Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những người bảo vệ "giấc mơ" Chapi

Hoàng Công Tâm| 21/04/2013 06:32

(HNM) - Trong một lần đến dãy núi Trường Sơn thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận, nhạc sĩ Trần Tiến, một người con Hà Nội đã “phải lòng” một loại nhạc cụ của người dân tộc Raglai để rồi viết nên một ca khúc tuyệt hay với ca từ nôn nao lòng người.

Chúng tôi tìm đến xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận), nơi có tiếng đàn Chapi (loại nhạc cụ quan trọng và gần gũi nhất đối với tộc người Raglai) thường vang lên trong lễ lúa mới, lễ xuống đồng... khiến Trần Tiến phải lặng lòng. Chapi là loại đàn của người nghèo, bởi chỉ một ngày đi rừng tìm tre to về làm là hôm sau có thể chơi được rồi. "Thế nên ngày xưa, nhà nào cũng có Chapi, người nào cũng biết làm đàn Chapi. Năm 12 tuổi mình đã biết làm đàn Chapi rồi! Chẳng ai dạy cả, thấy cậu mình làm, mình bắt chước làm theo thôi" - Chamalé Âu, người đàn ông 57 tuổi ở thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy.

Chamalé Âu chơi kèn kadet (loại kèn làm bằng sừng dê núi).


Chamalé Âu là nghệ nhân khảy đàn Chapi hay nhất ở Ninh Thuận. Còn bây giờ? Người đàn ông suốt đời gắn bó với cây đàn Chapi lặng người hồi lâu trước câu hỏi của chúng tôi, rồi trầm giọng: "Cứ bước vào mùa lễ hội thì làng trên xóm dưới đâu đâu cũng rộn ràng tiếng Mãla hòa cùng tiếng nỉ non của đàn Chapi, vui lắm! Nhưng đó là... ngày xưa. Còn bây giờ, tụi con trai, con gái thích nhạc xập xình hơn…".

Cũng bởi thế nên bây giờ, người Raglai biết làm đàn Chapi cũng chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Chamalé Âu bảo, việc chế tác đàn Chapi cũng đơn giản thôi. Chỉ cần cắt lấy một khúc lồ ô không quá già và cũng không quá non, rồi dùng một con dao nhỏ thật bén rạch dài, lẩy lên thành 12 dây theo từng cặp. Giữa ống tạo 6 cái phím bằng tre, mỗi phím đính vào hai dây đàn. Dưới ống khui một lỗ nhỏ rồi dùng dây mây vạt mỏng cột chặt, dùi một lỗ lớn giữa ống, cắm vào đoạn tre làm tay cầm khi khảy... là xong một cây đàn Chapi. Trong những buổi lễ cưới, lễ ăn lúa mới, cây đàn Chapi bao giờ cũng là nhạc cụ chủ đạo cho cả giàn Mãla hòa theo. Giữa núi rừng, tiếng Mãla bập bùng hòa cùng tiếng đàn Chapi thầm thì, thủ thỉ như tiếng mời gọi ông bà tiên tổ về chứng giám cho con cháu đang tận hưởng niềm vui của một mùa lúa bội thu, sự giao hòa của những đôi lứa…

Người Raglai không chỉ còn Chamalé Âu níu giữ "giấc mơ Chapi". Ngược lên vùng núi rừng Bác Ái, đến xã Phước Thắng, chúng tôi gặp năm chị em của dòng họ Pinăng. Họ là đội Mãla nữ duy nhất của tỉnh Ninh Thuận. Không chỉ biết đánh Mãla (loại nhạc cụ bằng đồng) hay họ còn biết chơi nhiều nhạc cụ truyền thống khác của người Raglai. Pinăng Thị Mai, cô em út của dòng họ, là một người như thế. Có thể nói không ngoa rằng Pinăng Thị Mai là người phụ nữ Raglai duy nhất vừa địu con trên lưng vừa tưng bừng với những nhịp điệu của Mãla. Mai cùng với những người chị của mình đã nhiều lần đem vinh quang về cho tỉnh Ninh Thuận qua những lần đi biểu diễn trong Nam, ngoài Bắc. Nhưng Mai còn chơi đàn Chapi cực hay. Sân nhà Mai, cứ mỗi chiều về lại rộn ràng tiếng Mãla, tiếng đàn Chapi. Pinăng Thị Mai bảo cô phải hình thành thói quen như vậy để truyền dạy lại cho những đứa cháu trong dòng tộc cái "hồn" của núi rừng.

Nhìn, nghe những gì Mai truyền đạt cho đứa cháu, chúng tôi hiểu nỗi ưu tư của cô cũng như của ông Chamalé Âu về tương lai những loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Nhưng cảm nhận được sự say mê của Mai, của Chamalé Âu và ánh mắt hấp háy khám phá của những đứa trẻ đang tập đàn, chúng tôi vẫn tin rằng, những tiếng vọng ngàn đời của núi rừng Bác Ái, tiếng vọng của ông bà tiên tổ của người Raglai sẽ tồn tại mãi mãi. Chia tay chúng tôi, Pinăng Thị Mai nói như một lời cam kết, quyết tâm: "Ngày nào trên rừng còn cây lồ ô thì đàn Chapi sẽ không bao giờ mất đi!".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những người bảo vệ "giấc mơ" Chapi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.