Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị lâu dài

Việt Nga| 05/12/2013 06:12

(HNM) - Với 77,9% đại biểu tán thành, kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV đã thông qua nghị quyết về việc ban hành danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thủ đô.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới bên lề kỳ họp, nhiều đại biểu HĐND thành phố cho rằng, việc thông qua các danh mục là hết sức cần thiết, tạo cơ sở cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị lâu dài, đồng thời góp phần cụ thể hóa các quy định tại khoản 3b, Điều 11, Luật Thủ đô.

Đại biểu Nguyễn Xuân Diên (tổ Ứng Hòa):
Cần xem xét toàn diện các danh mục

Tôi cho rằng việc ban hành các danh mục là hết sức cần thiết, tuy nhiên UBND thành phố cần xem xét, đánh giá toàn diện hơn nữa để có thể bổ sung danh mục làng cổ. Ví dụ, ở huyện Phú Xuyên có làng Cựu, thuộc xã Vân Từ, có cổng làng, cây đa, giếng nước, sân đình, trong đó có 60% nhà cổ… nhưng không có trong danh mục. Do vậy, tôi đề nghị thành phố nên có đánh giá lại tiêu chí danh mục làng cổ để công nhận thêm.

Với các công trình xây dựng trước năm 1954, tôi cho rằng báo cáo mới đánh giá trong phạm vi hẹp, cần mở rộng hơn nữa. Ở danh mục biệt thự cũ, tôi có nhiều băn khoăn, trăn trở vì biệt thự cũ hiện có nhiều loại hình sở hữu… Trong khi đó, báo cáo đánh giá chưa sâu, sơ sài về việc quản lý, sử dụng những biệt thự cũ này. Hiện trạng những biệt thự cũ ra sao, để bảo tồn trong thời gian tới mỗi căn biệt thự cần bao nhiêu? Theo tôi, muốn quản lý tốt thì ngoài thống kê, cần làm rõ tình hình sử dụng, hiện trạng của các biệt thự đó.

Đại biểu Hoàng Công Khôi (tổ Hoàn Kiếm):
Tập trung nguồn lực bảo tồn, tôn tạo

Tôi đánh giá cao việc HĐND thành phố bỏ phiếu thông qua nghị quyết danh mục phố cổ, làng cổ, làng nghề truyền thống tiêu biểu, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác xây dựng trước năm 1954 và di sản văn hóa phi vật thể hôm nay. Việc thông qua nghị quyết trước hết là xác định các danh mục di sản tiêu biểu để tập trung cho việc đầu tư tôn tạo; đồng thời, cũng là thực hiện theo Điều 11, Luật Thủ đô.

Việc UBND thành phố phân loại 1.253 biệt thự cũ (chia làm 3 nhóm), trong đó nhóm 1 là 225 biệt thự cần tập trung nguồn lực bảo tồn, tôn tạo là hết sức cần thiết. Từ năm 2008, HĐND thành phố đã có Nghị quyết số 18 xác định tất cả biệt thự trên địa bàn cần quản lý. Song theo Điều 11, Luật Thủ đô (có hiệu lực từ ngày 1-7-2013), Hà Nội phải xác định đâu là biệt thự tiêu biểu để tập trung nguồn lực đầu tư. Trong tháng 8-2013, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thành lập Hội đồng thẩm định, thực hiện xây dựng 5 tiêu chí (cũng đã được Bộ Xây dựng thông qua), mỗi tiêu chí đã định ra mức điểm cụ thể. Đồng thời, UBND thành phố cũng chỉ đạo rất chặt chẽ như thuê đơn vị tư vấn thuộc Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội tư vấn, cùng tham gia đánh giá, rà soát; giao Hội đồng đánh giá (gồm các hội, cơ quan có trách nhiệm) lựa chọn 225 biệt thự thuộc nhóm 1. Quy trình này được thực hiện chặt chẽ, bài bản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ sở để bảo tồn, phát huy các giá trị lâu dài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.