Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên hoan múa đương đại tại Hà Nội: Cuộc gặp gỡ Á - Âu

Thụy Du| 21/09/2013 06:39

(HNM) - Từ ngày 25 đến 29-9, Liên hoan

Là một sáng kiến của EUNIC - mạng lưới các Viện Văn hóa và Đại sứ quán Châu Âu ở Hà Nội, trong khuôn khổ hợp tác với Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, do Viện Goethe điều phối, Liên hoan "Châu Âu gặp Châu Á trong múa đương đại" đã trở thành dịp hiếm hoi cho công chúng Việt Nam được tiếp cận, thưởng thức nghệ thuật múa đương đại. Ở lần tổ chức trước, liên hoan chỉ có 3 nước tham dự, gồm Việt Nam, Bỉ, Đức, số lượng nghệ sĩ ít ỏi. Năm nay, cuộc gặp gỡ giữa hai trường phái phong phú, đa dạng hơn với sự tham gia của các tác phẩm - nghệ sĩ đến từ 5 quốc gia, bao gồm Bỉ, Pháp, Anh, Israel, Nhật Bản và 2 sản phẩm hợp tác Đức - Việt, Pháp - Việt.

Vở múa của các nghệ sĩ Israel tại liên hoan.


Được chọn để diễn đầu tiên (tối 25-9, tại Trung tâm Văn hóa Pháp - 24 Tràng Tiền, Hà Nội), vở "Underground" - sản phẩm hợp tác giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp - có chủ đề lạ, đề cập đến cuộc sống dưới lòng đất. Hai biên đạo múa John Bateman và Nguyễn Anh Đức lấy ý tưởng từ các đường hầm ở Củ Chi, hình ảnh đàn kiến di chuyển để dàn dựng những vũ điệu xúc cảm, tôn vinh sức chịu đựng của con người. Các nghệ sĩ Việt Nam đã học tập ở bạn nhiều điều, bắt kịp kỹ thuật khó.

Các buổi còn lại diễn ra tại Nhà hát Tuổi trẻ (11 Ngô Thì Nhậm, Hà Nội). Phái đoàn Wallonie-Bruxelles (Bỉ) đã cử đoàn múa "Compagnie d'ici P." với tiết mục "Luống cày" tới dự liên hoan. Chỉ với 2 nghệ sĩ, gồm biên đạo múa Fré Werbrouck và nghệ sĩ trình diễn Sara Sampelayo Fernandez, tác phẩm múa đương đại của nghệ sĩ Bỉ sẽ đưa khán giả đến với hành trình khám phá bản ngã trên nền giai điệu mảnh, nhẹ như hơi thở, những động tác hình thể quyến rũ.

Các nghệ sĩ Israel và Nhật Bản lần đầu tham gia liên hoan, góp thêm sắc thái riêng cho trường phái múa đương đại Châu Á. Tác phẩm múa đơn "Alphard" do nghệ sĩ Mikiko Kawamura (chủ nhân loạt giải "Nghệ sĩ mới" của Nhật Bản) sáng tác và thực hiện, lấy cảm hứng từ ngôi sao sáng nhưng đơn độc. Chị chia sân khấu thành 9 ô, mỗi ô là một vũ điệu được trình diễn trên nền nhạc khác nhau. Tiết mục "Nấm Z" của Israel phản ánh mặt trái của cuộc sống đô thị qua các động tác hình thể dứt khoát, sắc nét nhờ sự nỗ lực đến tận cùng.

Đoàn múa Candoco đại diện cho nước Anh rất đặc biệt, gần giống như "Nơi đến" của Việt Nam - một đoàn múa đương đại chuyên nghiệp có sự tham gia của nghệ sĩ khuyết tật. Vở "Dịch chuyển" của họ dựa trên nền nhạc của Bach, các nghệ sĩ sử dụng xe lăn, phát triển dần từ múa đơn, đôi đến múa ba, kỹ thuật điêu luyện và giàu tính biểu cảm. Vở múa được trông đợi nhất có lẽ là "Thắp sáng", do biên đạo múa người Đức Anna Konietzky dàn dựng, dành cho 5 nghệ sĩ múa Châu Âu và 5 nghệ sĩ múa của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam. Họ đã miệt mài tập luyện từ tháng 3-2013, hợp tác chặt chẽ và tương trợ lẫn nhau để có được một tác phẩm hoàn thiện. "Thắp sáng" khơi nguồn chuyển động cho một nhóm người, 10 nghệ sĩ tạo hòa trong dòng chuyển động thần kỳ, tỏa năng lượng đến người xem. Đó là một vở diễn mà sự tương tác giữa diễn viên, nghệ sĩ âm thanh và khán giả được thể hiện rõ nét.

Liên hoan khép lại với một tác phẩm tươi trẻ mang sắc thái hip hop - "Nhữngcâuchuyệnnhỏ.com" do biên đạo Kader Attou và đoàn múa Accrorap của Pháp thực hiện. Với một chuỗi câu chuyện, những màn múa độc đáo nối tiếp nhau kết thành mạch cảm xúc thơ mộng, tạo hoài niệm về thời ấu thơ, đem lại niềm vui nho nhỏ cho khán giả.

Vé được phát miễn phí từ ngày 19-9, tại Viện Goethe Hà Nội (56-58 Nguyễn Thái Học), Trung tâm Văn hóa Pháp (24 Tràng Tiền, Hà Nội), Trung tâm Giao lưu văn hóa Nhật Bản (27 Quang Trung, Hà Nội), Hội đồng Anh (20 Thụy Khuê, Hà Nội).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên hoan múa đương đại tại Hà Nội: Cuộc gặp gỡ Á - Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.