Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách đãi ngộ nghệ nhân: Đừng lỗi hẹn thêm nữa!

Minh Ngọc| 31/07/2013 06:36

(HNM) - Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) một cách bền vững thì không thể thiếu bàn tay nghệ nhân, bởi họ là người nắm giữ bí quyết, trao truyền di sản cho thế hệ sau.


11 năm vẫn là dự thảo

Công bằng mà nói, sau khi Luật Di sản văn hóa được ban hành (năm 2001), vấn đề di sản nói chung, DSVH PVT và nghệ nhân nói riêng dần được nhận thức đầy đủ, thấu đáo. Các loại hình DSVH PVT không chỉ có nghề thủ công truyền thống mà còn có loại hình khác nữa như tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội và tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian… Đánh giá cao vai trò của nghệ nhân, ngay từ năm 2002, Bộ VH,TT&DL đã giao cho Cục Di sản văn hóa nghiên cứu xây dựng thông tư xét tặng danh hiệu nghệ nhân và có chế độ đãi ngộ dành cho họ, tiếc rằng chính sách nhân văn này đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Hát chèo tàu ở huyện Đan Phượng (Hà Nội).Ảnh: Bá Hoạt



Giải thích cho sự chậm trễ này, trong cuộc tọa đàm về việc thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tuần qua, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng DSVH PVT, Cục Di sản văn hóa cho biết: Căn cứ pháp lý để xây dựng thông tư là Luật Thi đua khen thưởng nhưng từ năm 2009 trở về trước, điều 65 của luật quy định rõ việc xét tặng nghệ nhân chỉ dành cho lĩnh vực thủ công truyền thống. Sau khi điều 65 được sửa đổi, Bộ VH,TT&DL bắt tay xây dựng dự thảo thông tư quy định, quy trình, thủ tục, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT). Tuy thế, ở thời điểm đó, Bộ Công thương đã ban hành quy định xét tặng danh hiệu nghệ nhân lĩnh vực nghề thủ công truyền thống. Vì thế, một lần nữa việc xây dựng dự thảo thông tư xét tặng danh hiệu nghệ nhân lại nhùng nhằng do hai bộ chưa tìm được tiếng nói chung trong quá trình phối hợp xây dựng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng một hình thức phong tặng thì không nên để hai bộ cùng thực hiện. Trước những yêu cầu cấp thiết, gần đây, Chính phủ giao cho Bộ VH,TT&DL xây dựng dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT với 6 loại hình (nghề thủ công truyền thống do Bộ Công thương xây dựng). Bộ VH,TT&DL đã hoàn thành dự thảo Nghị định theo kế hoạch, dự kiến trình Chính phủ phê duyệt trong tháng 6 năm 2013. Tuy nhiên, đúng thời điểm này Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Thi đua khen thưởng để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới đây. "Luật bao giờ cũng phải đi trước nghị định một bước, vì thế, dự thảo Nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT tạm thời phải dừng lại, chờ Luật Thi đua khen thưởng sửa đổi được thông qua" - bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.

Như vậy, dự thảo nghị định quy định đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT tiếp tục phải sửa đổi, bổ sung và chế độ đãi ngộ với nghệ nhân chưa biết sẽ trì hoãn đến bao giờ.

"Bật đèn xanh" cho địa phương

Trân trọng những người có công gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động tôn vinh nghệ nhân. Ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH,TT&DL Bắc Ninh cho biết: Ngay sau khi dân ca quan họ Bắc Ninh được UNESCO vinh danh, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua "Quy định chế độ đãi ngộ đối với nghệ nhân dân ca quan họ Bắc Ninh". Theo đó, Bắc Ninh đã phong tặng danh hiệu cho 41 nghệ nhân quan họ kèm số tiền 5 triệu đồng hỗ trợ khi trao bằng. Những nghệ nhân này được nhận chế độ đãi ngộ hằng tháng bằng mức lương tối thiểu, được hưởng bảo hiểm y tế, chế độ mai táng như cán bộ, viên chức nhà nước. Cùng với quan họ, nghệ nhân ca trù ở Bắc Ninh cũng hưởng chế độ đãi ngộ tương tự. Thực hiện cam kết với UNESCO, tỉnh Bắc Ninh vừa phê duyệt đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013-2020" với kinh phí gần 65 tỷ đồng từ ngân sách. Trong 8 năm triển khai, dự kiến ca trù và quan họ sẽ tiếp tục được truyền dạy, quảng bá, có thêm không gian biểu diễn... Bằng cách này, di sản ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ. "Từ 45 làng quan họ gốc, Bắc Ninh đã phát triển thêm 329 làng quan họ thực hành. Ca trù bước đầu được khảo sát, kiểm kê và duy trì hoạt động đều đặn 4/4 CLB" - ông Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Quan tâm tới nghệ nhân, tỉnh Phú Thọ đã phong tặng, khen thưởng cho 34 nghệ nhân kèm theo mức hỗ trợ 5 triệu đồng. Trong dự thảo đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - hát xoan Phú Thọ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020", Phú Thọ dự kiến chi 196 tỷ đồng để đưa hát xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Dự thảo đề án còn đặc biệt đề cao vai trò của nghệ nhân và dành chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với họ. Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang, Nghệ An, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh… cũng đã và đang có mức hỗ trợ nhất định cho nghệ nhân yên tâm truyền dạy, cống hiến.

Nói về sự "vượt trước" của các địa phương, bà Nguyễn Thị Kim Dung nói: "Danh hiệu được trao theo Nghị định sẽ là danh hiệu do Nhà nước phong tặng, còn các danh hiệu kia là của địa phương. Đối với DSVH PVT, càng có chính sách đãi ngộ nghệ nhân sớm bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân ở các tỉnh, thành phố đáng được khuyến khích, miễn sao tuân thủ pháp luật".

Mừng vì nhiều địa phương đã chủ động, nhưng những người yêu di sản truyền thống hy vọng việc đề ra chính sách đãi ngộ nghệ nhân ở cấp vĩ mô sẽ không lỗi hẹn thêm nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách đãi ngộ nghệ nhân: Đừng lỗi hẹn thêm nữa!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.