Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhà văn Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào”

Nguyễn Trường Văn| 02/02/2014 09:12

(HNM) - Trong sự nghiệp văn học đồ sộ của nhà văn Nguyễn Công Hoan có một tác phẩm mà tiêu đề nghe hài hài và liên quan đến Tết: Đó là truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào”.

Truyện được viết vào đầu năm Canh Thìn (1940), theo đơn đặt hàng của một tờ báo Tết. Thời kỳ này, con đường văn chương của Nguyễn Công Hoan gặp nhiều trắc trở. Trước đó, năm 1938, nhà văn cho xuất bản tiểu thuyết “Bước đường cùng”. Sau khi sách phát hành được ít tháng thì có lệnh cấm lưu hành, thoạt đầu ở Bắc kỳ, rồi tới Trung kỳ và Nam kỳ. Ngày 29-9-1939, Nguyễn Công Hoan bị bắt ngay trên bục giảng, bị giải sang Sở Mật thám Nam Định để tống giam. May nhờ sự can thiệp của Đảng Xã hội Pháp nên nhà văn được tại ngoại. Cũng trong năm đó, Nguyễn Công Hoan viết tiểu thuyết “Cái thủ lợn” bị cấm in. Một loạt các truyện ngắn ông viết sau đó như “Êu êu Mê đo”, “Hồi còi báo động”, “Công dụng của cái miệng”... đã bị kiểm duyệt xóa bỏ gần hết. Tiếp đó, ông bị treo bút.


Nhắc vậy để thấy bối cảnh xuất hiện của “Cái tết của những nhà đại văn hào”. Năm Canh Thìn ấy, ngoài truyện ngắn nhắc tới trên, Nguyễn Công Hoan cũng chỉ sáng tác thêm vài ba truyện ngắn nữa (không như năm 1938, ông viết tới gần ba chục truyện ngắn).

Truyện kể về mấy anh văn sĩ nghèo kiết xác, người nọ tính đến nhà người kia ăn tết, thế rồi xoay qua xoay lại, cuối cùng họ quyết định tìm đến nhà văn sĩ Nguyễn “ăn chực”, vì tin rằng, văn sĩ Nguyễn là người “có lương của Nhà nước”, trong năm lại xuất bản được nhiều sách, chắc tiền nong dư dả, đủ “bao” anh em một cái tết. Ai dè khi họ đến thì văn sĩ Nguyễn đang trong thảm cảnh phải cho vợ chạy đôn chạy đáo vay tiền trả nợ nếu không muốn bị người ta kiện ra tòa. Tuy rốt cuộc các “đại văn hào” (cách mà mấy anh em văn sĩ đùa vui gọi nhau) cũng được gia chủ đồng ý cho ở lại ăn tết với mình, song với điều kiện là chỉ bao khoản... ngủ. Vậy là, các “đại văn hào” Việt Nam đã trải qua một trong những cái tết bi hài nhất trong cuộc đời họ: Trong khi ở làng, người dân quê đã diện quần áo mới, đội khăn mới, đi giày mới để đến nhà nhau chúc tết thì họ vẫn nằm tùm hum trong bóng tối mà bàn luận về thân phận người nghệ sĩ, những người “góp tâm trí vào cho cái Tết của thiên hạ thêm vui”, trong khi bản thân thì “phải nằm khàn, đắp chăn xù xù”, “ăn cái tết tinh thần”.

Truyện “Cái tết của những nhà đại văn hào” mang âm hưởng buồn nhiều hơn vui. Truyện đưa ra nhiều câu bình luận nghe vừa châm biếm hài hước nhưng cũng đủ khiến độc giả hiểu và thương cảm cho thân phận của nhân vật - những người mà độc giả cứ ngỡ là cao sang, quyền quý, trong khi thực chất đến tiền đi xe điện vài kilômét mà cũng không đủ, buộc phải rảo cẳng bách bộ. Khổ là vậy song họ luôn tìm cách “trấn an”, “động viên” mình bằng những câu đại loại như: “Cái nghèo của nhà văn là cái nghèo thanh cao, cái nghèo đáng trọng, cái nghèo phải ghi vào lịch sử văn học của thế giới”, “sau khi chết, nhà văn còn bất tử”. Ở đây, cũng cần nói thêm, không rõ các nhân vật trong truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào” phát biểu điều gì “phạm thượng” mà trong truyện ngắn nói trên, có một số đoạn bị mất chữ và được chú thích là “do Ty kiểm duyệt Pháp xóa”.

Ngày nay, so với thời của Nguyễn Công Hoan, cuộc sống thay đổi nhiều. Song về cơ bản thì so với nhiều thành phần khác, các văn nhân thi sĩ vẫn thuộc lớp người gặp khó khăn, nhất là khi chế độ nhuận bút hầu như chỉ mang tính tượng trưng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà văn Nguyễn Công Hoan và truyện ngắn “Cái tết của những nhà đại văn hào”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.