Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem "người xưa" họa biển, đảo

An Nhi| 24/07/2014 06:43

(HNM) - Nếu như ở các triển lãm mỹ thuật cùng đề tài về biển đảo được tổ chức gần đây có nhiều tác phẩm còn ướt màu sơn, thì với triển lãm


Triển lãm có 55 tác phẩm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đáng quý ở chỗ đa số được các nghệ sĩ thuộc thế hệ đầu của nền mỹ thuật Việt Nam vẽ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người yêu nghệ thuật ít có dịp được thưởng thức trực tiếp.

Khách xem tranh tại triển lãm.


Một so sánh có thể giúp thấy ngay sự khác biệt của triển lãm này so với các triển lãm tác phẩm mới có cùng đề tài được tổ chức trong thời gian gần đây: Sáng tác mới tập trung phản ánh đời sống của quân và dân ta ở ngoài hải đảo, ở những quần đảo xa như Trường Sa hay Hoàng Sa; các sáng tác của lớp nghệ sĩ đi trước đều "bám bờ", như "Thuyền Hạ Long" (sơn dầu, Trần Bình Lộc); "Biển Sa Huỳnh" (sơn mài, Nguyễn Thế Vinh), "Trưa hè Nha Trang" (lụa, Đỗ Thị Ninh), "Biển sớm" (bột màu, Vũ Thắng)... Hơn nữa, bút pháp trước và nay trong tranh cũng rõ sự khác biệt. Tranh của lớp "người xưa" có chất liệu và đường nét khá đơn giản nhưng thể hiện rõ cảm xúc khiến người xem dễ dàng rung động. Lý giải về điều đó, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội mỹ thuật Việt Nam nói: "Trước đây, các nghệ sĩ thường ký họa rồi hoàn thiện sau, còn họa sĩ ngày nay thường chụp ảnh rồi về vẽ. Đó là sự khác biệt bởi ngay trong bức ký họa được thực hiện trực tiếp đã có hồn rồi".

Về đề tài, sự lựa chọn của lớp họa sĩ đi trước không có nhiều khác biệt so với họa sĩ lớp sau. Vẫn là phản ánh cảnh đẹp thơ mộng ở biển như "Cầu tàu Côn Đảo" (màu nước, Huỳnh Phương Đông), "Buổi sáng ở biển" (khắc, Tô Ngọc Thành)… hay mô tả đời sống của ngư dân: "Hát trên biển ngày hè" (bột màu, Kim Thanh), "Ngư dân" (mực, Nguyễn Tiến Chung), "Tàu cá về bến" (sơn dầu, Mai San)… hoạt động đặc trưng vùng biển: "Xưởng đóng tàu Tiên Yên", (sơn dầu, Bùi Đình Lan), "Trên công trường chữa tàu" (sơn dầu, Phạm Lung)… Trong số tranh của họ, "mảng" về chiến sĩ hải quân, lực lượng dân quân biển bao giờ cũng có vị trí trang trọng, thể hiện qua: "Bình công sau chiến thắng sông Gianh" (màu nước, Lương Quý), "Dân quân gái Ngư Thủy" (sơn mài, Hoàng Trầm), "Hành quân trên sông Tiền" (màu nước, Thanh Châu)... Ở "mảng" này, lớp tranh trước và sau cũng có sự khác, những tác phẩm được sáng tác trong thời chiến, với súng ống, trận địa pháo… đã lột tả bầu không khí hừng hực và tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta, trực tiếp và sinh động.

Gây ấn tượng đặc biệt trong bộ tác phẩm "Giữ vững biển đảo Tổ quốc" là 10 bức màu nước của danh họa Trần Văn Cẩn, một trong "bộ tứ hội họa Việt Nam thế hệ đầu". Theo họa sĩ Trần Khánh Chương, đây là bộ tranh được họa sĩ Trần Văn Cẩn cảm tác từ chuyến dẫn học trò đi thực tế tại Quảng Ninh (năm 1960). Có những bức được vẽ ngay tại thực địa, có bức được ông vẽ sau nhưng tựu trung, những "Thuyền ở Hải thôn" (1965), "Kéo lưới" (1968), "Nữ dân quân Bảo Ninh" (1969), "Pháo thủ gái bảo vệ bờ biển" (1969)... của họa sĩ bậc thầy cho thấy sự khác biệt, ở chỗ người xem luôn bị cuốn hút vào chiều sâu mà ông tạo được. Tranh của ông luôn thể hiện sự nhạy cảm với cái đẹp, nhân vật rất sinh động trong lối vẽ có tiếp thu nghệ thuật phương Tây mà vẫn giữ được bản sắc Việt, nhất là cách phối cảnh. Chính trong chuyến đi này ông đã vẽ bức "Nữ dân quân vùng biển" bằng sơn dầu mà sau này nằm trong bộ tác phẩm được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1.

"Giữ vững biển đảo Tổ quốc" là dịp để công chúng tiếp cận với tác phẩm của thế hệ nghệ sĩ mỹ thuật Việt Nam đi trước. Từ nguồn tác phẩm của họ, ta có được một góc tiếp cận khác đối với vẻ đẹp biển, đảo quê hương, thêm nguồn cảm hứng về trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ sự toàn vẹn của vẻ đẹp thiêng liêng ấy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xem "người xưa" họa biển, đảo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.