Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giới trẻ không quay lưng với sách

Thi Thi| 31/03/2013 06:38

(HNM) - Chia sẻ dưới đây của TS Quách Thu Nguyệt góp cái nhìn đa chiều về giải thưởng sách cũng như hoạt động xuất bản hiện nay.

- Hiện đã có một số giải thưởng về sách như Giải thưởng Sách Việt Nam, giải của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội… Bà thấy thế nào về vai trò và dấu ấn của Giải Sách hay trong đời sống xuất bản trong 2 năm qua?

- Tuy khởi động muộn so với nhiều giải khác nhưng qua hai mùa giải, Sách hay đã bước đầu tác động đến ý thức trách nhiệm của người làm nghề xuất bản. Cá nhân các tác giả, dịch giả trân trọng giải. Sau khi giải thưởng được công bố, nhiều tác phẩm được bạn đọc tìm mua, nhiều tựa sách lần lượt được tái bản như bộ sách về “Chiến lược cạnh tranh” của M.Porter, “Tư duy kinh tế Việt Nam: 1975-1989” của Đặng Phong, “Khuyến học” của dịch giả Phạm Hữu Lợi, “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” của Phạm Ngọc Thuần…

Có nhiều chuyện vui, như ngay sau lễ trao giải năm 2012, một số tác giả, nhà làm sách gọi điện đến BTC đề nghị được tặng sách của họ với mong muốn được BTC “để mắt” đến tác phẩm trong mùa giải sau.

TS Quách Thu Nguyệt (người đứng) phát biểu tại một buổi tọa đàm.


- Cuối tháng 4 tới là thời điểm tập hợp các đề cử chuẩn bị cho mùa giải thứ ba, bà dự đoán thế nào về tình hình đề cử cho các hạng mục năm nay?

- Vào ngày Thế giới đọc sách 23-4 hằng năm, BTC giải chính thức khởi động cho mùa giải của năm và đến Trung thu sẽ công bố và trao giải. Tuy phải đợi đến cuối tháng 4 mới bắt đầu có những đề cử trên trang web sachhay.com, nhưng với cách truyền thông, tạo cơ hội đưa sách đến bạn đọc qua các ngày hội sách, hoạt động giao lưu, tọa đàm về tác phẩm, tác giả, tôi tin số lượng tác phẩm đề cử năm nay sẽ rất phong phú.

- Sách đoạt giải ở Việt Nam không ít, nhưng nhiều khi không ra được “mặt tiền” ở các nhà sách. Bà có cho rằng sự phối hợp giữa việc tổ chức giải với hoạt động xuất bản, phát hành ở ta vẫn còn thiếu chặt chẽ?

- Hai năm đầu, chúng tôi chủ yếu tập trung cho công tác tổ chức. Chuyện “hậu kỳ” của giải phụ thuộc vào độ nhạy bén của các nhà làm sách và phát hành. Năm 2012, cũng có những đơn vị khá nhạy trong việc tranh thủ sự kiện giải, như Công ty Sách Phương Nam, một tuần sau lễ công bố và trao giải đã cho quảng cáo về các sách được giải của đơn vị này. Họ cũng xin logo của giải thưởng để dán lên bìa sách, lại dành vị trí trang trọng để trưng bày các sách được trao giải trong hệ thống nhà sách của Phương Nam. Theo tôi, đây là một kinh nghiệm hay.

Năm 2013, BTC bàn ý tưởng để gắn kết chặt chẽ hơn với các nhà làm sách có tác phẩm được trao giải nhằm kéo dài hiệu ứng của giải và tăng sức lan tỏa đến với cộng đồng.

- Bà nhận thấy sách Việt những năm gần đây có sự đổi mới gì ở góc độ “chuẩn, đẹp” bên cạnh nội dung “hay”?

- Tôi cho rằng ấn phẩm của nhiều nhà làm sách uy tín ngày càng đẹp và chất lượng hơn, từ chất liệu giấy đến trình bày bìa, ruột, kỹ thuật in và đóng xén khá tinh xảo, không thua gì sách nước ngoài. Sách có mã vạch thương mại, mã vạch quốc tế ISBN, có trang mô tả thư viện, có phần index… Nhiều tựa sách giá trị còn được phát hành dưới dạng những ấn bản đặc biệt, số lượng hạn chế, thậm chí được đánh số, hoặc có chữ ký của tác giả, dịch giả…

Hiện một số đơn vị làm sách đã có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm, không chỉ ở hình thức mà cả về nội dung nhằm đủ sức đứng được ở thị trường quốc tế rộng lớn đầy thách thức. Tôi cho đây là những nỗ lực đáng được động viên và quan tâm hỗ trợ từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông.

- Thưa bà, có thể nói chưa bao giờ công chúng lại có nhiều sách để đọc như hôm nay. Thế nhưng, văn hóa đọc được cho là đang xuống dốc?

- Đúng là văn hóa đọc đang chịu áp lực từ sự cạnh tranh và chia thị phần của nhiều kênh truyền thông và giải trí khác. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là ai đọc, đọc gì?

Dựa trên kết quả khảo sát ở một số đề tài nghiên cứu, lượng người mua sách, hoạt động giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm… tôi thấy phần đông người đọc sách, mua sách là những người trẻ. Trang web bán sách qua mạng tiki.vn ở TP Hồ Chí Minh thu hút lượng khách hàng hầu hết là thanh thiếu niên. Công ty chuyên về đo lường công chúng (FTA) cho biết, nhiều người trẻ dành ra ít nhất 500 nghìn đồng một tháng để mua sách, cả ebook và sách in.

Tôi hoàn toàn lạc quan với nhu cầu và xu hướng đọc của giới trẻ. Vấn đề là cần nhiều hơn nữa các hoạt động truyền thông, quảng bá sách để giúp bạn đọc chọn được sách hay, sách cần thiết.

- Xin chân thành cảm ơn bà!

Giải thưởng Sách hay là giải thưởng dân lập thuộc Dự án văn hóa giáo dục sachhay.com. Giải Sách hay do độc giả, các học giả bình chọn và Hội đồng chuyên gia xét tuyển. Năm 2011, giải có 7 hạng mục: Giáo dục, nghiên cứu, tra cứu, kinh tế, quản trị, văn học, thiếu nhi. Năm 2012, có thêm giải dấu ấn mới. Năm nay, dự kiến sẽ có 6 hạng mục (không có giải tra cứu), giải dấu ấn mới được đổi thành giải phát hiện mới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giới trẻ không quay lưng với sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.