Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội luôn là đề tài phải bận tâm

Thi Thi| 08/12/2013 07:16

(HNM) - Bước từ tản văn sang truyện ngắn là một câu chuyện đáng bàn đối với tác giả nói riêng và với văn chương nói chung. Kiến trúc sư, nhà văn Nguyễn Trương Quý trò chuyện với Báo Hànộimới về điều này.



- Ra một loạt tản văn đậm đà "phong vị" Hà Nội, sau cả chục năm giờ mới có tập truyện ngắn đầu tay "Dưới cột đèn rót một ấm trà" (NXB Trẻ). Có vẻ như hành trình viết của anh hơi ngược so với thông thường?


- Cũng hơi ngược một chút thật. Nhưng chính xác là giờ tôi mới thấy có đủ thời gian, đủ trưởng thành về nhận thức thể loại để tự tin ra một tập truyện ngắn. Bắt đầu từ quãng năm 2008, khi tôi tham gia học lớp sáng tác kịch bản của Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (Hội Điện ảnh Việt Nam), tôi có viết hai kịch bản. Từ chất liệu này tôi đã phát triển thành hai truyện ngắn, đăng trên tờ Tuổi Trẻ cuối tuần và nhận được phản hồi tích cực. Lúc ấy, tôi bắt đầu nghĩ đến việc tập hợp, hoàn thiện những tác phẩm đã viết để ra sách. Nhưng năm 2011, truyện chưa kịp ra thì tản văn "Xe máy tiếu ngạo" lại ra trước. Cuối cùng, gần cuối năm 2013, "Dưới cột đèn rót một ấm trà" mới được công bố. Quá nửa truyện trong tập này đã từng in trên nhiều báo.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà từng nói với tôi: Nhà văn thì phải viết truyện ngắn, tiểu thuyết chứ tản văn thì chỉ là một thú chơi thôi, cũng như ai đó đã so sánh tiểu thuyết giống như "phở" của Hà Nội, truyện ngắn thì như các món "bún" và tản văn thì như các thức quà khác… Tôi không cực đoan đến mức ấy, nhưng việc thử sức với các thể loại cơ bản của văn xuôi là điều cần thiết đối với mọi người viết.

- Là tác giả thì muốn trải nghiệm, thử sức với các thể loại của văn xuôi như truyện ngắn, tiểu thuyết, nhưng dưới con mắt biên tập viên thì câu chuyện thể loại và nhu cầu bạn đọc có điều gì khác biệt, theo anh?

- Bây giờ là thời của viết ngắn, các tập tản văn thu hút người đọc nhiều hơn, bán cũng chạy hơn. Còn viết truyện ngắn, tiểu thuyết nhiều khi như một trò chơi "vô tăm tích". Các cuốn tản văn gần với nhịp độ đời sống đang diễn ra nên tính báo chí cao, người đọc mau chóng nắm bắt. Truyện ngắn, tiểu thuyết đòi hỏi cả người viết lẫn người đọc nhiều thứ hơn. Xác suất có một bản thảo tản văn đọc được cao hơn nhiều so với hai thể loại kia. Lâu lâu mới có một tập truyện hay tiểu thuyết để lại dấu ấn.

Nguyễn Trương Quý (sinh năm 1977, biên tập viên NXB Trẻ) là dân kiến trúc nhưng theo đuổi tản văn từ nhiều năm nay, có góc nhìn, giọng điệu riêng khi nói về Hà Nội. Loạt tản văn của anh gồm "Ăn phở rất khó thấy ngon", "Hà Nội là Hà Nội", "Tự nhiên như người Hà Nội", "Xe máy tiếu ngạo", và gần đây nhất là "Còn ai hát về Hà Nội". Nhưng, tác phẩm mới nhất của tác giả này lại là một tập truyện ngắn mang tên "Dưới cột đèn rót một ấm trà" (NXB Trẻ).

