Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức từ “bài toán” bảo tồn - phát triển

Hiền Dung| 31/07/2014 07:01

(HNM) - Mặc dù đã



Mặc dù đã "né" những mâu thuẫn có thể gặp phải như trong quá trình bảo tồn làng cổ ở Đường Lâm, song thực tế cho thấy, công tác bảo tồn làng Đông Ngạc trước sức ép đô thị hóa cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức.

Đình làng Đông Ngạc.


Người dân đồng thuận

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính và trở thành phường, điều khác biệt có thể nhận thấy ở Đông Ngạc chỉ là những xóm, làng xưa đã được chia thành các tổ dân phố, còn lại không gian của một làng khoa bảng có một không hai ở vùng Đồng bằng Bắc bộ vẫn được giữ nguyên. Đó là những con đường nho nhỏ, lát gạch nghiêng cổ kính, là hơn 100 ngôi nhà cổ độc đáo có niên đại trên 100 năm, là nhà thờ của những dòng họ danh giá cùng nhiều di tích, lễ hội, sinh hoạt văn hóa mang bản sắc rất riêng. Điển hình là nhà thờ cụ Đỗ Thế Giai (một vị quan thời vua Lê, chúa Trịnh) được làm từ các loại gỗ quý, mang đậm phong cách kiến trúc thời Lê, trong đó những hoa văn trang trí trên rèm cửa còn tương đối nguyên vẹn. Nhiều di vật quý của nhà thờ họ Đỗ như: rùa, hạc, bia đá, tượng ông phỗng, giá roi, hương án… được dòng họ lưu giữ đến nay.

Đình Đông Ngạc có nhiều thành phần kiến trúc được đánh giá là cổ kính, chuẩn mực đã tồn tại hơn 500 năm. Chùa Tư Khánh là một trong những ngôi chùa cổ kính còn tồn tại, cũng là ngôi chùa duy nhất ở Hà Nội được tặng danh hiệu "Toàn gia kháng chiến" trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946-1954). Cùng với các công trình kiến trúc cổ, từ lâu Đông Ngạc được biết đến là làng khoa bảng với 25 người đỗ Tiến sĩ qua các thời kỳ lịch sử và từ năm 1945 đến nay, làng có thêm gần 100 Tiến sĩ, trong đó nhiều người đang giảng dạy ở những quốc gia có nền khoa học phát triển...

Với những thế mạnh này, từ năm 2010, huyện Từ Liêm (cũ) đã coi việc bảo tồn và phát huy giá trị làng Đông Ngạc gắn với phát triển du lịch, dịch vụ khu vực Chèm - Vẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa, xã hội; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", Sở VH-TT&DL Hà Nội được giao nhiệm vụ xây dựng đề án "Bảo tồn Làng cổ Đông Ngạc" giai đoạn 2012-2020.

Để phù hợp với tình hình thực tế và tránh vấp phải những mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển khó giải quyết như ở Làng cổ Đường Lâm, đề án được điều chỉnh, bổ sung, thậm chí đổi tên nhiều lần. Đến nay, đề án đã cơ bản hoàn thiện với tên gọi "Bảo tồn và phát huy giá trị làng Đông Ngạc", được người dân địa phương đồng tình, ủng hộ và mong sớm được triển khai. Ông Lê Văn Đôn, Trưởng tiểu ban Quản lý (BQL) di tích tổ dân phố Đông Ngạc khẳng định: "Đề án được triển khai sẽ vừa góp phần giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, bản sắc văn hóa, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội. Quan trọng hơn, người dân sẽ từng bước nâng cao nhận thức và có ý thức giữ gìn vốn di sản văn hóa quý giá của cha ông để lại, qua đó giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ. Hơn ai hết, người dân chúng tôi mong muốn đề án sớm được triển khai để kịp thời cứu nhiều công trình di tích trước nguy cơ xuống cấp trầm trọng...

