Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sáng tác múa về đề tài lịch sử: Chưa lay động người xem

An Nhi| 06/04/2013 08:13

(HNM) - Sáng tác múa về đề tài lịch sử cũng như tất cả những loại hình nghệ thuật khác luôn là mảnh đất hấp dẫn đối với những người làm nghề. Nhưng chọn được đề tài trong kho tàng 4000 năm dựng nước và giữ nước của cha ông để tôn vinh nghệ thuật múa là điều đáng bàn.


Đồng hành và tái tạo

Thực tế, ngành múa nước ta đang tồn tại hai cách tiếp cận về đề tài lịch sử trong xây dựng tác phẩm của các tác giả: đồng hành với lịch sử và tái tạo lịch sử. Như NSND Ứng Duy Thịnh cắt nghĩa, tác giả đồng hành với lịch sử là những người được sống trong thời gian xảy ra biến cố lịch sử dân tộc, nên tác phẩm của họ thể hiện rõ hai thiên chức - nghệ sĩ, chiến sĩ và rất chân thực, mang hơi thở thời sự. Còn tác giả tiếp cận bằng cách tái tạo lịch sử là những thế hệ biên đạo trẻ, chỉ biết lịch sử qua phim ảnh, tư liệu nên lịch sử thường được thể hiện lung linh, huyền thoại hơn và mang đến cái mới của đời sống đương đại vào tác phẩm. Tuy nhiên, dù là thế hệ người sáng tạo nào thì vẫn cần phải hiểu biết sâu về lịch sử, về thời điểm, diễn biến và nhân vật trong đề tài mình đề cập.

Cảnh vở múa “Mệnh trời tình đất”.



NSND Chu Thúy Quỳnh nhấn mạnh: "Tác phẩm nghệ thuật, nhất là nghệ thuật múa phải hư cấu, nhưng sự thêm, bớt ấy cũng phải tính toán cẩn thận để không làm méo mó nhân vật lịch sử hay sự kiện lịch sử".

Tác phẩm múa chính là một cách thức mới đem lại vẻ đẹp, truyền tải thông điệp của sự kiện, nhân vật lịch sử đến công chúng. Thực tế, như NSND Đặng Hùng chia sẻ, dòng chảy múa, đang như một trào lưu chỉ có chức năng giải trí. Cho nên, các nghệ sĩ cũng là những người sáng tạo song song, trong đó múa phục vụ giải trí đã và đang được đầu tư nhiều hơn. Vì vậy, số lượng tác phẩm múa về đề tài lịch sử hiện có quá ít mà chất lượng lại chênh lệch.

Tính nghệ thuật bị xem nhẹ

Lý giải đầu tiên là ở phía người sáng tạo, bao gồm cả tác giả kịch bản, đạo diễn, nghệ sĩ thể hiện khi nhiều người chưa hiểu đúng múa về đề tài lịch sử. NSND Lê Ngọc Cường chỉ ra rằng: "Trong nghệ thuật cần phải có nhiều thước đo để thúc đẩy sự sáng tạo thì hầu như chúng ta chỉ coi trọng tính tư tưởng mà xem nhẹ tính nghệ thuật - nội dung được ưu tiên trước tiên". Bởi thế, tác phẩm như một sự sao chép sự kiện, kém hẳn sức hấp dẫn. Như một số tác phẩm múa về nhân vật chị Võ Thị Sáu và anh Nguyễn Văn Trỗi được khai thác gần đây, công chúng chưa thấy được những chi tiết điển hình, đặc sắc trong hành động của mỗi vị anh hùng mà được xây dựng rất chung chung.

Khác với các loại hình nghệ thuật như văn thơ, mỹ thuật, âm nhạc, lịch sử được phản ánh qua góc nhìn của một người sáng tạo, múa là bộ môn nghệ thuật hình thành từ sự cộng hưởng tập thể: Người sáng tác kịch bản, biên đạo, diễn viên, nhạc sĩ, họa sĩ… Theo NSND Chu Thúy Quỳnh: "Họ phải cùng rung động với sự kiện, nhân vật lịch sử được đề cập mới có thể hình thành nên một tác phẩm hoàn thiện". Sự không đồng điệu trong cảm xúc của từng cá thể sáng tạo đã khiến nhiều tác phẩm múa chưa lay động được khán giả.

Song, vấn đề đau đầu là các vở múa về đề tài lịch sử gần đây dù khá hấp dẫn, được đánh giá cao về mặt nghệ thuật như "Ngọn lửa Hà Thành", "Mệnh trời tình đất", "Ngọn lửa trong tim", "Con đường từ trái tim"… sau vài buổi diễn lại bị "đắp chiếu". Mức kinh phí đầu tư cho mỗi tác phẩm này ít nhất cũng ngốn hai tỷ đồng cùng công sức lao động của cả một tập thể nghệ sĩ cả năm trời. Xót những "đứa con tinh thần", nhiều tác giả, đạo diễn đã phải thuê cả đội ngũ ghi hình, in băng đĩa tác phẩm "chào hàng" tại các đài truyền hình. Tuy nhiên, không phải ở đâu những tác phẩm này cũng được đón nhận và đối tượng thiệt thòi nhất lại là công chúng.

Rõ ràng, thiếu sự đầu tư và tâm huyết, nghệ thuật múa khó hoàn thành được vai trò!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tác múa về đề tài lịch sử: Chưa lay động người xem

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.