Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được dựng phim truyền hình

T.Minh| 11/12/2012 17:47

(HNMO)- Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam và Hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam vừa chính thức triển khai thực hiện bộ phim truyền hình dài tập “Trò đời” với kịch bản được dựa trên các tác phẩm văn học có giá trị của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng.

Một cảnh trong phim "Trò đời"


(HNMO)- Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam và Hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam vừa chính thức triển khai thực hiện bộ phim truyền hình dài tập “Trò đời” với kịch bản được dựa trên các tác phẩm văn học có giá trị của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng. Đây là bộ phim đầu tiên của dự án làm phim truyền hình chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng những năm 1930-1945 của các tác giả: Vũ Trọng Phụng, Lan Khai, Thạch Lam…

Tác phẩm văn học tiêu biểu

Kịch bản phim Trò đời chuyển thể những tác phẩm văn học tiêu biểu của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng và được VFC sản xuất vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.



Nội dung chính của “Trò đời” dựa theo tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng, cùng với các truyện ngắn, phóng sự khác của ông như Ánh sáng kinh thành, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô…Thông qua các nhân vật được tổng hợp từ những sáng tạo tài năng của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng, đồng thời chắt lọc những tình tiết, câu chuyện điển hình, ‘Trò đời’ tái hiện một bức tranh sinh động về xã hội Việt Nam thời kỳ trước năm 1945. Qua đó, miêu tả thân phận những người nông dân bị bần cùng hóa, bị thu hút bởi thứ ánh sáng ma mị từ đô thị, dấn thân vào chốn thị thành. Tiếp cận dần với nền văn minh mang đậm dấu ấn bi hài, có người đã lạc bước và kịp thức tỉnh để thoát ra từ vũng bùn ô trọc của một xã hội đang tha hóa (như Đũi), nhưng số đông đã trở nên lưu manh hóa một cách toàn diện trong cái tham vọng sinh tồn ( như Xuân Tóc Đỏ). ‘Trò đời’ cũng tái dựng một hệ thống các nhân vật với những nét cá tính đặc trưng mà độc giả đã quen thuộc trong các tác phẩm văn học Số đỏ như Vợ chồng ông Cố Hồng, Văn Minh, TYFN, cô Tuyết, Hoàng Hôn, me Kiểm….

Câu chuyện phim và không khí xã hội trong Trò đời được đạo diễn cố gắng thể hiện đúng tinh thần trong các tác phẩm văn học của cố nhà văn Vũ Trọng Phụng khi viết về xã hội Việt Nam thời bấy giờ: một xã hội đầy bất an, kệch cỡm, giả dối, hợm của, ích kỷ và vong quốc.



Bộ phim được đầu tư công phu…

Để đạt được những hiệu quả tốt nhất về mặt hình ảnh, thể hiện được không khí bối cảnh của xã hội Việt Nam những năm trước 1945, Trung tâm sản xuất phim đã có sự chuẩn bị từ năm 2011 và đặt hàng nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã và Lê Anh Thúy viết kịch bản. Ngoài việc đầu tư vào nội dung, đội ngũ làm phim của VFC đã cộng tác chặt chẽ với các chuyên gia điện ảnh của Hãng phim Hội điện ảnh để nghiên cứu kỹ lưỡng, khảo sát nhiều địa điểm quay tại Nam Định, Hà nội, Hải Phòng, Bắc Ninh. Họa sỹ thiết kế Nguyễn Mạnh Đức đã đầu tư kỹ lưỡng vào việc thiết kế và phục dựng bối cảnh, chế tác đạo cụ.

Ngoài việc cải tạo các biệt thự Pháp cổ, rất nhiều bối cảnh đã phải phục dựng cho phù hợp những cảnh quay khác nhau. Tương tự, về mặt trang phục, Họa sỹ thiết kế phục trang - NSƯT Thanh Hà đã làm việc cẩn trọng để may đo hơn 200 bộ quần áo, phụ kiện…phù hợp với các tính cách nhân vật và góp phần tạo nên không khí xã hội ở thời điểm trước 1945.



Ngoài đội ngũ làm phim của VFC, những nhà làm phim có uy tín nghề nghiệp được mời tham gia vào dự án phim này như NSND, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân giữ vai trò chỉ đạo nghệ thuật, NSƯT Nhuệ Giang làm đạo diễn. Chịu trách nhiệm về mặt hình ảnh và dàn dựng các cảnh quay hiện trường là NSND Nguyễn Hữu Tuấn.

Đặc biệt, dàn diễn viên của “Trò đời” đan xen nhiều thế hệ với sự xuất hiện của những gương mặt còn khá mới mẻ đối với khán giả như: Việt Bắc (Xuân tóc đỏ), Bảo Thanh (Đũi), Thúy An (Hĩm), Mai Chi (Tuyết)…Bên cạnh đó là một dàn diễn viên gạo cội, tài năng như NSƯT Minh Hằng, NSƯT Quốc Anh, Phú Đôn, Thanh Chi, Nguyệt Hằng, Diệp Bích, nghệ sỹ Quang Thắng, Chiến Thắng…

Phim dài 30 tập, dự kiến được phát sóng trên VTV1 vào đầu năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác phẩm của nhà văn Vũ Trọng Phụng được dựng phim truyền hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.