Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khơi lại mạch nguồn trách nhiệm với tổ quốc

Thi Thi| 24/02/2013 06:16

(HNM) - Hôm nay, Rằm tháng Giêng (24-2) là chính hội Ngày thơ Việt Nam lần thứ XI năm 2013 diễn ra tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Song từ nhiều ngày qua, tại đây đã diễn ra hoạt động thi thơ, chuẩn bị gian thơ của 8 trường đại học, các CLB thơ trong cả nước.

Đặc biệt với chủ đề "Tuổi trẻ và Tổ quốc", mà nòng cốt là lực lượng sinh viên tại các trường đại học, Ngày thơ năm nay đã khơi lại một mạch nguồn thi ca thực sự ý nghĩa với đời sống đương đại.

Lễ hội thả thơ tại Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


Sống lại không khí thơ ca học đường

Hoàn toàn không quá lời vì ít nhất Ngày thơ Việt Nam năm nay đã thu hút được sự vào cuộc của sinh viên 8 trường đại học lớn là Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Đại học Sư phạm Hà Nội; Học viện Cảnh sát nhân dân; Học viện Phòng không - Không quân, Đại học Văn hóa; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội… Dưới sự tập hợp của Hội Nhà văn Việt Nam, chắc chắn đây là sự kiện hội ngộ quy mô lớn của giới sinh viên với thi ca mà lâu lâu mới có một lần.

Đây vừa là điểm mới của Ngày thơ năm 2013, vừa là cuộc huy động về tinh thần Tuổi trẻ với Tổ quốc. Lịch sử đã chứng minh thi ca là cầu nối cho sự gắn bó máu thịt này. Qua hai cuộc kháng chiến, bao thế hệ thanh niên đã mang theo những vần thơ ra trận. Hiếm có cuốn sổ tay thanh niên, sinh viên nào những năm tháng ấy không có những bài thơ về tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, tình yêu Tổ quốc. Và trong thời bình, không ít sinh viên, thanh niên "trong những phút ngã lòng" đã "vịn câu thơ mà đứng dậy".
Vì vậy, đề tài này không mới, chỉ là sự trở lại đúng lúc trong thời điểm hiện nay, khi đất nước đang đứng trước vô vàn thách thức, khi tâm hồn con người nói chung, tuổi trẻ nói riêng đang có nguy cơ ngày một "sa mạc hóa".

Nguyễn Đức Huỳnh, sinh viên lớp Chất lượng cao, chuyên ngành Cảnh sát điều tra, Học viện Cảnh sát nhân dân, một thí sinh dự thi đêm 13 tháng Giêng chia sẻ: Tuổi trẻ với Tổ quốc là một chủ đề rất phù hợp với tình hình hiện nay. Nó khơi dậy trong mỗi người trẻ tuổi suy nghĩ cần phải làm gì cho Tổ quốc với những hành động thiết thực. Còn thơ ca dù thế nào cũng phải gắn liền với cuộc sống, phục vụ cho cộng đồng, phục vụ cho đất nước.

Nhà thơ Hữu Việt, thành viên Ban Giám khảo Ngày thơ Việt Nam 2013 nhớ lại thuở thơ tình sinh viên, đọc thơ "toát mồ hôi" trong vòng tay của người hâm mộ. Cái không khí ấy lâu nay có phần lắng xuống bởi người trẻ dường như có nhiều mối bận tâm khác hơn. Anh cho rằng, bằng việc dành không gian thơ cho giới trẻ, Ngày thơ năm nay giống như một cú hích nhằm động viên phong trào, khơi gợi tình yêu sáng tác với thi ca, bồi bổ tâm hồn, hướng tuổi trẻ tới những điều chân - thiện - mỹ.

Đối với người làm nghề chuyên nghiệp thì đây còn là cơ hội để phát hiện, bồi dưỡng những tài năng thơ sinh viên, thơ trẻ nói chung. Cứ nhìn vào 9 hạt nhân của sân thơ trẻ năm nay là rõ. Bình Nguyên Trang với những bài thơ sinh viên từng một thời "làm mưa làm gió" trên các giảng đường đại học. Nguyễn Minh Cường, Miên Di, Lữ Thị Mai, Nguyễn Quang Hưng, Thụy Anh… cũng đều là những cây bút được phát hiện, trưởng thành gắn với hoạt động như Ngày thơ Việt Nam, Hội nghị Văn trẻ, các cuộc thi thơ trên báo chí…

Một điều quan trọng khác, Ngày thơ Việt Nam 2013 có thể xem như một sự minh chứng cụ thể cho hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam và ngành GD-ĐT theo tinh thần một văn bản hợp tác vừa ký cuối năm 2012. Văn học sẽ phải được phát triển xứng đáng trong "thánh đường" của nó là nhà trường như phát biểu của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Họ có thể trở thành nhà thơ hay không qua những cuộc thi này, chưa hẳn đã phải là điều quan trọng nhất. Từ thi ca, qua thi ca, họ biết yêu, trân trọng hơn gia đình, quê hương, Tổ quốc của mình, đó mới là đích đến cần thiết nhất!

Thiếu nữ Thủ đô tại Ngày thơ Việt Nam. Ảnh: Viết Thành


Lan tỏa một hoạt động văn hóa ý nghĩa

Nhà thơ trẻ Nguyễn Quang Hưng cho rằng qua hơn 10 năm tổ chức, Ngày thơ Việt Nam đã tỏ rõ nỗ lực trong việc làm mới sự kiện này. Nghĩa là mỗi năm đều có chủ đề riêng. Bên cạnh phần lễ truyền thống, sân trẻ hay sân già đều cố gắng tạo dựng không khí hội có phong vị mới.

Năm nay, không có phần rước Nước, rước Lửa "hoành tráng" nhưng vẫn có lễ rước Thơ. Sân thơ truyền thống ngoài sự tham gia của các nhà thơ quen thuộc, dịp này cũng "điểm" thêm gương mặt mới là Đại đức Thích Trường Xuân với một bài thơ chúc phúc cho đất nước. Bên cạnh đó là nhà thơ Mỹ Bruce Weigl, người từ sau năm 1975 đến nay đã bền bỉ giới thiệu văn học Việt với độc giả Mỹ. Bài thơ mà Bruce Weigl trình bày hôm nay là một tác phẩm viết về bà mẹ nông dân Việt Nam. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là bài thơ của người nước ngoài viết về chủ đề này hay nhất mà ông từng biết.

Tuy nhiên, nhìn về lâu dài, đúng như tính chất của một lễ hội mở thì Ngày thơ Việt Nam do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức phải là hạt nhân chính để lan tỏa hoạt động hướng đến thi ca, bồi bổ văn hóa đọc… Chính sự lan tỏa mới làm nên tính bền vững và tầm vóc cho hoạt động này. Như mong muốn của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì: Tới đây Ngày thơ không chỉ diễn ra trong một ngày 15 tháng Giêng, ở Văn Miếu mà có thể có nhiều hoạt động ở những thời điểm khác nhau như giao lưu nhà thơ và sinh viên ở các trường học, đọc thơ ở quảng trường… Đây cũng là xu thế chung hiện nay của các lễ hội thơ trên thế giới. Ở đó, họ coi thi ca không chỉ đơn thuần là thi ca mà thực chất là hoạt động tinh thần nhằm bồi đắp tâm hồn, bồi đắp lòng nhân ái.

Nhìn xa như thế, ắt Ngày thơ Việt Nam mới có vị thế thiết thực trong đời sống.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khơi lại mạch nguồn trách nhiệm với tổ quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.