Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghê, linh vật thuần Việt bị lãng quên

Lâm Vũ| 28/01/2014 06:21

(HNM) - Nghê - linh vật thuần Việt và có ý nghĩa biểu trưng sâu sắc, từng có một quá khứ lừng lẫy. Nó có mặt trong nhà, từ dân dã đến trưởng giả, cung điện, đình, đền, chùa, lăng, miếu với nhiều loại chất liệu khác nhau, từ đồng, gỗ, đá đến gốm tráng men.


Hiện nay, có sự tranh cãi về nguồn gốc của con nghê. Có không ít ý kiến cho rằng nghê là hóa thân của chó. Nhiều người lý giải, xưa nay, người Việt nuôi chó giữ nhà và coi chúng là người bạn gần gũi của con người. Trong đời sống tinh thần, tổ tiên ta cần có linh vật để xua đuổi ma quỷ và canh giữ cho gia chủ. Vì thế mà từ rất lâu, chó đá được dựng lên trước mỗi cổng làng, cổng đình, cổng nhà… tại nhiều làng quê miền Bắc. Để bày trước điện thờ của các nhà giàu có, hay các đền thờ, đình, miếu…, chó đá hóa linh, được đục đẽo với những chi tiết oai vệ và dần biến thành con nghê.



Tuy nhiên, theo PGS-TS Tống Trung Tín, Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nghê là một dạng sư tử được dân gian hóa. Trong lịch sử linh vật tạo hình của Việt Nam, rồng, phượng, sư tử, uyên ương... vào mỗi thời kỳ có sự thay đổi về hình dáng và ý nghĩa. Ví dụ, con rồng thời Lý rất uyển chuyển, nuột nà, tỉ mỉ; sang thời Trần, độ tinh xảo giảm đi một chút, thiên về sự khỏe khoắn. Sư tử cũng vậy, từ cuối thời Trần đã xuất hiện dưới một hình dáng khác, chất oai nghiêm giảm đi nhiều, trở lên hiền lành và gần gũi hơn. Sang thời Lê sơ, phát hiện về gốm sứ thế kỷ XV ở con tàu đắm Hội An cho thấy phong cách sư tử cuối thời Trần đã được đẩy lên đỉnh cao nghệ thuật. Đến các thời Mạc, Lê Trung hưng, trên cái đà đó, hình dạng của nó ngày càng biến đổi. Thời vua Lê, chúa Trịnh, do đã có vua, lại có chúa, nhiều khi chúa lấn át cả vua, trật tự xã hội có phần lỏng lẻo hơn, do vậy, người nghệ sĩ dân gian đưa tư duy đó vào trong hình tượng sư tử, khiến nó trở thành linh vật gần gũi trong nghệ thuật dân gian. Nó vẫn xuất hiện ở trong cung đình cùng lân, ly, quy, phượng, nhưng cũng có mặt cả ở trong đời sống dân dã. "Nghê là linh vật phát triển lên từ sư tử nhỏ. Nhưng hình dáng của nó hiền lành, gần gũi, không quá đỗi trang nghiêm. Từ một hình tượng biểu trưng cho quyền lực, cho sức mạnh của Phật giáo, nó dần trở thành hình tượng gần gũi trong dân gian. Nó được gọi là nghê, có lẽ là từ thế kỷ XIX" - TS Tống Trung Tín nhận định.

Nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa con nghê với con lân. Thực ra, nghê là linh vật đặc biệt của văn hóa Việt Nam, còn lân thuộc văn hóa Trung Hoa. Lân có sừng, thân hình tròn mập, đuôi ngắn; nghê không có sừng, dáng thanh, mình thon nhỏ, đuôi dài vắt ngược lên lưng.

Nghê là linh vật mang yếu tố huyền thoại, dũng mãnh, thiên biến vạn hóa, tượng trưng cho trí tuệ, có sức mạnh như chúa tể muôn loài. Khi nghê hóa rồng, nó là biểu tượng cao cho quyền lực chính trực; khi nghê ngậm ngọc, đó là biểu tượng cho sự khôn ngoan; khi nghê đứng chầu hai bên khán thờ, nó thể hiện vẻ uy nghiêm; khi nghê đeo lục lạc hay giỡn hí cầu, nó thể hiện sự tinh nghịch, vui tươi...

Khoảng nửa thế kỷ gần đây, con nghê dường như bị lãng quên. Tại các đình chùa, miếu mạo, thậm chí là ở cơ quan, công sở, người ta trưng toàn sư tử canh mộ Bắc Kinh. Theo các nhà nghiên cứu, có hiện tượng này là do truyền thông và các nhà nghiên cứu chưa hợp lực cùng nhau, nhà quản lý thiếu hiểu biết chuyên sâu và các nghệ nhân dân gian thấy lợi là làm quá. Một vấn đề tế nhị khác là con nghê thời Lý rất đẹp, nhưng nếu làm theo phong cách đó thì rất cầu kỳ, tốn kém, còn sư tử Bắc Kinh trông dữ dằn và gân guốc nhưng việc chế tác lại đơn giản, rẻ tiền. Vì lợi ích kinh tế, giữa hai linh vật, người Việt đã loại bỏ linh vật của mình dù nó mang tính thẩm mỹ và chiều sâu văn hóa hơn mà ít người nghĩ rằng khi mang linh vật ngoại lai về tức là đã quảng bá cho văn hóa nước ngoài, lãng quên văn hóa truyền thống dân tộc mình. Không ít nhà nghiên cứu bày tỏ ước nguyện là có một trào lưu phục hưng con nghê thời Lý, bởi làm điều này tức là chúng ta đã góp phần quảng bá cho nền văn hóa đỉnh cao của dân tộc Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghê, linh vật thuần Việt bị lãng quên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.