Theo dõi Báo Hànộimới trên

Festival Di sản Quảng Nam: Kết nối các di sản thế giới

Minh ngọc| 14/06/2013 06:38

(HNM) - Với sức lan tỏa sâu rộng, lễ hội

Một góc phố cổ Hội An.



- Đã trở thành "món ăn tinh thần" quen thuộc của công chúng trong và ngoài nước, ông có thể cho biết, "thực đơn" của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V có gì khác?

- Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V được tổ chức ở không gian rộng hơn với sự tham gia của các nước trong khối ASEAN. Ngoài không gian chính là đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn, Festival lần này mở rộng đến thành phố Tam Kỳ và các huyện Phú Ninh, Điện Bàn, Nam Giang, Đông Giang nhằm quảng bá các sản phẩm du lịch mới. Festival còn có sự tham dự của gần 500 nghệ sĩ quốc tế đến từ 7 quốc gia và vùng lãnh thổ với nhiều tiết mục nghệ thuật truyền thống hấp dẫn. Đặc biệt, các thí sinh chung kết cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần thứ III, các đoàn hợp xướng, nghệ thuật trong nước và quốc tế sẽ vừa diễu hành vừa biểu diễn nghệ thuật từ quảng trường sông Hoài, qua phố cổ Hội An về Nhà hát Hội An dự lễ khai mạc (tối 22-6), mang lại không khí tưng bừng cho festival. Đến thời điểm này, tất cả quốc gia thành viên ASEAN đã khẳng định sẽ tham gia.

- Mục đích chính của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V là tôn vinh, kết nối các di sản thế giới. Vậy yếu tố di sản trong festival này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

- Yếu tố di sản sẽ được thể hiện đậm nét tại "Không gian di sản văn hóa Việt Nam - ASEAN". Tại Công viên vườn tượng An Hội bên bờ sông Hoài, không gian di sản được sắp đặt theo 3 chủ đề chính, lấy trung tâm là di sản văn hóa Việt với phần trưng bày, giới thiệu nét đặc sắc của các di sản thuộc 22 tỉnh, thành phố của Việt Nam. Các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh như Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ, hát xoan… cũng được trình diễn tại đây. Còn các nước trong cộng đồng ASEAN sẽ đưa công chúng đến với các di sản văn hóa nổi tiếng của nước họ thông qua hình ảnh và bộ sưu tập về di sản.

Để kết nối di sản, các cuộc hội thảo "Cân bằng bảo tồn di sản và quá trình hiện đại hóa tại Việt Nam"; "Giáo dục di sản trong nhà trường tại Việt Nam"; "Triển khai kế hoạch hành động nhằm nâng cao việc thực hiện Công ước Di sản thế giới ở Việt Nam"; "Lồng ghép văn hóa và du lịch nhằm phát triển bền vững - chia sẻ kinh nghiệm từ mô hình Quảng Nam"; các cuộc gặp gỡ giữa các đoàn cũng sẽ được tổ chức. Với chuỗi hoạt động như vậy, Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V là sự kiện ngoại giao văn hóa đặc biệt.

- Trên thực tế, người dân Quảng Nam có công không nhỏ trong việc giữ gìn di sản, quảng bá du lịch. Vậy vai trò của họ trong kỳ festival như thế nào?

- Quan điểm của tỉnh là phát triển du lịch phải gắn kết với lợi ích cộng đồng, trong đó khu vực nông thôn và miền núi được đặc biệt chú trọng. Kỳ festival này, không gian tổ chức được mở rộng tới các huyện không nằm ngoài mục đích tôn vinh và thu hút người dân tham gia các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị của di sản, phát triển du lịch. Các chàng trai người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng; thiếu nữ vùng cao huyện Nam Giang sẽ mang đến "bữa tiệc" văn hóa đa màu sắc của các dân tộc. Du khách còn được trải nghiệm đời sống, sinh hoạt văn hóa của người nông dân làm du lịch ở làng rau Trà Quế (Hội An), làng chài Trà Nhiêu (Duy Xuyên), làng Bhờ Hôồng (Đông Giang)...

- Hội An được xem như một chuẩn mực về sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển di tích lịch sử - văn hóa. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm thu hút và khuyến khích người dân cùng tham gia bảo vệ di sản ?

- Thời gian đầu, không ít người dân Hội An muốn phá bỏ nhà cổ để làm lại nhà mới. Lý do không phải vì họ không yêu di tích, không thích sống trong ngôi nhà cổ của cha ông mà do trùng tu nhà cũ tốn gấp 5 lần xây mới trong khi điều kiện còn eo hẹp, kinh doanh trong khu phố cổ chưa phát triển. Từ thực tế đó, Hội An đã dành một phần tiền thu được từ bán vé tham quan đầu tư cho người dân trùng tu nhà cổ. Chính quyền thành phố Hội An xây dựng cơ chế rõ ràng trong việc bảo tồn, trùng tu di tích như các gia đình quá đông nhân khẩu được bố trí quỹ đất giãn dân; những ngôi nhà có giá trị điển hình được hỗ trợ 50% tiền tu bổ, nhà loại 2 được 30%, nhà ở mặt phố được hỗ trợ ít hơn, gia đình nào thuộc hộ nghèo còn được hỗ trợ nhiều hơn nữa. Quảng Nam cũng luôn chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp họ hiểu khách du lịch tới Hội An không chỉ vì di tích mà còn vì chính con người nơi đây… Bằng cách này, Hội An được UNESCO trao giải thưởng về chất lượng bảo tồn di tích.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Festival Di sản Quảng Nam: Kết nối các di sản thế giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.