Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Khôi Nam: “Cái chính là phải có cảm xúc với tác phẩm”

ANHTHU| 30/08/2005 08:29

Thành viên trong biên chế Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Pháp (L’Orchestre National de France), nghệ sỹ violon Nguyễn Hữu Khôi Nam vừa về biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hai đêm nhạc với sự diễn tấu rất thành công bản concerto số 3 cho violon giàu tính nội tâm của Saint-Saens (nhà soạn nhạc Pháp - 1835-1921), Khôi Nam đã được khán giả hoan nghênh nồng nhiệt.

Thành viên trong biên chế Dàn nhạc Giao hưởng quốc gia Pháp (L’Orchestre National de France), nghệ sỹ violon Nguyễn Hữu Khôi Nam vừa về biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Hai đêm nhạc với sự diễn tấu rất thành công bản concerto số 3 cho violon giàu tính nội tâm của Saint-Saens (nhà soạn nhạc Pháp - 1835-1921), Khôi Nam đã được khán giả hoan nghênh nồng nhiệt.

Nguyễn Hữu Khôi Nam – người Nha Trang - đã được đào tạo tại Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, rồi tốt nghiệp loại giỏi về violon và nhạc thính phòng tại Nhạc viện thành phố Boulogne và Nhạc viện Quốc gia Pháp ở Paris. Anh là một trong những người sáng lập ra nhóm Tam tấu Turina và Tứ tấu Impresa ( giải nhất cuộc thi nhạc thính phòng Fnapec tại Paris) và thường xuyên được mời diễn ở Châu Âu . Anh đã tiếp chuyện chúng tôi ngay sau đêm biểu diễn tại Hà Nội.

- Anh chọn tác phẩm để biểu diễn theo tiêu chí nào ?

- Tôi chọn những tác phẩm mình yêu thích, thấy phù hợp với bản thân. Vấn đề kỹ thuật không còn phải đặt ra vì với người chơi đàn chuyên nghiệp , chuyện này phải được giải quyết rồi. Vả lại, bài nào cũng có chỗ dễ, chỗ khó … cái chính còn lại là mình phải có cảm xúc với tác phẩm và làm thế nào để truyền được cảm xúc ấy đến người nghe

Các tác phẩm cổ điển đều được viết rất hay. Nhưng những bài gần gũi với mình thì tôi vẫn cảm thấy thích chơi hơn.

- Nếu tách bạch hai yếu tốkỹ thuật và diễn cảmthì người nghệ sỹ biểu diễn phải phấn đấu cho từng yếu tố như thế nào ?

- Kỹ thuật thì ai cũng biết, nhờ các thày dạy và có thể tập riêng thêm. Muốn đạt tới trình độ kỹ thuật điêu luyện thì cần phải khổ luyện thôi, không thể khác được. Bản thân tôi, dù bận việc đến đâu thì ngày nào cũng phải dành thời gian tập đàn. Hai ngày không cầm đàn là đã thấy khác rồi, cho nên phải nghiêm khắc với mình mà tự rèn luyện.

Về diễn cảm, tất nhiên các thầy cũng có chỉ bảo nhưng phần khám phá và trau dồi của bản thân rất quan trọng. Muốn thể hiện được sắc thái tình cảm mà tác giả gửi gắm vào bản nhạc, trước tiên phải hiểu họ viết như thế nào, cần phải đàn như thế nào để diễn cảm điều người ta viết . Đó là điều quan trọng nhất . Nhưng mỗi người khai thác theo một cách hiểu khác nhau, vì mỗi người là một cá thể.

- Nghĩa là trong cái nền chung của tác phẩm vẫn có chỗ chocái riêng của người biểu diễn ?

- Vâng, nhưng cái riêng ấy không lớn lắm bởi cần xác định ưu tiên thể hiện đúng tác phẩm. Khi đã đi vào cốt lõi của âm nhạc thì tất cả chỉ có một tiếng nói chung.

Để nâng cao cảm xúc, theo tôi, người đàn còn phải học nghe nhiều. Những người chơi hay thường là người có nét riêng, nghe họ chơi mình sẽ hiểu thêm về tác phẩm.

- Anh thích những nghệ sỹ violon nào trên thế giới ?

- Thế hệ trước là Đavit Oxtrakh, còn bây giờ là Hilary Hahn.

- Khán giả Hà Nội vừa đựơc nghe Hahn trong chương trình hòa nhạc Hennessy lần thứ IX hồi đầu tháng 6 vừa qua…

- Thế thì hay quá. Chị ấy bây giờ đứng ở hàng đầu bảng xếp hạng của các nghệ sĩ Violon thế giới đấy.

- Hai lần về nước biểu diễn, anh đã chơi đàn dưới sự chỉ huy của hai nhạc trưởng Colin Metters người Anh và Jonathan Stockhammer người Mỹ, anh thấy thế nào ?

- Cả hai nhạc trưởng làm việc rất tốt. Chúng tôi gần nhau về cảm xúc, hiểu nhau và thấy hòa hợp với nhau.

- Nhạc trưởng tác động thế nào tới nghệ sĩ độc tấu trong quá trình dàn dựng và biểu diễn ?

-Nhạc trưởng cũng giống như một sô-lít. Dàn nhạc giống như nhạc cụ của họ. Người biểu diễn độc tấu và nhạc trưởng phải hiểu nhau để có sự ảnh hưởng tích cực đến nhau, tạo nên sự nhất quán về hiệu quả thể hiện tác phẩm.

- Có bao giờ hai phía mẫu thuẫn với nhau không ?

-Có chứ, nhưng nhiều khi sự mâu thuẫn ấy lại giúp cho mình hiểu rõ hơn tác phẩm mà mình biểu diễn

- Nhiều người có phần ngại ngùng khi tiếp xúc với nhạc cổ điển vì cho rằng nó khó hiểu. Anh có lời khuyên nào không ?

-Với âm nhạc cổ điển, ta không nên đặt vấn đề hiểu hay không hiểu. Âm nhạc là nghệ thuật, là cảm xúc, là tình cảm của người viết và người biểu diễn. Chỉ cần muốn nghe và thấy thích là được. Nghe nhiều sẽ quen.

- Một trong những mong muốn của anh hiện giờ là gì?

-Là có điều kiện về nước biểu diễn, được cùng chơi đàn với các thày, các bạn, các anh chị. Tôi rấtmuốn được chơi bản Concerto số 1 viết cho đàn Violon của Beethoven trước công chúng Thủ đô.

- Chúng tôi cũng mong sớm được nghe chương trình mới của Khôi Nam, và nếu được nghe anh chơi cùng dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Pháp trên sân khấu Hà Nội thì càng tuyệt vời. Xin cám ơn !

HNM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ violon Nguyễn Hữu Khôi Nam: “Cái chính là phải có cảm xúc với tác phẩm”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.