Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hài kịch “Nụ cười Kẻ Chợ”: Một bước lùi của Nhà hát Tuổi trẻ

Ngọc Bảo| 11/03/2013 06:16

(HNM) - Chùm hài kịch


"Nụ cười Kẻ Chợ" gồm 4 tiểu phẩm hài: "Thôn du lịch sinh thái", "Bà mẹ họ Hứa", "Đẻ sướng… đẻ khổ", "Đợi quà". Người xem chứng kiến những vấn đề tồn tại trong cuộc sống. Để có những đồng ngoại tệ mau chóng, nhiều người bon chen, tìm mọi cách lừa du khách bằng nhiều thủ đoạn, lúc tinh vi, khi trắng trợn… Có bà mẹ chát chúa, chanh chua với nàng dâu hiền bởi quan niệm "khác máu tanh lòng", bòn mót tiền bạc của con dâu để thỏa mãn thói đam mê cờ bạc, lô đề. Ấy vậy mà bà lại chịu thua cô con gái hư, chiều chuộng con vô lối… Vấn nạn trong bệnh viện hiện ra qua những tình tiết thể hiện sự vòi vĩnh bệnh nhân của nhân viên y tế, những cò mồi liên kết với bệnh viện tư nhân để hưởng hoa hồng… Có cả tiểu phẩm về nạn hối lộ quan chức dưới hình thức quà biếu. Vị quan nọ quen được quà cáp, nay nghỉ hưu không còn người đến thăm nom, bà vợ đành thuê người đem quà tới cho chồng vui…

Bốn tiểu phẩm của hai tác giả kịch bản Mai Tùng và Lê Chí Trung do tập thể Đoàn kịch 1 thể hiện. Dàn diễn viên thường diễn chính kịch, nay vào hài kịch với lối tiếp cận riêng. Họ không cố tạo ra những tràng cười phá cho công chúng, mà muốn có nụ cười nhẹ nhàng, ý nghĩa, thấm thía về thói hư ở đời.

Đúng là xem chương trình này, khán giả Hà Nội ít cười ngả nghiêng. Bàn tay đạo diễn Anh Tú vốn nghiêm túc với các vở chính kịch, nay phải tung tẩy với hài kịch, không thể đưa ra đòi hỏi cao mà anh luôn yêu cầu đối với diễn viên. Khi xem, tuy không có những sượng sùng mà đôi khi người xem thấy ở các chương trình "hài quá đà", nhưng "Nụ cười Kẻ Chợ" vẫn thiếu độ đầm, độ sâu cần thiết để làm hài lòng những khán giả khó tính. Anh Văn Hoàng, giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam đánh giá cao tính hiện thực của chương trình, nhưng mong muốn độ sâu diễn xuất của diễn viên. Anh cho rằng, các diễn viên trẻ hiện nay vẫn chưa đạt độ "chín" cần thiết như lớp đàn anh như Anh Tú, Đức Khuê đã thể hiện. Nhiều khán giả quen với hài kịch sâu sắc của Nhà hát Tuổi trẻ, nay có chút thất vọng đối với cách xử lý tình huống khá "nông" trong "Nụ cười Kẻ Chợ".

Rõ ràng, gây cười bằng sự khiếm khuyết hình thể như răng hô, ăn nói ngọng nghịu, ăn mặc bất cân xứng với vị thế xã hội… là không đủ. Khán giả Thủ đô đòi hỏi tiếng cười có tính tư tưởng, điều mà "Nụ cười Kẻ Chợ" cố gắng đạt tới nhưng chưa được. Bốn tiểu phẩm ngắn, có vẻ đạo diễn ôm đồm quá nhiều đường dây, ý nghĩa kịch. Đơn cử như với tiểu phẩm "Bà mẹ họ Hứa", nếu chỉ đi theo tuyến nhân vật mẹ chồng - nàng dâu, mẹ chồng có quan hệ bạn già với ông hàng xóm, bỏ qua cảnh đáp ứng nhu cầu của cô con gái rượu theo cách giải thích dân dã "con gái, cái bòn"… thì tiểu phẩm sẽ đạt hơn. Về diễn xuất, diễn viên vẫn còn nặng về việc gây cười qua hình thể, sự điều hòa tiết tấu chưa thật tốt, khiến người xem có cảm giác sự chuẩn bị cho chương trình này có phần vội vàng, có lẽ là để kịp ra mắt đúng dịp lễ 8-3.

Phàm đã làm nghệ thuật mà không cầu toàn, hết lòng chăm chút cho tác phẩm thì e là mất dần khán giả, nhất là khi hài kịch đã đi đến độ bão hòa, ngày càng nhàm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hài kịch “Nụ cười Kẻ Chợ”: Một bước lùi của Nhà hát Tuổi trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.