- Nhưng viết truyện ngắn so với viết tản văn có gì thú vị?

- Truyện cho phép tôi tự do tưởng tượng, dẫn dắt các nhân vật của mình, nghĩa là nó thoải mái hơn trong thể hiện; nhưng ngược lại, nó đòi hỏi sự dụng công về cấu trúc thể loại. Mình không lộ diện để trình bày quan niệm, mà gửi gắm thông điệp kín đáo hơn.

- Sự mông lung về tình yêu, hôn nhân trong "Dòng chữ", nỗi ám ảnh về giá trị đời sống trong "Buổi họp lớp", thậm chí là góc nhìn cuộc đời có hơi hướng "huyền ảo" trong "Câu chuyện bắt đầu từ tầng 10". Rồi là các vấn đề xã hội như đồng tính, đổ vỡ gia đình… Vẻ như tập truyện này mang "tâm sự ngổn ngang" của thế hệ trẻ trong một xã hội có nhiều biến động, thưa anh?

- Đó là những góc khuất, những bộn bề trong đời sống của thế hệ trẻ hôm nay, một trạng thái tâm lý mà như tôi đã nói trong một truyện ngắn là "thừa tinh tế mà thiếu can đảm". Những trải nghiệm, mất mát, trả giá và nỗ lực vượt thoát đó của người trẻ được chính họ nhìn nhận, đối diện… Tôi không dùng những đoạn trữ tình để miêu tả nhân vật, mà chủ tâm dồn nén xúc cảm, tâm tư, cá tính của họ trong mỗi hành động, mỗi lời thoại, trong tình tiết của câu chuyện.

- Dấu ấn kiến trúc sư của tác giả hình như hiển hiện khá rõ nét trong tập sách này. Ngoài những trang "đá đưa" kiến trúc đô thị như trong "Rừng mái rừng mơ" hay "Câu chuyện bắt đầu từ tầng 10"… thì giọng điệu, lối "phiêu phiêu, giàu tưởng tượng" cũng bộc lộ rõ trong nhiều trang viết. Đây là sự ảnh hưởng tự nhiên hay là sự chủ định nhằm tạo nét riêng cho tác phẩm của anh?

- Đúng là tôi có quan tâm đến phương diện tâm lý định hình bởi khung cảnh kiến trúc, tư duy không gian. Tôi muốn chuẩn bị kỹ bối cảnh cho nhân vật bước ra từ đó. Họ sống trong ngõ hẹp, trên căn hộ tầng cao hay mặt phố, họ sẽ mang tính cách của người sống ở nơi đó. Mối bận tâm về không gian sống, về chỗ định cư vẫn chiếm nhiều trí lực của người Việt Nam hiện nay.

- Hà Nội một thuở trong "Gió thu" thật ám ảnh. Sinh ra và lớn lên ở Thủ đô, điều gì trong "thân phận đô thị" thôi thúc anh tiếp tục khai thác trong những dự định sắp tới của mình?

- Hà Nội là vùng đất nhiều chồng lớp văn hóa, nhưng lại thiếu ổn định và đang chịu nhiều ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa… Tất cả đều tác động tới ứng xử của con người trong thành phố, từ tư duy tiêu dùng, lối sống công nghệ, văn hóa "giật" status… Tôi không muốn nói tới những điều bi quan nhưng cũng khó mà không đề cập tới sự tha hóa. Có thể chăng là sẽ sử dụng lối viết giả tưởng để phản ánh những câu chuyện đô thị Hà Nội hôm qua và hôm nay, những con người của mảnh đất này đã, đang cung cấp cho thành phố một năng lượng sống khổng lồ. Và, chỉ biết rằng càng đọc, càng viết, tôi càng cảm nhận rõ Hà Nội vẫn luôn là một đề tài khiến người ta phải không ngừng bận tâm, khiến bản thân tôi thấy cần phải tiếp tục khai thác.

- Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội luôn là đề tài phải bận tâm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.