Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải thưởng, trách nhiệm và lòng tự trọng

Dục Tú| 28/01/2013 06:03

(HNM) - Những ngày gần đây, chuyện một số tác giả từ chối nhận bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam được bàn khá nhiều, cả trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội và câu chuyện ngoài đời. Sự bàn tán hình thành dư luận nhiều chiều, đặc biệt là sau những bài viết "vơ vào" cả chuyện tưởng chừng không ăn nhập với chủ đề chính… Ngẫm lại những gì đã được nghe, được đọc, dường như ở đây đang có xu hướng "bé xé thành to". Sự thể ra sao, nên hiểu thế nào?

1. Trên thế giới, chuyện từ chối giải thưởng không phải là hiếm. Không chỉ những giải thưởng "be bé", ngay cả với giải quan trọng bậc nhất như Nobel cũng có người "quay mặt". Năm 2006, một nhà toán học người Nga từng từ chối huy chương Fields và sau đó là giải thưởng Thiên niên kỷ đầu tiên trị giá 1 triệu đô la Mỹ… Đó chỉ là ví dụ về hai trong số giải thưởng quan trọng ở cấp độ toàn cầu bị từ chối, còn chuyện không nhận những giải khác, ở tầm quốc gia thì còn nhiều hơn.

Ở Việt Nam, gần đây có nhiều người từ chối giải thưởng, chủ yếu trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Trước hai nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam - những người đã quyết định từ chối "giải bằng khen" của Hội Nhà văn Việt Nam trong mùa giải thưởng năm 2012, tác giả của tập thơ "Lô Lô" Ly Hoàng Ly đã từ chối "giải tặng thưởng" của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2006. Cũng ở mùa giải đó, nhà thơ Hữu Thỉnh đưa ra lời từ chối nhận giải dành cho tập thơ "Thương lượng với thời gian" của ông. Trước nữa, năm 2003, nhà văn Hồ Anh Thái không nhận "giải tặng thưởng" của Hội dành cho tập truyện ngắn của mình. Nếu kể thêm, có thể nói về trường hợp nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Sơn Tùng và gia đình nhà văn Sơn Nam đã từ chối cơ hội nhận, hoặc xin rút khỏi danh sách đề cử giải thưởng quan trọng khác.

Với những giải thưởng do các cơ quan, đoàn thể lập ra, như Làn sóng xanh hay Diva thế hệ mới trong lĩnh vực âm nhạc, vài năm qua cũng có chuyện ca sĩ xin rút khỏi đề cử. Sự rút, có khi do người rút tự thấy mình "có vấn đề", qua bầu chọn là cầm chắc "thua", nhưng cũng có trường hợp việc rút tên bị coi là "gây ngạc nhiên để lăng - xê tên tuổi".

Sau tất cả những việc trên, đến giờ, nhiều người đồng ý với quan điểm của nhà văn Đình Kính, người được cho là giữ quyền phát ngôn thay mặt Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong việc này, rằng nhận hay không nhận giải là quyền của mỗi cá nhân.

2. Vậy thì tại sao sau "vụ" Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam, dư luận rất ồn ào? Những lời phát ngôn, sự lý giải từ các bên liên quan và nhất là những "mắm muối" thêm bớt trên mạng đặt ra câu hỏi: Vì sao một việc được nhiều người thừa nhận là bình thường, "là quyền cá nhân", lại có thể làm dấy lên sự nghi hoặc về động cơ từ chối, hoặc giả là nghi ngờ về tính nghiêm túc trong quá trình xét giải?

Đã có những câu hỏi được đặt ra qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội, thậm chí là trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam, ít nhiều mang tính trực diện đối với việc từ chối "giải bằng khen" của nhà văn Y Ban và Phạm Ngọc Cảnh Nam, cũng như cách thức xét giải. Ngôn từ dẫn dắt ý tứ, buộc người theo dõi phải hiểu thông điệp được nêu ra: Phải chăng hai nhà văn không muốn nhận "giải bằng khen", một hình thức tương tự "giải tặng thưởng" trước đó từng bị Ly Hoàng Ly từ chối (tất nhiên, nguyên nhân từ chối có thể không giống nhau), sau đã bị bãi bỏ? Nếu là giải chính thức, như năm nay là giải thưởng văn xuôi được trao cho tập truyện ngắn "Thành phố đi vắng" của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, liệu hai nhà văn của chúng ta có từ chối hay không? Trên một trang cá nhân, tác giả của nó đặt vấn đề, đại ý là một người có chân trong hội đồng văn xuôi, sinh hoạt trong Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Y Ban có nhiều cơ hội phản biện, nêu chính kiến mà không cần phải "xuất thần cảm hứng" do tác phẩm của mình không được trao giải như mong đợi (?). Trên web của Hội, một tác giả khác viết: "Tôi ngạc nhiên vì thấy các tác phẩm dự giải năm nay đều đã được tác giả có tác phẩm đồng ý gửi để xét giải. Vậy tại sao khi được chấm giải họ lại từ chối? Đọc lại thông báo thì hóa ra họ từ chối "bằng khen" chứ không phải là "từ chối giải thưởng"?

