Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Long Thần Tướng” sẽ có cải tiến về nhiều mặt

Khánh Linh| 21/04/2014 06:40

(HNM) - Ở tuổi 28, mong ước trở thành họa sĩ vẽ truyện tranh dài kỳ, Nguyễn Thành Phong đang cùng những người bạn của mình tái khởi động dự án truyện tranh lịch sử có từ cách đây 10 năm - mang tên


- Anh có thể giới thiệu chi tiết về nội dung bộ truyện?


- "Long Thần Tướng" là một truyện tranh lịch sử giả tưởng dựa trên bối cảnh cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ hai (1282 - 1284) - một trong những giai đoạn hào hùng nhất trong lịch sử nước nhà. Đây là giai đoạn đấu trí vô cùng căng thẳng giữa nhà Trần với giặc Nguyên khi họa xâm lăng đe dọa bờ cõi. 15 tập trong bộ truyện này do tôi cùng người bạn Khánh Dương sáng tác cách đây 10 năm, đã được đăng trên Tạp chí Truyện tranh Trẻ của NXB Trẻ từ tháng 12-2004 cho đến tháng 7-2005.

Truyện tranh “Long Thần Tướng” do nhóm họa sĩ Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Mỹ Anh và Nguyễn Khánh Dương thực hiện.


- Làm truyện tranh về lịch sử ở Việt Nam không phải là điều đơn giản, anh lấy gì bảo đảm rằng độc giả sẽ đón nhận "Long Thần Tướng"?

- Trong lần xuất bản này, truyện tranh lịch sử thần thoại "Long Thần Tướng" sẽ có cải tiến về nhiều mặt. Bối cảnh và hệ thống nhân vật chính vẫn như cũ nhưng cốt truyện và phong cách vẽ thay đổi theo hướng mới, kéo dài trong 5 tập với dung lượng khoảng 600 trang. Đây là độ dài vừa đủ để người đọc có thể theo dõi được truyện và cũng đủ để truyền tải hết ý đồ của tác giả. Với lần trở lại này, "Long Thần Tướng" sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với tiêu chuẩn của truyện tranh hiện đại. Chúng tôi luôn tâm niệm là khi làm bất cứ một công việc gì cũng phải dồn tâm huyết, đầu tư thời gian và công sức một cách thực sự nghiêm túc. Bước đầu, dự án nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng yêu truyện tranh.

Chúng tôi xác định lần tái xuất này của "Long Thần Tướng" gắn liền với một dự án gây quỹ cộng đồng. Mô hình gây quỹ cộng đồng đang rất được chú ý trên thế giới hiện nay, và đây là một cách làm hiệu quả để các nghệ sĩ độc lập có thể đưa đứa con tinh thần của mình đến với độc giả.

- Liệu có sự e ngại của độc giả về chất lượng của một bộ truyện ra đời từ hình thức còn khá mới mẻ?

- Có hai lý do chính khiến chúng tôi quyết định sử dụng hình thức kêu gọi góp vốn cho dự án của mình. Thứ nhất, việc tìm kiếm nhà đầu tư hoặc một tổ chức để đầu tư vào sản xuất truyện tranh gần như là bất khả thi. Các nhà xuất bản Việt Nam thực sự không hứng thú nhiều với các dự án truyện tranh trong nước bởi mức độ rủi ro khá cao.

Lý do thứ hai, cũng là lý do chính, là với việc tự xoay xở vốn này, đội ngũ họa sĩ sẽ có thể thoải mái sáng tạo cũng như được toàn quyền quyết định kênh phát hành cho mình. Đối với độc giả, họ không chỉ nhận được thành quả sáng tạo sau khi bộ truyện hoàn thành, mà còn được nhận những món quà lưu niệm tùy vào mức đóng góp của mình cho dự án. Như vậy, đây có thể coi như một hình thức góp vốn và nhận lại sản phẩm chứ không phải là từ thiện.

- Anh chủ yếu được nhìn nhận như là tác giả của nhiều bức tranh minh họa hài hước, có ý nghĩa xã hội chứ không nhiều người nghĩ tới một Thành Phong - họa sĩ truyện tranh?


- Bản thân tôi là người không dễ để bị ảnh hưởng bởi ý kiến số đông. Tôi không phủ nhận rằng sau cuốn "Phê như con tê tê", tôi đã có cái nhìn nghiêm túc hơn về việc vẽ minh họa. Nhưng, công việc vẽ truyện tranh còn liên quan đến hoài bão lớn hơn từ thời đi học là hy vọng thay đổi quan niệm về truyện tranh ở Việt Nam. Mong muốn hồi sinh bộ truyện lịch sử "Long Thần Tướng" lần này cũng không nằm ngoài ý tưởng đó.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Long Thần Tướng” sẽ có cải tiến về nhiều mặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.