Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác tối đa những điều mắt thấy, tai nghe!

Phong Điệp| 02/08/2014 06:38

(HNM) - Những ngày Biển Đông dậy sóng, Đại úy Cảnh sát biển - nhà văn Lê Mạnh Thường đã lăn lộn ngoài Hoàng Sa, cập nhật nóng hổi tin tức, công việc của những người lính giữ biển.

20 năm gắn bó với biển đảo, bằng những trải nghiệm của chính mình, Lê Mạnh Thường đã viết nhiều truyện ngắn về người lính Cảnh sát biển, trong đó có "Mộ gió", in trên Báo Văn nghệ Trẻ năm 2012. Hai năm sau đó, tác phẩm đã được chính anh chuyển thể thành kịch bản phim truyện cùng tên. Đây cũng là bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam. Nhà văn Phong Điệp, người đầu tiên đọc và chọn đăng "Mộ gió" trên Văn nghệ Trẻ cách đây 4 năm, đã có cuộc trao đổi cùng nhà văn Lê Mạnh Thường.

- Kịch bản phim "Mộ gió" có phải được gợi ý từ chính truyện ngắn "Mộ gió" anh đã đăng tải trên Văn nghệ Trẻ cách đây ít năm?

- Chính xác! Kịch bản phim "Mộ gió" hiện nay đã được chuyển thể từ chính truyện ngắn "Mộ gió", tham dự "Truyện ngắn dự thi" trên Báo Văn nghệ Trẻ vào tháng 4-2012. "Mộ gió" là câu chuyện của một cảnh sát biển, con một ngư dân đã cùng đồng đội bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

- Có phải anh được đặt hàng viết kịch bản này?

- Thực ra, đây là kịch bản tốt nghiệp chuyên ngành Biên kịch Điện ảnh - Truyền hình của tôi tại Khoa Sân khấu - Điện ảnh & Viết văn, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội. Với sự giúp đỡ của giảng viên, sau khi hoàn thiện, tôi nhớ, kịch bản này đã được Hội đồng Nghệ thuật gồm những nhà biên kịch nổi tiếng như Trịnh Thanh Nhã, Đoàn Minh Tuấn, Thùy Linh, Đoàn Trúc Quỳnh cho 9,5 điểm.

Sau đó nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã nộp kịch bản lên Cục Điện ảnh và được duyệt ngay để làm phim theo đơn đặt hàng của Cục Điện ảnh về chủ đề miền núi và hải đảo.

- Chuyện phim có nhiều chi tiết rất thật và xúc động. Liệu có không những "nguyên mẫu" cho tác phẩm "Mộ gió"?

- Có thể nói rằng, ngoài thủ pháp sử dụng yếu tố huyền ảo tâm linh ở một vài trường đoạn trong phim ra thì hầu hết những chi tiết, những trường đoạn, phân đoạn khác đều được khai thác một cách tối đa từ những điều tôi đã mắt thấy, tai nghe. Ví như cảnh Năm Đại, một ngư dân đã xúc cát trên đảo để đem về nhà cho vào bát nhang trên bàn thiên để thắp nhang thờ cúng. Nguyên mẫu chính ở đây là "sói biển" Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn. Hay chuyện làm tượng đất sét, cành dâu làm xương, lòng trắng trứng gà làm huyết tương, mặc quần áo cho tượng rồi nhập hồn… thì tôi đã được chính ngư dân kể cho nghe trong những chuyến lênh đênh trên biển Trường Sa. Hay những cảnh bão bùng, biển động, cướp biển... cũng đều là những tình huống mà tôi và đồng đội, những người lính Cảnh sát biển Việt Nam đã từng trải qua, giáp mặt…

- Nhà sản xuất đón nhận kịch bản này như thế nào?

- Cuối năm 2013, Bộ VH-TT&DL, Cục Điện ảnh đã đặt hàng Hãng phim Nhã Phương thực hiện bộ phim này với số kinh phí quá khiêm tốn, chỉ 400 triệu đồng. Đó là một thách thức lớn với những người làm phim truyện. Nhưng NSƯT, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cùng đoàn làm phim đã quyết tâm làm bằng được bộ phim này và không ai đặt lợi ích kinh tế lên trên cả. Rất may mắn, hãng phim đã được Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quan tâm, tạo mọi điều kiện giúp đỡ để bộ phim được sớm hoàn thành.

Ban đầu, bối cảnh chính là ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, sau đó định chuyển sang khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi để thuận tiện hơn. Cuối cùng, do sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của ta nên phần lớn phương tiện, cán bộ, chiến sĩ của Vùng Cảnh sát biển 2 đóng tại Quảng Nam đang phải căng mình bám biển làm nhiệm vụ. Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cùng Hãng phim nhất trí chuyển địa điểm quay vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với sự giúp đỡ của đơn vị Vùng Cảnh sát biển 3.

- Anh nghĩ sao khi đến tận bây giờ chúng ta mới có một bộ phim truyện đầu tiên về lực lượng Cảnh sát biển?

- Tôi nghĩ chúng ta cần có nhiều hơn những bộ phim về biển đảo, về cuộc sống của ngư dân, của người lính đang ngày đêm can trường bám biển quê hương.

- Vậy bản thân anh có tiếp tục theo đuổi đề tài này?

- Bên cạnh kịch bản đề tài xã hội, tôi cũng đã có một kịch bản phim ngắn về biển đảo mang tên "Thị thành xa ngái".

- Xin cảm ơn anh và chúc cho "Thị thành xa ngái" sẽ sớm được bấm máy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác tối đa những điều mắt thấy, tai nghe!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.