liên tưởng về cuộc hành trình một thời cha ông đi mở cõi. Chưa dừng lại, từ các bức hình, ông còn xây cả phiên bản điện Kremlin, tháp Eiffel, tượng Nữ thần Tự do, Vạn Lý Trường Thành…

Những công trình đó khiến đến cả "Tây" cũng phải trầm trồ. Khi chúng tôi đang trò chuyện thì một đoàn khách nước ngoài tới thăm khu vườn. Đột nhiên một vị khách nước ngoài thốt lên "Eiffel, Eiffel!". Mọi người xúm lại nhìn theo hướng tay chỉ của vị khách kia rồi cùng ồ lên thích thú và thay phiên nhau chụp ảnh làm kỷ niệm. Không lạ sao được khi trong khuôn viên khu vườn, trên nóc nhà người nông dân Việt Nam lại có phiên bản tháp Eiffel của nước Pháp xa xôi.

"Do điều kiện không cho phép nên gia đình tôi chưa được đi đây đi đó. Mỗi khi nhớ hay thích xem những hình ảnh về Hà Nội, về thế giới… tôi và con cháu lại ghé vô vườn nhà ông Tâm. Mai mốt có điều kiện nhất định cả gia đình tôi phải ra để thăm lăng Bác, chùa Một Cột, Hồ Tây, Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nhiều tiền nữa sẽ đi ngắm tháp Eiffel". Bà Đỗ Thùy Trâm, người hàng xóm ông Tâm nói với chúng tôi đầy ao ước!

Anh Hồ Minh Mẫn, một lái xe ôm ở phường 4 TP Tân An cho hay, hằng ngày có rất nhiều người hỏi thăm, nhờ anh chỉ đến khu vườn. Có người từ Bến Tre, Cà Mau đi hàng trăm cây số lên chiêm ngưỡng chùa Một Cột, cầu Thê Húc, tháp Eiffel…

Xem cuốn sổ tay được giữ gìn cẩn thận từ năm 1989 mà ông Long đưa, tôi thấy dòng bút tích quý giá của nguyên Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ghi ngày 29-9-2007: "Bằng bàn tay vàng, bác Thanh Tâm đưa những kỳ quan của thế giới, tiêu biểu cho năm châu về trong một khuôn viên không lớn, để ai đến đây đều có thể ngắm những công trình tiêu biểu mà thế giới thường chiêm ngưỡng trong mấy phút". Một bút tích khác của nhà thơ Nguyễn Đình Thi ngày 8-3-1996: "Xin cảm ơn chủ nhân vườn Thanh Tâm, người đã đem tấm lòng sáng tạo nên cái đẹp quý cho chúng tôi được thấy ngày nay và được như trở về giữa cái đẹp lạ không cùng của tự nhiên".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo một khu vườn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.