Theo dõi Báo Hànộimới trên

Báo động về thực trạng làm phim chiến tranh ở nước ta

Minh Anh| 27/02/2013 09:53

(HNMO) - Tai nạn thảm khốc sáng 24-2 tại con hẻm 384 - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) của gia đình giám đốc Công ty cổ phần giải trí Lạc Việt vẫn chưa hết dư âm bàng hoàng đối với anh em, bạn bè đồng nghiệp trong giới làm phim những ngày qua…

Người trong cuộc phải chịu trách nhiệm thì đã mất. Nhưng nỗi lo lắng vẫn sẽ còn khi nhìn thấy rõ thực trạng làm phim ở nước ta. Nhất là với những phim về chiến tranh thường xuyên sử dụng hiệu ứng cháy nổ. Trò chuyện cùng Bùi Tuấn Dũng - một đạo diễn trẻ có khá nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, anh đã chia sẻ.

PV: Với những dự án về chiến tranh anh đã và đang thực hiện, việc bảo đảm an toàn cho ekip và mọi người khi ở trường quay, ai là người chịu trách nhiệm?

- Đạo diễn luôn là người chịu trách nhiệm đầu tiên, rồi đến giám đốc sản xuất, kĩ thuật viên phụ trách hiệu quả đặc biệt. 

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng


PV: Với những phim nhà nước, kinh phí ít, bảo hiểm gần như không có, anh đã giải quyết thế nào trong hoàn cảnh làm phim khó khăn như vậy?

- Kinh phí ít thì phải xin thêm ở các nguồn tài trợ khác. Theo tôi, với phim chiến tranh, nếu không đủ khả năng thì không nên làm, cả về kinh tế và các kĩ nghệ hiệu quả khác. Bảo hiểm của các thành viên trong đoàn làm phim chính là bảo hiểm y tế bình thường như mọi CBCNVC nhà nước khác. Không đơn vị bảo hiểm nào chịu bán bảo hiểm cho mấy cảnh quay nguy hiểm. Tuy nhiên, rủi ro cần được lường trước, nếu có vấn đề gì xảy ra, đoàn phim của tôi chắc chắn sẽ lo cho người của mình tốt hơn bất kì đơn vị bảo hiểm nào và trong hợp đồng chúng tôi cũng ghi rất rõ điều đó. Cuối cùng, tôi muốn nói rằng tôi không bao giờ làm cái gì mà tôi không biết. Hiểu và nắm chắc bản chất mọi thứ tôi làm, đó là điều kiện tiên quyết để giữ an toàn cho các thành viên trong đoàn và tôi. Tôi luôn chắc chắn để không bao giờ có chuyện gì xảy ra vì ở đây là vấn đề sinh mạng.

PV: Nhắc lại vụ anh Lê Minh Phương, theo Chánh văn phòng công an Thành phố Hồ Chí Minh: "Việc để chất nổ của ông Phương ở khu dân cư như vậy là sai. Hành vi này đã có biểu hiện vi phạm pháp luật về quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ?". Đứng ở cương vị đạo diễn, cũng như một đồng nghiệp, anh suy nghĩ gì về sự cố đáng tiếc này”?

- Chỉ ngắn gọn một câu: Rồi thì chúng ta vẫn phải làm phim hành động, chiến tranh. Vẫn phải dùng tới súng đạn thuốc nổ. Vật liệu nổ luôn đầy rẫy xung quanh ta, không riêng gì thuốc nổ mà các loại hóa chất, phân bón, xăng, ga... đều có thể nổ. Hãy tuân thủ chặt chẽ những qui tắc an toàn, hiểu rõ nguyên lý, bản chất của nó, cẩn trọng khi tiếp xúc, làm việc với nó!

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát - Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện Ảnh Việt Nam:

“Tôi thật sự buồn, thật xót xa tiếc thương gia đình anh Lê Minh Phương vì sơ suất mà cả gia đình nhà mình, cả hàng xóm bị chết oan. Anh Lê Minh Phương cũng là hội viên Hội Điện ảnh VN. Ngoài Hà Nội, đúng ngày rằm tháng giêng, nghe tin này ai cũng bàng hoàng, sửng sốt. Đây thực sự là hồi chuông báo động khẩn cấp về sự thiếu chuyện nghiệp nghiêm trọng của điện ảnh VN. Chúng ta làm phim trong điều kiện "giật gấu vá vai" từ nhiều năm nay rồi. Thiếu cái gì thì vá víu cái đó mà không có tầm nhìn xa, không có sự chuẩn bị bài bản của từng khâu kỹ thuật, thiếu sự đầu tư thỏa đáng, không đào tạo chuyên gia, không quản lý chặt chẽ chất cháy nổ của mỗi hãng phim, đoàn phim. Nước ta chiến tranh kéo dài – vì vậy các tác phẩm điện ảnh làm về chiến tranh rất nhiều cũng là điều dễ hiểu. Chắc chắn rất cần đến đội ngũ tạo hiệu ứng không khí chiến tranh: quả nổ, khói lửa… cần đội ngũ kỹ thuật chế tạo ra nguồn nguyên liệu đó sao cho hiệu quả hình ảnh cao mà khi nổ vẫn giữ được an toàn cho đoàn phim. Đó mới là điều cần thiết.

Nhưng thật tiếc, càng ngày chúng ta càng thấy thiếu thốn nhiều thứ. Nhà chúng ta, đất nước chúng ta giàu lên nhưng sự áp dụng tiến bộ khoa học cho chuyên môn lại nghèo đi hoặc là ít ai để tâm tới. Thậm chí duyệt một bộ phim chiến tranh có khói lửa, quả nổ, người có trách nhiệm duyệt kinh phí cứ cắt xoẹt đi một phần cái đã, cắt để đe là chính chứ cũng chả biết giá cả bao nhiêu, để lại cho ngần ấy có đủ làm không? Tất cả các hạng mục đều bị xoẹt một phần đi như vậy, tránh sao khỏi cảnh "giật gấu vá vai”? Thật khổ!

Ngày xưa tôi còn nhớ, Hãng Phim truyện VN có một đội ngũ chuyên gia rất giỏi làm khói lửa chiến tranh. Tổ kỹ thuật này quản lý chặt chẽ kho khói lửa của Hãng – kho này để tận bên Đông Anh, xa nơi dân cư. Lấy nguyên liệu ra phục vụ cho bộ phim nào đều phải có chữ ký của GĐ và Ban kiểm tra, kiểm soát theo dõi, bảo vệ. Thậm chí, phải mời an ninh, quốc phòng hỗ trợ chuyên môn nữa. Bây giờ thì sao? Hình như càng giản tiện càng tốt.

Các cụ nói "thủy hỏa đạo tặc” – người dân thường người ta còn biết tránh nước, tránh lửa – tránh để xăng, dầu, đồ dễ cháy nổ trong nhà. Tôi cứ tự hỏi và lấy làm tiếc là sao anh Phương chủ quan thế, không lường được điều xấu nhất có thể xảy ra sao? Dù yêu nghề đến mấy, dù công việc phục vụ các đoàn phim có gấp gáp đến mấy cũng không được dại dột như thế. Không bao giờ và không khi nào được chứa đồ cháy nổ trong nhà khiến con cái chết oan, vợ chồng cũng vậy. Thật khổ. Hy vọng các CQ quản lý ngành, Bộ VH,TT&DL cùng các ban, ngành liên quan “thương” đến điện ảnh hơn, hãy dành cho nó sự quan tâm cũng như sự đầu tư thỏa đáng hơn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Báo động về thực trạng làm phim chiến tranh ở nước ta

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.