Còn những thách thức không nhỏ

Có thể nói, Hà Nội đã có những bài học "xương máu" trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị làng cổ, vậy nên sự cẩn trọng triển khai từng bước trong xây dựng đề án bảo tồn làng Đông Ngạc cũng vì mục đích khả thi của đề án. Song, việc đề án chậm được triển khai so với thời gian dự kiến ban đầu ít nhiều khiến việc bảo tồn di tích đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức. Ví như nền di tích đình Vẽ ngày càng bị ẩm thấp do người dân xung quanh xây dựng nhà; gác chuông chùa Tư Khánh đối mặt với nguy cơ đổ sập, mặc dù phường Đông Ngạc đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng cho phép tu bổ, tôn tạo gác chuông và nhà vuông của chùa. Miếu bà Tiết Hạnh, nhà thờ họ Đỗ cũng đã xuống cấp. Lo ngại hơn, chiếc kiệu của cụ Đỗ Thế Giai tồn tại mấy trăm năm, nay bị hỏng một bên, nếu không sớm khắc phục sẽ mất hẳn. Đó là chưa kể nhiều ngôi nhà cổ đã xuống cấp, cần được hỗ trợ bảo tồn… "Muốn giữ được Làng cổ Đông Ngạc tất nhiên phải giữ được những nét cổ của làng như cây đa, giếng nước, đình làng, lễ hội, những món ăn, sinh hoạt văn hóa truyền thống… Vì thế, nét cổ mất dần đi là điều đáng lo ngại" - ông Hoàng Đình Bảng, Trưởng tiểu BQL di tích tổ dân phố Nhật Tảo trăn trở.

Cũng theo tinh thần đề án, làng Đông Ngạc sẽ trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trong tương lai gần. Thế nhưng, ở Đông Ngạc hiện nay ngoài công trình sẵn có thì vẫn chưa có những điều kiện tối thiểu để níu chân du khách như: Nơi đón tiếp, đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh, nơi ăn uống, nghỉ ngơi, công trình vệ sinh công cộng... Đây cũng là những thách thức không nhỏ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị Làng cổ Đông Ngạc trong hiện tại và tương lai.

Nói về đề án này, bà Nguyễn Thị Hòa - Trưởng BQL di tích danh thắng Hà Nội (đơn vị xây dựng đề án) cho biết, thời gian tới BQL di tích danh thắng Hà Nội sẽ phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm tiến hành kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ các giá trị của làng cổ; xếp hạng các di tích có giá trị để có cơ sở bảo tồn, tôn tạo; lập hồ sơ khoa học các hiện vật trong di tích; lấy ý kiến các nhà khoa học để tìm biện pháp bảo tồn trong tình hình mới…

Đồng tình với hướng đi trên, ông Trần Thế Cương - Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết thêm, không gian Làng cổ Đông Ngạc không còn nguyên vẹn như mấy chục năm trước nên quận sẽ chọn bảo tồn giá trị làng khoa bảng làm điểm nhấn. Đó cũng là cách để tránh những mâu thuẫn tương tự như ở Làng cổ Đường Lâm. Trong năm nay, quận sẽ lập hồ sơ đề nghị xếp hạng cho một số di tích; đồng thời tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức về di sản mà họ đang sở hữu. Đối với hạ tầng phục vụ du lịch, quận dự kiến quy hoạch khoảng từ 4.000 đến 6.000m2 trên địa bàn phường để xây dựng điểm trung chuyển du lịch và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đề án được triển khai.

Đông Ngạc là một trong những ngôi làng cổ hiếm hoi còn lại ở Hà Nội, chứa đựng nhiều giá trị vật thể, phi vật thể vô cùng độc đáo. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng rõ ràng việc bảo tồn làng khoa bảng Đông Ngạc vẫn rất cần thiết. Điều đó đã được các nhà khoa học và chính người dân Đông Ngạc khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thách thức từ “bài toán” bảo tồn - phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.