Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tôi mong đem phim Việt ra thế giới!

Hải Giang| 24/02/2013 06:35

(HNM) - Tại diễn đàn nghề nghiệp của Liên hoan phim quốc tế - Hà Nội lần thứ 2 (cuối năm 2012) vừa qua, có một nhà phát hành phim mang gương mặt thuần Việt nhưng phát biểu bằng thứ tiếng Pháp nhuần nhuyễn. Chị là một trong những nhà hoạt động điện ảnh nước ngoài được Cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL) mời tham gia diễn đàn.


Đầu năm 2013, từ Pháp, nhà phát hành phim Trần Bích Quân đã dành cho Hànộimới cuộc trò chuyện.

- Việt Nam có ý nghĩa như thế nào với chị và gia đình? Tại sao chị không chọn tiếng Việt để trình bày tại diễn đàn này?

- Tôi sinh ra ở Pháp, cả bố và mẹ tôi đều là người Việt Nam, họ đã mang lại cho tôi một nền giáo dục truyền thống của người Việt.

Tại diễn đàn trên, tôi sử dụng tiếng Pháp để trình bày được nhanh gọn, rõ ràng hơn. Bởi lẽ có nhiều vấn đề chuyên môn, kỹ thuật mà tiếng Việt tôi không rành. Chưa kể, tiếng Huế của tôi có thể sẽ gây khó khăn cho người nghe.

Cảnh trong phim Mùa len trâu, một tác phẩm chất lượng của điện ảnh Việt Nam.


- Điều gì đã khiến chị, một người Việt nhỏ bé say mê nghề phát hành phim ở một đất nước có truyền thống và bề dày nghệ thuật như Pháp?

- Tôi bắt đầu việc phát hành cách đây gần 15 năm, đầu tiên là trong lĩnh vực video, sau đó là phát hành phim, xuất khẩu quốc tế chút ít. Từ thuở ấu thơ, tôi đã rất thích hình ảnh, những câu chuyện và có cơ hội xem nhiều phim, đầu tiên là phim kinh điển sau là đương đại của tất cả các dân tộc. Những nền văn hóa khác đã dần dần mở ra trước mắt tôi. Tôi đã mong muốn chia sẻ những bộ phim mà tôi yêu thích với mọi người.

Với tôi, nếu có thể, một bộ phim luôn luôn cần được xem lần đầu tiên ở rạp chiếu, trước khi được xem lại trên những phương tiện khác như TV, video, internet… Phòng tối của rạp chiếu sẽ làm tăng gấp bội sự hứng thú và cảm xúc của hình ảnh với trường thẩm mỹ đặc biệt, đầy dấu ấn của nghệ sỹ và những người thực hiện.

Tôi bắt đầu làm việc cho hãng Warner Bros, về lĩnh vực video. Tôi cũng đã có dịp học rất nhiều, đồng thời có cơ hội làm việc cho các phim của Stanley Kubrick (nhà điện ảnh nổi tiếng người Mỹ) và những bộ phim kinh điển của Warner Bros…

Cuối cùng, tôi sáng lập công ty riêng của mình - Blaq Out và điều hành nó từ năm 2002 đến năm 2011. Thời gian đầu chúng tôi dành tâm huyết cho lĩnh vực video, sau đó, với sáng kiến của tôi, công ty phát hành cả phim truyện cũng như tài liệu. Trong gần 10 năm, tôi đã phát hành khoảng 60 phim (cả DVD và chiếu rạp), và làm việc với những đạo diễn như Raoul Ruiz, Béla Tarr, Koji Wakamatsu, Otar Iosseliani, Fernando Solanas, Luc Moullet, Lidia Bobrova, Jean - Pierre và Luc Dardenne…

Cuối năm 2011, sau khi chuyển nhượng Blaq Out cho các cộng sự của mình, tôi đã thành lập một công ty mới vào năm 2012 với tên gọi Dissidenz Films, vừa phát hành vừa sản xuất.

- Chị quan niệm thế nào về phim nghệ thuật và phim thương mại?

