Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trông chờ ở sự ý thức

Hoàng Lân| 20/09/2012 18:22

(HNMO) – Những tụ điểm biểu diễn ở vùng ngoại ô, xa trung tâm thành phố sẽ dễ xảy ra tình trạng quảng cáo “treo đầu dê bán thịt chó” khiến cơ quan quản lý khó kiểm soát hơn...



Ông Nguyễn Quốc Chiêm, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn Hà Nội có 24 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó Hà Nội chiếm 6 đơn vị, trung ương là 11 đơn vị, vì thế hoạt động biểu diễn ngày càng sôi động và cũng nảy sinh nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý. Ông Chiêm thừa nhận, ở những tụ điểm đông người và xa trung tâm thành phố, nếu đơn vị tổ chức biểu diễn không chuẩn bị kỹ sẽ rất dễ xảy ra tình trạng gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng giao thông, mập mờ trong quảng cáo rao vặt, gây ra việc quảng cáo “treo đầu dê bán thịt chó”. Đã có không ít lần, Sở VHTT&DL phải giải quyết hậu quả của những chương trình quảng cáo sai sự thật diễn ra trên địa bàn.

Chương trình "Vũ điệu đường cong" vi phạm vì quảng cáo phản cảm, không đúng nội dung xin phép


Một trong những nguyên nhân gây khó đối với cơ quan quản lý ở Hà Nội là nhiều chương trình Sở VHTT&DL Hà Nội không cấp phép trực tiếp mà chỉ tiếp nhận giấy phép biểu diễn của đơn vị tổ chức nên không kiểm soát được hết nội dung chương trình. Gần đây nhất là chương trình “Vũ điệu đường cong” gây phản ứng dữ dội trong dư luận vì quảng cáo phản cảm, sai với nội dung cấp phép với dòng chữ: “Không dành cho trẻ em dưới 18 tuổi và phụ nữ đoan trang”. Chương trình này do Cty cổ phần Truyền thông và sự kiện Hiệp hội Ca sĩ Việt Nam xin cấp phép tại Sở VHTT&DL Thanh Hóa nhưng lại mang chương trình ra Hà Nội và Hải Phòng biểu diễn. Sở VHTT&DL Hà Nội và Hải Phòng chỉ có thể tiếp nhận giấy phép biểu diễn nên dù muốn hay không vẫn để cho chương trình diễn ra trên địa bàn.

Cũng vì những bất cập tồn tại khá lâu này, ông Chiêm cho biết, đã kiến nghị với Bộ VHTT&DL cho phép cơ quan quản lý địa phương có đơn vị xin biểu diễn được cấp phép bằng văn bản chứ không chỉ tiếp nhận giấy phép.

Một thực trạng diễn ra trong hoạt động biểu diễn trên địa bàn Hà Nội là nhiều huyện xa trung tâm gặp khó khăn khi đón tiếp các đơn vị đến địa bàn biểu diễn. Đại diện huyện Đan Phượng than thở rằng, Sở VHTT&DL Hà Nội nên có kế hoạch phân bổ hợp lý các đoàn nghệ thuật về địa phương để mật độ không quá dày và công chúng cũng được xem đa dạng các loại hình nghệ thuật hơn. Vị này cho biết, có thời điểm huyện tiếp liên tục 3 – 4 đoàn chèo hoặc xiếc. Nhiều chương trình công lập về huyện tổ chức dù có bán vé nhưng nội dung quá sơ sài, chưa kể có những đơn vị yêu cầu phải có sân khấu nên dù kinh phí khá eo hẹp huyện vẫn phải chi ra 3 đến 5 triệu đồng để hỗ trợ đoàn.

Những bất cập trong hoạt động biểu diễn chuyên nghiệp và không chuyên trên địa bàn Hà Nội rõ ràng vẫn còn có khá nhiều vấn đề cần giải quyết. Vì thế, theo như lời ông Phạm Đình Thắng, Phó Cục trưởng Cục NBTD, mặc dù những chương trình do Sở VHTT&DL Hà Nội cấp phép ít xảy ra sai phạm nhưng cơ quan quản lý văn hoá của Hà Nội cần phải tăng cường quản lý và có nhiều việc làm kiên quyết hơn nữa để hoạt động biểu diễn tại Hà Nội đạt hiệu quả.

* Quảng cáo, rao vặt ngày càng biến tướng

Hoạt động quảng cáo, rao vặt cũng được nhắc đến trong Hội nghị triển khai chỉ thị 65/CT – BVHTTDL như một “vấn nạn” mà cơ quan quản lý Hà Nội đang tập trung giải quyết. Theo ông Phạm Thanh Phong, Chánh Thanh tra Sở VHTT&DL Hà Nội, vi phạm quảng cáo, rao vặt hiện nay “nặng” nhất là việc phát tờ rơi và treo phướn.

Việc phát tờ rơi vi phạm quy định về quảng cáo


Nhiều đơn vị tổ chức đã “lách” luật quảng cáo bằng cách in nhiều tờ rơi rồi cho người phát tán ở các ngã tư đông người qua lại, gây mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tới giao thông công cộng. Hoạt động treo phướn lại có vẻ tinh vi hơn, cứ thứ 7 và chủ nhật khi cơ quan quản lý nghỉ làm thì các đơn vị cho người giăng phướn ở những góc khuất của khu phố, đến thứ 2 đầu tuần cho người dỡ xuống để che mắt cơ quan quản lý. Hành động này chẳng khác nào thách thức cơ quan quản lý nhưng vì lợi nhuận, nhiều đơn vị vẫn cứ làm.

Không những vậy, theo ông Phong, nhiều đơn vị tổ chức đang làm sai quy định về quảng cáo khi cho xe lưu động, hoặc taxi, thậm chí là xe máy chạy luồn lách trong các khu phố rao quảng cáo bằng loa đài, gây ồn ào khu dân cư. Ông Phong chỉ đích danh đơn vị hay vi phạm nhất là Liên đoàn Xiếc Việt Nam, nhiều lần cơ quan quản lý cho người kiểm tra nhưng rất khó đuổi theo những xe lưu động quảng cáo bằng loa đài này.

Những quảng cáo này gây mất mỹ quan đô thị


5 tháng kể từ khi Chỉ thị số 65/CT- BVHTTDL về Chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang được ban hành, Sở VHTT&DL Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai với sự góp mặt nhiều đại diện của các cơ quan quản lý địa phương, các đơn vị tổ chức biểu diễn. Trước những tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, lãnh đạo Sở kêu gọi các đơn vị cùng góp sức cam kết thực hiện các quy định về hoạt động biểu diễn, quảng cáo để việc chấn chỉnh hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong thời gian tới được thực hiện tốt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trông chờ ở sự ý thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.