Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân đừng "soi" quá kỹ

Hoàng Lân| 10/04/2013 21:14

(HNMO) – Ngày 10-4, tại Hà Nội, hàng chục nhà khoa học cùng các các nghệ nhân ở các lĩnh vực nghệ thuật, các tỉnh đã có một buổi trao đổi về bản dự thảo lần 3 Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật.

Các nghệ nhân dân gian Việt Nam, người đã về với tiên tổ, người cũng đã mắt mờ tay run


* Mơ hồ, thiếu thực tế

Sau 10 năm dài lên tiếng, đấu tranh để có được một tấm bằng công nhận danh hiệu cho những nghệ nhân đóng góp cho sự gìn giữ di sản văn hóa đã có tín hiệu vui khi mà các nhà quản lý quyết tâm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Nghị định. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên cho biết: "Theo kế hoạch, hết năm 2013 dự thảo Nghị định mới hoàn thành. Song vì thực tế cấp bách nên lãnh đạo Bộ quyết tâm đẩy nhanh và tiến hành nhiều bước làm song song". Đây có thể coi là niềm vui nho nhỏ đối với những nghệ nhân của Việt Nam, vì những cống hiến của họ sắp được xã hội, nhà nước công nhận một cách chính thức, rõ ràng hơn.

Bản dự thảo lần 3 của Nghị định được các nhà khoa học, nghệ nhân mang ra phân tích, mổ sẻ những điều hợp lý và bất cập. Theo đó, có rất nhiều ý kiến cho rằng, bản dự thảo Nghị định có nhiều điểm còn chung chung, không rõ ràng, không phù hợp với hoàn cảnh thực tế khiến cho nhiều người mơ hồ. Theo GS Tô Ngọc Thanh trong điều 12 của dự thảo Nghị định quy định hồ sơ xét tặng danh hiệu còn nặng tính hình thức với các tài liệu đi kèm gồm video, clip, ảnh mô tả, bằng khen..., chứng minh tri thức, kỹ năng và đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Đa phần các nghệ nhân đã già, sức yếu, nhiều nghệ nhân là người dân tộc thiểu số làm sao có tài liệu lưu trữ theo yêu cầu hay có thể kê khai bảng thành tích dài dằng dặc như những nhà tri thức?.

Điều 12 của dự thảo Nghị định này cũng mắc phải sự phản ứng của rất nhiều đại biểu khác. GS Trần Tiêu, GS. TSKH Hoàng Chương và một số đại biểu đều nhấn mạnh đến đặc thù khi làm quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT là với đối tượng là những người lao động sáng tạo độc lập; họ không thuộc biên chế một tổ chức nhà nước; vì thế, cần đơn giản hóa đến mức có thể các thủ tục hành chính trong quá trình khai nộp, làm thủ tục xét, tặng.

Cần nhanh chóng và cụ thể ban hành Nghị định xét tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để các nghệ nhân tuổi cao có cơ hội hưởng chế độ Nhà nước


Ông Vũ Trường Thành, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ cũng nêu ý kiến, tại khoản 3 điều 3 của Nghị định vẫn khá mơ hồ về mức trợ cấp đối với các nghệ nhân được phong tặng. Trong điều, khoản này ghi chung chung: Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL trình Thủ tướng ban hành chế độ bảo hiểm y tế đối với NNND, NNƯT, trợ cấp sinh hoạt hàng tháng với NNND, NNƯT có thu nhập và hoàn cảnh khó khăn. Ông Thành cho rằng: Tại sao Nghị định không quy định rõ mức trợ cấp hàng tháng đối với các nghệ nhân được phong tặng bằng bao nhiêu phần trăm lương cơ bản giống như trả công cho người quản lý một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể?.

* Tâm tình nghệ nhân

Trong buổi hội thảo lấy ý kiến dự thảo lần 3, sự góp mặt của các nghệ nhân ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật đã đưa ra những tâm tình, bức xúc riêng. Nghệ nhân quan họ Nguyễn Thị Hình nêu thực tế, có khá nhiều nghệ nhân cao tuổi cả đời cống hiến cho quan họ, dành tâm huyết để truyền nghề cho con cháu nhưng không có tấm bằng nào, nhưng lại có những người được cử đi biểu diễn ở nước ngoài một vài lần và được công nhận.

Nghệ nhân Nguyễn Hữu Trọng thuộc CLB những người yêu quan họ, tỉnh Bắc Ninh ngậm ngùi chia sẻ: Hiện có hơn 40 cụ nghệ nhân đã ra đi, không kịp hưởng chính sách đãi ngộ nhà nước. Ở Bắc Ninh quy định phải 80 tuổi trở lên thì được xét nghệ nhân, cụ trẻ nhất là 83 tuổi được Bắc Ninh tặng danh hiệu. Nhiều người được phong tặng răng rụng hết, không nói được nữa chứ chưa nói đến hát, trình diễn Quan họ. Quy định thì cứ thế mà áp, dù có cống hiến cả đời mà chưa đạt 80 thì chưa được ông nhận và cũng không phải ai cũng có phước thọ được từng đấy tuổi.

Nhiều nghệ nhân khác như nghệ nhân hát văn Lê Bá Cao (82 tuổi), nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết đã bùi ngùi phát biểu trong hội nghị bằng tâm trạng nuối tiếc. Thực tế, đến nay số lượng các nghệ nhân đang ngày một ít dần, nhiều cụ đã về với tiên tổ để lại sự tiếc nuối cho thế hệ con cháu trong việc gìn giữ những di sản văn hóa truyền thống. Nhiều cụ hiện nay đang ở tuổi gần đất, xa trời vẫn đang trông ngóng vào việc sớm ban hành Nghị định để có thể có được một tấm bằng công nhận và hưởng sự đãi ngộ của Nhà nước.

Sau buổi lấy ý kiến dự thảo lần 3, Bộ VHTT&DL tiếp tục lấy ý kiến của các cá nhân và đơn vị có liên quan. Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, trong tháng 4 hoặc chậm nhất đầu tháng 5, Ban soạn thảo sẽ hoàn thành bản dự thảo Nghị định lần 4 và cố gắng trình Chính phủ ban hành trong năm 2013.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét tặng danh hiệu cho nghệ nhân đừng "soi" quá kỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.