Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó lý giải cho hết phẩm chất anh hùng của người lính

Hoài Hương| 17/02/2013 08:12

(HNM) - Tiểu thuyết


"Mùa hè giá buốt" là tiểu thuyết nói về chiến dịch Tết Mậu Thân 1968: đẹp, buồn, quyến rũ và đau đớn, thăng hoa như một tứ thơ. Văn Lê nói: "Tôi viết về số phận một đơn vị sau 100 ngày chiến đấu trong thành phố, bị thương vong nặng nề, được lệnh rút quân. Trong tác phẩm có một mối tình đẹp giữa cô giao liên thành với người tiểu đoàn trưởng, có cả kẻ hèn nhát, người dũng cảm, tốt - xấu, những dằn vặt, ưu tư trước sự sống - chết, đan xen nhau trong hoàn cảnh khốc liệt...".



- Theo ông, khi viết về chiến tranh, khó nhất là điều gì?


- Đó là tìm cách lý giải được phẩm chất "anh hùng" của người lính, xem phẩm chất ấy bắt nguồn từ điều gì. Tình yêu Tổ quốc, tình yêu con người, hay lòng căm thù? Theo tôi, là từ "tình yêu" với nghĩa rộng của nó - tình yêu Tổ quốc, tình yêu gia đình, tình yêu nhân loại, tình yêu hòa bình… Bản thân tôi đã từng là người lính mà nhiều khi cũng không lý giải nổi. Tôi vẫn cảm thấy vô cùng khó lý giải, rằng vì sao, vì lẽ gì, bằng tình yêu như thế nào mà người lính vẫn lên đường? Phải chăng, chỉ có dân tộc này mới có sức chịu đựng đến mức ấy, để tồn tại, để chiến thắng?

Cái khó thứ hai là sự trải nghiệm. Có thể là sự trải nghiệm thực tế qua chiến tranh, nhưng cũng có thể chiêm nghiệm và suy ngẫm qua các tư liệu về chiến tranh để tạo ra câu chuyện của mình.

Cái khó thứ ba là tài năng của người cầm bút. Mà cái này ở Việt Nam thì đang rất thiếu. Tài của người cầm bút là biết cách "kể" câu chuyện của mình như thế nào cho thật hấp dẫn.

Cái khó sau cùng là cảm xúc. Cảm xúc của người viết trước quá khứ, trước lịch sử, bắt nguồn từ sự thờ ơ và những thói xấu của người hôm nay. Chưa đủ để viết về chiến tranh như một sự trắc ẩn, một lời nhắc nhở hiện tại, tương lai.


- Tác phẩm văn học viết về chiến tranh của ta không phải tất cả đều hay, hấp dẫn?

- Đúng vậy. Các tác phẩm viết về chiến tranh trong 10 năm trở lại đây đã đề cập tới nhiều vấn đề, mở ra hướng viết mới, khơi dậy cho mọi người nhận thức nhiều chiều hơn về chiến tranh và người lính. Nhưng đó vẫn chỉ là những "mảnh" rời rạc, chưa đi hết được "tầm vóc" cuộc chiến. Nếu muốn thông qua tác phẩm để hiểu thêm lịch sử, tìm ra bài học lịch sử, những góc khuất của chiến tranh… thì có lẽ sẽ phải đợi thêm. Sự thật là thế, phần lớn các tác phẩm viết về chiến tranh của ta vẫn chưa viết hết về chiến tranh.

- Và tác phẩm viết về chiến tranh vẫn thiếu?

- Những người cầm bút thế hệ chúng tôi đã đi qua chiến tranh, đến giờ này đã "lực bất tòng tâm". Người trẻ thì có nhiều điều hấp dẫn với họ hơn là chiến tranh. Hơn thế, người viết trẻ hình như không cảm thấy cần phải viết về đề tài này. Nên tác phẩm về chiến tranh vẫn cứ phải đợi… Đành thế!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Văn Lê sinh năm 1949, quê Ninh Bình, đã tham gia chiến đấu một thời gian dài ở các chiến trường ác liệt. Ông cũng từng công tác tại Tạp chí Quân giải phóng, Tuần báo Văn nghệ và hiện "dừng chân" ở Hãng phim Giải phóng. Văn Lê viết nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh cách mạng, nhưng lại khởi đầu bằng thơ và sớm gặt hái thành công với nhiều giải thưởng. Riêng tiểu thuyết "Mùa hè giá buốt" đã đoạt giải B (không có Giải A) - Giải thưởng của Bộ Quốc phòng và được trao giải A - Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP Hồ Chí Minh (2006-2011).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó lý giải cho hết phẩm chất anh hùng của người lính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.