Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái lẽ thuyết phục

Người Lái Đò| 30/03/2014 06:27

(HNM) - Hôm rồi, trong buổi làm việc giữa Đài THVN và Hội đồng Lý luận phê bình văn học - nghệ thuật TƯ (LLPB VHNT) bàn về các chương trình văn nghệ trên VTV, có một ý kiến rất đáng chú ý là: Thường sau mỗi trận đấu quan trọng của thể thao, nhất là bóng đá kiểu gì cũng có bình luận sâu.

Nhưng VHNT thì khác, thiếu những phê bình sắc, những phân tích sâu… về các tác phẩm, các sự kiện văn nghệ. Bên cạnh thiếu thì còn có chuyện chưa chuyên, nghĩa là người nói, người bình luận đôi khi chưa tiêu biểu, chưa thuyết phục.

Phải nói, bệnh này không mới nhưng là bệnh khá nan giải của tuyên truyền về văn nghệ nói chung. Để nói sâu, nói thuyết phục thì phải có đọc, xem, nghiền ngẫm, trao đổi. Nhưng ở cái thời thông tin mạng như hiện nay, "nhanh" xem ra là tiêu chí được lựa chọn nhiều hơn cả. Và khi đó, giảm đi chiều sâu, hiệu quả tuyên truyền sẽ hạn chế, sức hút với các nhà chuyên môn, với công chúng trình độ cũng xuống theo… Nhà văn Nguyễn Quang Thân đã thẳng thừng từ chối một cuộc phỏng vấn về tác phẩm văn học vừa đoạt giải của ông, đơn giản vì người hỏi chưa hề đọc tác phẩm này. Máy móc dẫu đã sẵn sàng, nhưng phóng viên đành rút bởi tác giả thành thật: Chưa đọc thì bạn biết hỏi gì, và tôi biết nói sao? Mới đây, trên trang mạng xã hội, một nữ nhà văn cũng tỏ nỗi lòng rằng đài nọ phỏng vấn chị nhưng người hỏi lại chưa từng đọc tác phẩm nào của chị, và chỉ biết đến nhà văn qua… một vài bài báo khác.

Phải nói kỹ năng tổng hợp tốt cũng giúp tuyên truyền văn nghệ qua được những vụ đòi hỏi nhanh, nóng, kịp thời. Nhưng để thu hút được văn giới, tìm kiếm được những ý kiến phê bình sắc sảo, neo được những nhận định chắc chắn trong lòng bạn đọc thì hoàn toàn không dễ. Và kỹ năng nào cũng phải xếp hàng sau những trải nghiệm thật sự của người làm tuyên truyền.

Đặc biệt, truyền thông với văn nghệ ngày nay cũng không dừng lại ở tin tức, bài phản ánh về một vở diễn, một bộ phim, một cuốn sách hay… Một mặt trận thực sự nóng bỏng của diễn biến hòa bình mà văn nghệ đã trở thành mục tiêu hàng đầu được nhắm tới. Hội đồng LLPB VHNT TƯ có hẳn một đề án về chống quan điểm sai trái, thù địch trong lĩnh vực này. Nhưng một lần nữa, phải nhắc lại là dù quảng bá, phản biện, hay đấu tranh phê bình thì cái lẽ thuyết phục vẫn là mấu chốt.

Mà cái lẽ ấy nào có được khi tuyên truyền hời hợt, nói lấy được và thiếu hẳn chiều sâu?!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái lẽ thuyết phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.