Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tự hào khi được thể hiện hình tượng Bác Hồ

Hải Giang| 19/05/2013 06:15

(HNM) - Vào vai lãnh tụ, nhất là vai Chủ tịch Hồ Chí Minh dù ở giai đoạn nào của cuộc đời Người, cũng hoàn toàn không dễ...

Nghệ sĩ Tiến Hợi.


Nghệ sĩ Tiến Hợi (sinh năm 1959): Tôi đã có dịp thể hiện hơn 40 vai diễn về hình tượng Bác Hồ trong nhiều giai đoạn khác nhau cả trên sân khấu, truyền hình và điện ảnh. Trong đó, ấn tượng mạnh mẽ nhất với tôi là ở vai diễn đầu tiên và cũng là vai chính đầu tiên về Bác trong vở kịch "Đêm trắng" (năm 1987) của đạo diễn Doãn Hoàng Giang. Tôi khi ấy khoảng 28 tuổi, là diễn viên Đoàn kịch Quân khu II, tuổi nghề, tuổi đời đều non trẻ. Còn Bác Hồ mà tôi phải thể hiện lúc ấy chừng 58 tuổi. Khi NSƯT Nhữ Đình Nguyên hóa trang cho tôi xong thì tất cả đều công nhận: rất giống Bác, từ ánh mắt đến dáng đi…

Tất nhiên, đó chỉ là những thuận lợi ban đầu. Vào vai Bác, thể hiện hình tượng của Bác, cái khó nhất vẫn là chuyển tải được toàn bộ tinh thần của Bác (ở thời điểm mà tác phẩm khắc họa) qua giọng nói, phong thái, cử chỉ, hành động. Buổi sáng tôi lên sàn tập, nhưng chiều phải xem phim tư liệu về Bác, nghe lại những đoạn băng Bác nói chuyện với cụ già, trẻ em và các đối tượng khác. Phát hiện ra cách nhấn, cách phát âm, tính rõ ràng nhưng dí dỏm thể hiện trong giọng nói của Bác, chúng tôi vừa tập, vừa trao đổi và sáng tạo sao cho hình ảnh Bác gần gũi và thuyết phục nhất. Sau ba tháng, cuối cùng tôi hoàn thành vai diễn Bác Hồ ở vào một trong những thời điểm khó khăn nhất khi Người phải quyết định tử hình một cán bộ cấp cao vì tội tham nhũng. Đây có lẽ cũng là lần đầu tiên chúng ta khai thác hình ảnh Bác trong một tình huống Người giận dữ. Vở kịch này đã có hơn 300 đêm diễn phục vụ khán giả khắp nơi trên cả nước và đã nhận được tình cảm sâu sắc không ngờ của công chúng.

Một số vai chính về Bác khác mà tôi vinh dự được đảm nhiệm cũng để lại trong tôi những ấn tượng sâu sắc như Nguyễn Tất Thành trong phim "Hẹn gặp lại Sài Gòn" hay Chủ tịch Hồ Chí Minh trong "Hà Nội mùa đông năm 46".

Nghệ sĩ Minh Hải.


Nghệ sĩ Minh Hải (sinh năm 1979), người thể hiện vai Nguyễn Ái Quốc trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải": Trước khi vào vai Nguyễn Ái Quốc trong phim "Vượt qua bến Thượng Hải" tôi đang là một diễn viên kịch, mới vào vai chính có một lần và cũng là vai Bác Hồ đầu tiên trong vở kịch "Bác Hồ ra trận". "Vượt qua bến Thượng Hải" là một bộ phim hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc nên việc chọn diễn viên có sự tham gia của các nhà làm phim Trung Quốc. Tôi nhớ nhất buổi chọn diễn viên chính, sau khi được chụp ảnh (đúng góc nhìn như bức ảnh Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội của Đảng Xã hội Pháp ở Tua) để đánh giá về ngoại hình, tôi được giao một tình huống diễn thử hóc búa. Đó là: Anh hãy đứng lên nhìn về phía cửa sổ hình dung trước mắt một màn pháo hoa mừng năm mới, phía sau màn pháo hoa ấy là làng Sen, là quê hương xứ Nghệ và hãy thể hiện nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của Nguyễn Ái Quốc. Sau này, tôi mới biết đây là một cảnh gần như khó nhất trong phim, đồng thời là một cảnh mà tôi tâm đắc nhất. Phải nói, từ khi chọn diễn viên xong cho đến khi quay, thời gian rất ngắn, không đầy một tháng. Kịch bản cũng liên tục được sửa đổi, bổ sung. Bối cảnh phim ở vào thời điểm năm 1933 và tư liệu hình ảnh về Bác thời đó rất ít. Tuy nhiên, tôi đã nhận được sự ưu ái rất lớn từ đoàn phim để có điều kiện tốt nhất nghiền ngẫm kịch bản, tìm kiếm cách thể hiện Nguyễn Ái Quốc một cách sinh động nhất. Tôi cho rằng: Lãnh tụ cũng là con người, cũng có buồn vui, có lúc khóc, lúc cười. Vì vậy thể hiện vai lãnh tụ cũng phải làm sao cho gần gũi, bớt cứng nhắc, theo cách cảm, cách nghĩ của riêng tôi, nhưng đồng thời để cho khán giả chấp nhận được.

Sau vai diễn điện ảnh này, tôi may mắn tiếp tục được thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng 20 vở diễn sân khấu "Chuyện kể về Người", phát trên VTV. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào khi được thể hiện hình tượng Bác Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.