Nhưng không phải ai cũng "xét nét" với người từ chối "giải bằng khen". Mặc dù đã có ý kiến khẳng định từ phía Hội, rằng quy trình xét giải không có gì sai, không có gì bất thường, vẫn có ý kiến thông cảm với lý do từ chối giải của hai nhà văn - tựu trung là: Ban giám khảo không đủ tâm - tầm - tài để đọc tác phẩm, thiếu nghiêm túc, giải không được xét với đúng tiêu chí văn chương... Điều đáng lưu ý là những ý kiến xung quanh việc từ chối nhận giải thưởng, "giải tặng thưởng" ở mùa giải năm 2006 cũng có hàm ý về cách làm việc thiếu công tâm của hội đồng xét giải. Năm đó, sau sự kiện Ly Hoàng Ly "bỏ giải", một báo mạng đã dẫn lời nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, với ý nghĩa "người trong cuộc": "Tôi tin Ly Hoàng Ly có lý do chính đáng để làm việc đó. Ly rút vì nghi ngờ giải thưởng có cái gì đó không trong sáng, có cái gì đó mang tính cá nhân, quen biết… Không chỉ năm nay mà những năm gần đây, giải thưởng Hội Nhà văn luôn khiến cho người ta nghi ngờ, không tin cậy, không an lòng".

Cũng trong năm đó, một nhà thơ có tên trong danh sách Ủy viên hội đồng thơ đã xác nhận rằng, ông và hai người khác ở phía Nam đã phải… bỏ phiếu qua điện thoại vì không có kinh phí ra Hà Nội. Cách "bỏ phiếu" kỳ lạ đó một lần nữa được đề cập trong ý kiến phản hồi của nhà văn Y Ban, ở mùa giải 2012!

"Tại anh, tại ả"? Hay còn tại những gì nữa mà mọi sự cứ rối mù cả lên một cách không đáng có? Đức khiêm tốn, sự công tâm, tinh thần trách nhiệm và lòng tự trọng ở đâu khi diễn ra chuyện liên quan đến cái mà người ta gọi là "một miếng giữa làng"?

3. Từ những gì đã diễn ra trong giới văn nghệ sĩ hiện nay, chính xác là quanh một số cá nhân, liệu có nên đặt ra câu hỏi về văn hóa ứng xử?

Từ hơn chục năm trước, sau những lần giải thưởng cuộc thi ảnh nghệ thuật do Nikon tài trợ được công bố, hiếm khi trong giới chuyên môn không có xì xào. Có năm, người nói giải đặc biệt của Khắc Hường không thuyết phục, người khác nói bức của anh xứng đáng. Ngay cả một số giải thấp hơn cũng gặp họa vì bị "ném đá". Điều đáng nói là sau đó chẳng thấy ai "dẫn đường dư luận", giải đáp thắc mắc, ai nói mặc ai để rồi năm sau… lại rì rầm. Từ chuyện giải sang chuyện người, rằng ông A được giải vì là con của vị D "có vai vế" trong hội, rằng ông B đang đương nhiệm nên các hội viên - giám khảo phải bỏ phiếu cho. Chuyện nhỏ ra chuyện lớn, bị dựng thành "nghệ sĩ nói xấu nhau". Hỏi thẳng ra thì ngại, nhưng liệu có khác gì chuyện mấy người mẫu thích cởi đồ "ném đá" lẫn nhau?

Đến giờ, qua sự ồn ĩ liên quan đến "vụ" từ chối "giải bằng khen", trước đó là việc liên quan đến một diễn viên điện ảnh, có thể thấy đó đều là việc có thể "gói lại" nếu dừng ở bản chất sự việc, vấn đề. Mọi cá nhân có quyền từ chối giải thưởng nếu không cần, không muốn. Xã hội vận hành theo luật, nếu sự từ chối ấy có nguyên nhân từ việc xét giải không minh bạch, thiếu công bằng thì cần có cơ quan phân xử đúng - sai. Mà phải là làm rõ ngọn ngành để chấm dứt những phản ứng tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải thưởng, trách nhiệm và lòng tự trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.