- Một tác phẩm điện ảnh thực sự sẽ còn lại với thời gian. Nó trở thành di sản, tạo nên một phần lịch sử một đất nước, trong khi một sản phẩm tiêu dùng thì bị lãng quên chỉ vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng sau đó. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là một tác phẩm điện ảnh thì không thể có tính giải trí và ngược lại giải trí cũng không phải là xấu.

Vấn đề đơn giản là cần phân biệt rõ cái gì làm nên sức hấp dẫn văn hóa của một bộ phim, cái gì làm nên một bộ phim theo nghĩa một tác phẩm chứ không phải một sản phẩm.

Với tư cách là một khán giả, tôi cũng xem cả phim thương mại và phim nghệ thuật. Nhưng với tư cách là nhà phát hành và nhà sản xuất, thì giá trị văn hóa của bộ phim, tức là phim tác giả vẫn hấp dẫn tôi (tất nhiên một bộ phim nghệ thuật không nhất thiết là một bộ phim không có tính thương mại - như “Chia ly” của Asghar Farhadi, hoặc “Chuyện tình” của Michael Haneke chẳng hạn).

- Với con mắt của một nhà phát hành phim, liệu chị có dự định lựa chọn phim Việt để phát hành ở nước ngoài?

- Điện ảnh Việt Nam hiện ít được biết đến ở nước ngoài. Theo tôi, điện ảnh Việt có phim di sản - loại hình điện ảnh chất lượng giới thiệu về lợi ích văn hóa, lịch sử, xã hội học không thể phủ nhận. Các nhà làm phim dòng này thường đã từng học tập tại VGIK Mátxcơva - trường điện ảnh nổi tiếng thế giới.

Điện ảnh đương đại gồm những nhà làm phim Việt Nam sống ở nước ngoài và những nhà làm phim sống ở Việt Nam. Ở đây, tôi không nói đến điện ảnh thuần túy mang tính thương mại, nghĩa là làm theo mô hình trên các phim bom tấn của Mỹ. Tôi nhấn mạnh, điện ảnh phải tính đến tầm nhìn về văn hóa. Có điều lạ là tôi cảm thấy tầm nhìn này còn thiếu trong điện ảnh đương đại của Việt Nam. Chỉ cần so sánh với các phim kinh điển đã thực hiện cách đây nhiều năm là rõ. Tuy nhiên, đó không phải là tất cả, ít nhiều thì gần đây đã có những bộ phim rất hay như “Những người thợ xẻ” của Vương Đức, hay “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh...

Tóm lại, hiện nay với sự bùng nổ của kỹ thuật số, tôi có cảm giác rằng nhiều đạo diễn trẻ đã tìm thấy được phương tiện thực hiện các bộ phim dễ dàng hơn, nhưng cũng vì thế mà họ quên mất khía cạnh nghệ thuật. Vì thế bộ phim không còn là một tác phẩm mà chỉ là một sản phẩm. Đó là lý do giải thích tại sao rất khó để xuất khẩu loại hình điện ảnh này.

Cuối cùng, hạn chế lớn nhất hôm nay, theo suy nghĩ của tôi vẫn là những tranh luận sai lầm khi muốn phân biệt phim nghệ thuật và phim thương mại. Hai khái niệm này không đối kháng nhau, mà nó phải gợi lên cho những đạo diễn trẻ lời cảnh tỉnh về một sức hấp dẫn văn hóa cần có trong tác phẩm điện ảnh của mình, đồng thời khích lệ cho cả hai phát triển nhãn quan nghệ thuật riêng (chứ không phải là bản sao những phim bom tấn của Mỹ).

Tôi rất mong được phát hành hoặc giới thiệu phim Việt Nam ở Pháp, thậm chí cả ở những nước khác. Có thể lúc đầu chỉ với những phim kinh điển để chứng tỏ sự phong phú và chiều sâu của điện ảnh Việt.

- Xin chân thành cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôi mong đem phim Việt ra thế giới!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.