Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân: Thiếu thực tế, nhiều bất cập

Hiền Dung| 23/08/2014 06:34

(HNM) - Sau 12 năm soạn thảo, Nghị định 62/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) đã ra đời và có hiệu lực từ ngày 7-8.

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa (30-9), Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố phải hoàn thành việc nhận hồ sơ đề nghị xét tặng của nghệ nhân để Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh gửi lên cấp bộ trước ngày 25-12 cho đợt xét tặng đầu tiên vào năm 2015. Tuy nhiên, đến điểm này, nhiều nội dung của Nghị định còn bất hợp lý, gây khó khăn cho quá trình triển khai thực hiện.

Truyền dạy lớp trẻ tại CLB Hát Dô, xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai). Ảnh: Linh Ngọc


Chưa phù hợp thực tiễn

So với những lần dự thảo thì nội dung của Nghị định 62 thông thoáng hơn, bớt đánh đố nghệ nhân hơn. Nhưng so với thực tiễn, Nghị định vẫn còn những điều bất hợp lý. Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền (Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam) phân tích: Thứ nhất, danh hiệu được áp dụng với mọi đối tượng công dân Việt Nam, đồng nghĩa với việc một số nghệ sĩ thuộc biên chế của các đoàn nghệ thuật có thể vừa là nghệ sĩ nhân dân, vừa là NNƯT. Thứ hai, nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực DSVH PVT đa phần sinh sống ở nông thôn, tuổi cao, sức yếu, cuộc sống nhiều khó khăn nhưng họ mới chỉ được xem xét hưởng trợ cấp sinh hoạt hằng tháng, chứ chưa có chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Thứ ba, rất nhiều người cả đời cống hiến cho DS, được cộng đồng tôn vinh là nghệ nhân nhưng không tham gia các cuộc thi, các liên hoan thì không có giải thưởng, huy chương để làm hồ sơ. Thứ tư, NNND phải đáp ứng yêu cầu bắt buộc là phát huy giá trị DSVH PVT trong phạm vi cả nước, trong khi NNƯT là những người phát huy giá trị DSVH PVT ở địa phương. Như vậy, NNƯT hoạt động cả đời cũng khó có thể đạt danh hiệu NNND vì nhiều loại hình DSVH PVT mang tính chất địa phương, vùng miền rất rõ ràng… Đáng nói hơn, nhiều nghệ nhân ở vùng sâu, vùng xa không biết chữ, cũng không có thiết bị để lưu giữ tư liệu nên việc hoàn thiện hồ sơ dường như là điều không tưởng…

Đồng tình với phân tích trên, PGS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch thường trực Hội DSVH Việt Nam cho rằng, đối với nghệ nhân, sự suy tôn của cộng đồng là quan trọng nhất, chính xác nhất bởi cộng đồng là những người chứng kiến cả quá trình hoạt động nghệ thuật của nghệ nhân. Vì thế, quá trình xét tặng nên đề cao ý kiến, nhận xét của cộng đồng hơn là những quy định mang tính hình thức. Đây cũng là quan điểm của GS Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát huy DSVH dân tộc. Minh chứng cho những nhận định này, ông Phạm Bá Khiêm, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ cho hay, Phú Thọ hiện có 69 nghệ nhân dân gian đã được Hội Văn nghệ dân gian vinh danh. Thế nhưng, nếu áp theo Nghị định 62 thì chỉ có khoảng 30 nghệ nhân đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra. Vì những bất cập của Nghị định, Sở VH-TT&DL Phú Thọ chưa nhận được hồ sơ đề nghị xét tặng nào của các nghệ nhân bậc cao niên mặc dù họ mong chờ Nghị định này lâu lắm rồi.

Cách nào gỡ vướng?

Không thể chờ đến khi có Nghị định 62, từ năm 2009, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quy chế xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân ca Quan họ" với những quy định, quy trình rất cụ thể, chặt chẽ. Ngoài mức tiền thưởng 5 triệu đồng, hàng tháng các nghệ nhân quan họ được hưởng lương cơ bản và được hỗ trợ bảo hiểm y tế. Với kinh nghiệm đã có trong việc xét tặng, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cho rằng, để Nghị định 62 có thể triển khai, Bộ VH-TT&DL cần có thông tư hướng dẫn cụ thể, khoa học, phù hợp với thực tế từng địa phương. Hơn nữa, đối tượng áp dụng phải cụ thể, tài năng phải được xác định rõ ràng. Cũng theo ông Nguyễn Văn Phong, mức hỗ trợ hàng tháng nên được áp dụng cho tất cả nghệ nhân (đa phần họ đều rất khó khăn và có thời gian dài cống hiến) thay vì chỉ có những trường hợp khốn khó mới được xem xét như quy định trong nghị định. Về cách xét tặng, GS Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam chia sẻ: "Những năm qua, Hội Văn nghệ dân gian đã phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân dân gian" cho hơn 300 người. Tất cả những trường hợp xét tặng đều do các chi hội và địa phương đề xuất. Bằng cách này, nghệ nhân được nhận danh hiệu rất phấn khởi, nỗ lực cống hiến hết mình và không có trường hợp kiện cáo nào xảy ra".

Là cơ quan tham mưu cho Chính phủ trong việc ban hành Nghị định 62, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định, Bộ sẽ thành lập các tổ công tác đi đến từng địa phương để hướng dẫn, hỗ trợ việc xét tặng. "Tùy từng địa phương, từng hoàn cảnh của nghệ nhân chúng tôi sẽ xem xét, nhưng mọi sự xem xét đều không trái với luật, nghị định đã quy định". - Bà Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh.

Trong khi chờ đợi những động thái tích cực từ các cơ quan có thẩm quyền, hằng ngày, hàng giờ các nghệ nhân vẫn cống hiến hết mình và không ngừng hy vọng sự cống hiến ấy sẽ được ghi nhận một cách xứng đáng. Thực tế cho thấy, nghệ nhân giữ gìn DSVH PVT đa phần ở tuổi "gần đất xa trời". Nhiều người ra đi khi chưa kịp hưởng bất cứ chế độ đãi ngộ nào, số người còn sống không phải ai cũng còn khả năng truyền dạy, biểu diễn. Vì thế, Nghị định 62 ra đời là rất cần thiết, song cũng cần giảm bớt thủ tục rườm rà để nghệ nhân được hưởng niềm vui trọn vẹn.

Theo Nghị định 62, danh hiệu NNND, NNƯT được phong tặng cho công dân Việt Nam đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị DSVH PVT thuộc các loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian… Người được phong tặng danh hiệu phải hội đủ các yêu tố: Tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị DSVH PVT trong phạm vi cả nước (đối với NNND) hoặc của địa phương (đối với NNƯT), thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành DS, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao (đối với NNND) và có giá trị (đối với NNƯT)… Trong hồ sơ đề nghị, các nghệ nhân phải tự làm (hoặc nhờ) bản khai thành tích, tư liệu băng, đĩa thực hành DS, tư liệu mô tả chuyên môn, tri thức mà nghệ nhân nắm giữ; bản sao có công chứng các quyết định tặng thưởng huân, huy chương, giải thưởng, bằng khen… Cùng với những quy định về tài năng và đạo đức, người được vinh danh còn phải bảo đảm tuổi nghề ít nhất 15 năm đối với NNƯT, 20 năm đối với NNND.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét tặng danh hiệu Nghệ nhân: Thiếu thực tế, nhiều bất cập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.