Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Hạt nhân văn hóa

Hải Giang| 23/01/2014 06:20

(HNM) - Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) là một văn bản chiến lược, mang tinh thần đổi mới của Đảng, Nhà nước ta, đúng nhịp


Một nhận thức sâu sắc về văn hóa

Tại sao phải đặt lại một vấn đề lý luận mà tư tưởng Hồ Chí Minh đã soi tỏ từ nửa thế kỷ trước khi Người nói: "Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị"?

Là bởi trước biến động xã hội, vấn đề đó chưa được nhận thức sâu sắc, chưa biến thành hành động cụ thể.

Trong chương trình dạy bóng chày Mỹ trên VTV ngày 16-4-2011, huấn luyện viên bóng chày Mỹ không ngần ngại nêu: Ở nhiều nơi, môn bóng chày dạy người dân đi kèm với các chiến lược của công ty dầu mỏ Mỹ… Chương trình Văn hóa sự kiện của VTV1 sáng 7-6-2011 dẫn lời chỉ huy dàn nhạc vở diễn Carmen ở Hà Nội: Ở nước ngoài, văn hóa nghệ thuật là một yếu tố đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Muốn phát triển văn hóa phải chăm lo phát triển con người văn hóa. Ảnh: Viết Thành



Nhìn lại mười lăm năm qua, các trung tâm văn hóa của nước ngoài mọc lên nhanh và nhiều chưa từng có. Không chỉ mọc lên cho có, họ đang hoạt động ngày một hiệu quả với các sự kiện được xếp lịch cả năm. Mức độ phong phú và khả năng tác động xã hội thì khác nhau, nhưng chắc chắn không có địa chỉ nào không hoạt động. Nhiều trung tâm thu hút một lượng lớn trí thức và giới trẻ của ta tham gia vô cùng sôi nổi. Công bằng mà nói, văn hóa là của chung nhân loại, nhưng cũng phải thật công bằng khi nói những khoản đầu tư không nhỏ cho âm nhạc, giao lưu, xuất bản, chiếu phim ấy… sẽ giúp mở cửa cho các tập đoàn kinh tế lớn của các quốc gia này đến với thế giới, trong đó có nước ta.

Trên thực tế, các giải pháp văn hóa đang được các nước vận hành với một sức mạnh "mềm" khó ngăn cản. Còn chúng ta, nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đây đó vẫn mờ nhạt và hành động thì vẫn còn thủng thẳng.

Vì vậy, yêu cầu đầu tiên cho một chặng đường mới của Nghị quyết Trung ương 5 phải là nhận thức sâu sắc và cụ thể hóa vai trò của văn hóa đối với sự tồn vong của đất nước. Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh nêu rõ về yêu cầu tiếp tục đổi mới nhận thức và quan điểm về vị trí và vai trò văn hóa. Đặc biệt là ở vai trò "nhân tố hòa giải, đoàn kết dân tộc trước toàn cầu hóa và những âm mưu làm suy yếu nước ta".

Nhận thức ấy phải thấm vào đời sống, trở thành nhận thức chung và gắn liền với nhận thức của Đảng, ứng xử của những nhà quản lý. Bởi các quyết định và ứng xử này liên quan mật thiết tới hướng đi và bầu không khí văn hóa của xã hội.

Còn nhớ, bộ phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thủy ra đời quãng năm 1982, gặp khá nhiều sóng gió, bị cấm chiếu. Đến năm 1983, sau khi xem phim, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: "Tổ chức chiếu công khai cho nhân dân xem, càng rộng càng tốt, càng nhiều càng tốt". Đến năm 1986, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sau khi xem phim nói: "Bộ phim này chỉ có thế thôi à các đồng chí? Nếu nó chỉ có thế này thôi thì tại sao lại cấm?".

Nhận thức ấy cũng có liên quan mật thiết tới việc tạo dựng nguồn lực quan trọng nhất cho văn hóa là con người trong thời đại mới.

Cụ thể hóa mục tiêu, giải pháp xây dựng con người

Mười lăm năm qua cho chúng ta một bài học to lớn: Một định hướng hoàn toàn đúng đắn nhưng thiếu bước đi vững chắc dẫn đến nguồn lực trung tâm của văn hóa là con người chưa được chăm lo toàn diện.

TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ: Môi trường chính trị, kinh tế, xã hội cần con người gì thì chúng ta xây dựng con người đó. Và chúng ta cần phải dựa vào cấu trúc của văn hóa để xây dựng con người văn hóa, cấu trúc đó gồm văn hóa nhận thức, văn hóa tổ chức đời sống cộng đồng và đời sống cá nhân, văn hóa ứng xử môi trường thiên nhiên, với môi trường xã hội. Cụ thể như xây dựng con người trong tổ chức cộng đồng, cá nhân thì ăn ở, đi lại... ra sao? Đặc biệt là ứng xử với môi trường, xã hội, ứng xử trong chi bộ, trong đoàn thanh niên, làng xóm thế nào... Chuyển đổi kinh tế thị trường thì doanh nhân cần gì, có cần hiểu kinh tế thị trường, có cần văn hóa kinh doanh? Tiến sĩ Alan Phan (doanh nhân Việt Nam đầu tiên đưa công ty của mình niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ năm 1987) trong một buổi trò chuyện với sinh viên Học viện Báo chí tuyên truyền đã lấy ví dụ về "Người Việt dùng hàng Việt". Ông cho rằng, nếu chỉ hô hào lòng yêu nước chung chung mà không có tiêu chí cụ thể của văn hóa kinh doanh, sản phẩm làm ra còn kém chất lượng, còn giả dối... thì thật khó thuyết phục người dân.

Văn hóa rõ ràng đang là nhiệm vụ sống còn của toàn Đảng, toàn dân, không phải của riêng ngành nào.

Nhà thơ Huy Cận lúc sinh thời từng viết: "Trong bản lĩnh cá nhân có bản lĩnh dân tộc làm nền" và "Mỗi công dân phải mang trong người bản sắc văn hóa dân tộc sâu sắc, đồng thời phải có một bản lĩnh cá nhân rõ nét. Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể được xây dựng bởi tập thể của những con người có bản lĩnh mạnh, rõ nét, chứ không thể xây dựng bởi sự tập hợp của những con người có bản lĩnh mờ nhạt".

Con người Việt Nam thực sự là sức mạnh của Việt Nam, là nhân tố văn hóa của Việt Nam. Nghĩ về hai tiếng ấy để không có chính sách văn hóa nào trong thời gian tới không vì con người, và không có tăng trưởng kinh tế nào thiếu vắng chất nhân văn.

Làm được điều ấy, tức là Nghị quyết đã thấm sâu vào đời sống!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Hạt nhân văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.